Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

NỘI QUI BAN ĐẠO ĐỨC


TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

NỘI QUI BAN ĐẠO ĐỨC
VÀ BAN CHẤP HÀNH ĐẠO ĐỨC

– Chiếu theo thánh ý của Đức Tông sư Minh Trí khi Ngài chủ trì Đại hội thường niên ngày mùng 8 tháng 4 năm Bính Thân (1956) và Nghị quyết Đại hội;
– Giáo hội đã thành lập một ban mệnh danh là Ban Đạo đức vào năm 1956, do Ðức Tông sư Minh Trí làm Trưởng ban;
– Ban Ðạo đức tổ chức ra Ban Chấp hành Ðạo đức để thực hiện công tác quản lý hành chánh môn Tu Huệ;
– Nay, căn cứ theo Điều 13 Chương IV bản Hiến chương năm 2014 của Giáo hội TĐCSPHVN, ấn định việc thành lập và ban hành Nội qui các ban.


CHƯƠNG I. DANH NGHĨA, MỤC ĐÍCH,
HỆ THỐNG TỔ CHỨC BAN ĐẠO ĐỨC

ĐIỀU 1: Kế tục công tác phổ truyền Phật pháp do Thầy Tổ để lại, với chức năng và nhiệm vụ, Ban Trị sự Trung ương thực hiện việc tu chỉnh bản Nội qui Ban Đạo đức và Ban Chấp hành Đạo đức, nhằm củng cố và phát triển phương châm hành đạo, giữ vững tôn chỉ của Giáo hội.

ĐIỀU 2: Mục đích của Ban Đạo đức như sau đây:
2.1. Thực hiện pháp môn Phước Huệ Song Tu đúng với tôn chỉ của Giáo hội TĐCSPHVN để phổ biến trong quảng đại tín đồ.
2.2. Tất cả các ban và chức sắc, tín đồ, hội viên, thiện nam tín nữ phải vâng lệnh Đức Tông sư Minh Trí cùng nhau nhóm họp để trao đổi ý kiến trên con đường tu học Phật pháp.
2.3. Đoàn kết tất cả các ban, chức sắc, tín đồ, hội viên, thiện nam tín nữ một lòng thực hiện Tam tụ Lục hòa, và dùng nó làm nền tảng cho Giáo hội.
2.4. Tiến tới sự thành lập trường Phật học.
2.5. Tiến tới sự thành lập ban văn hóa để làm ngọn đuốc lãnh đạo chung, như xuất bản báo chí hằng tuần hay hằng tháng.
2.6. Tiến tới sự thành lập lớp huấn luyện chức sắc Ban Đạo đức, có văn bằng khi thành tài.

ĐIỀU 3: Ban Đạo đức là cơ quan lãnh đạo tinh thần tối cao, hệ thống từ trung ương đến địa phương, gồm có:
Một vị Tông sư. Đức Tông sư Minh Trí là Trưởng ban Đạo đức duy nhứt, là bậc Thượng sư chứng.
Nhiều vị chức sắc Huấn sư,
Nhiều vị chức sắc Giảng sư, Phó Giảng sư,
Nhiều vị chức sắc Huấn viên, Giảng viên,
(Chức sắc Huấn viên do Đức Tông sư cử đặt.)
Các chức sắc từ giáo phẩm Huấn sư trở xuống là bậc Hạ sư truyền.

ĐIỀU 4: Thừa lịnh thánh ý của Đức Tông sư Minh Trí: Tất cả các ban như Ban Trị sự, Ban Y tế Phước thiện, Ban Hộ đạo, Ban Kinh tế, v.v...; tất cả chức sắc và tín đồ nam nữ phải đoàn kết hiệp thành một khối duy nhất hầu lập thành Ban Đạo đức.


CHƯƠNG II. BỔN PHẬN, NHIỆM VỤ, QUYỀN LỢI
CỦA NHÂN VIÊN VÀ CHỨC SẮC BAN ĐẠO ĐỨC

ĐIỀU 5: Nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức phải gương mẫu, siêng năng, cần tham cầu học tập đạo đức gồm Nhơn đạo và Phật đạo, tỏ thông giáo lý nhà Phật, nâng cao trình độ tu chứng của mình để không hỗ phận là phật tử hữu danh vô thật.

ĐIỀU 6: Nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức phải giàu lòng bác ái, tương thân tương trợ, về tinh thần thì tùy thời vỗ về khuyến khích, hoặc an ủi khuyên can, dùng sở học của mình để dẫn dắt mọi người tăng tiến trên đường chánh tín đạo đức.

ĐIỀU 7: Chức sắc ngành Đạo đức phải nghiêm giữ giới luật (đã nêu trong phần thệ nguyện khi thọ phong chức sắc) và qui điều chức sắc; lễ độ, trang nghiêm trong đời sống hằng ngày, tại gia đình hay ngoài xã hội, và khi đến Hội quán phải giữ đúng theo Tam tụ Lục hòa là nồng cốt của giáo hội.

ĐIỀU 8: Tất cả nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức đều bình đẳng, không phân chia giai cấp giàu, nghèo, sang, hèn.

ĐIỀU 9: Tất cả nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức đều có quyền hỏi đạo và giải đáp các nghi vấn; nhưng không bắt buộc phải hỏi hay đáp.

ĐIỀU 10: Tất cả nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức, ngoài kinh sách của giáo hội, cũng được quyền tham khảo, nghiên cứu kinh sách nào tùy ý; nhưng trước hết phải có kinh sách của giáo hội để học tập cho thông suốt, vì kinh sách của giáo hội là ngọn đuốc lãnh đạo chung.

ĐIỀU 11: Quyền lợi của Ban Đạo đức là quyền lợi chung của giáo hội. Trách nhiệm của nhân viên và chức sắc Ban Đạo đức là phải gìn giữ và ủng hộ để ban này có đủ phương tiện hoạt động trên con đường hoằng dương chánh pháp.

ĐIỀU 12: Các chức sắc ngành Đạo đức tùy theo phẩm trật có nhiệm vụ riêng của mỗi bậc như dưới đây:
12.1. Huấn sư:
a.   Huấn sư là một bậc tài đức lưỡng toàn, đạo hạnh sâu dầy, và chịu trách nhiệm dẫn dắt tất cả sự tu học của toàn thể giáo đồ theo tôn chỉ Phước Huệ Song Tu.
b.  Giải nghĩa tất cả những chơn lý cao siêu còn đang thảo luận chưa ngã ngũ.
c.   Giải nghĩa rốt ráo kinh, luận cho Giảng sư, Phó Giảng sư và Giảng viên, tấn tiến lên bậc cao.
d.  Chứng minh các cuộc lễ hội.

12.2. Giảng sư:
a.   Thay mặt Ban Chấp hành Đạo đức chịu trách nhiệm trong những thời diễn giảng.
b.  Giúp Huấn sư trong công cuộc hoằng dương Phật pháp.
c.   Soạn bài diễn giảng trong các cuộc lễ.
d.  Giảng giải giáo lý cho tín đồ thiện tín để nâng cao trình độ tu học.
e.   Thay mặt khi Huấn sư đi vắng trong việc phát triển tín đồ mới, chứng minh các cuộc lễ hội.
12.3. Phó Giảng sư:
a.   Phụ tá Giảng sư trong các công việc của Giáo hội, thuyết giảng Đạo đức.
b.  Thay mặt khi Giảng sư đi vắng.
12.4. Giảng viên, Huấn viên:
a. Dìu dắt những người mới nhập môn.
b. Phụ tá Phó Giảng sư, thuyết giảng Đạo đức.
c. Tiếp khách trong những cuộc lễ của Giáo hội.
12.5. Thuyết trình viên:
Phụ tá Giảng viên thuyết trình đề tài học tập Đạo Đức, hằng tuần hoặc hằng tháng theo sở học của mình.


CHƯƠNG III. HỆ THỐNG TỔ CHỨC,
TRÁCH NHIỆM CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẠO ĐỨC


ÐIỀU 13: Muốn thành lập Ban Chấp hành Đạo đức cấp Trung ương, Ban Đạo đức và Ban Trị sự Trung ương cử ra Ban Chấp hành Đạo đức để điều hành công việc Phật sự của ngành. Muốn thành lập Ban Chấp hành Đạo đức cấp Tỉnh, Thành và Chi hội phải triệu tập các ban, các chức sắc để tiến hành công cử hoặc chỉ định theo sự thống nhất chung của hội nghị.

ÐIỀU 14: Thành phần của Ban Chấp hành Đạo đức phải đáp ứng được nội dung các Điều 6, 7 và 8 Chương II, có như thế mới được tiến cử.

ÐIỀU 15: Ban Chấp hành Đạo đức ở cấp Tỉnh, Thành hội thì chịu trách nhiệm về công việc làm của mình đối với Ban Trị Sự ở cấp Tỉnh, Thành hội đó, đồng thời cũng chịu trách nhiệm đối với Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương.

ÐIỀU 16: Ban Chấp hành Đạo đức ở Chi hội thì chịu trách nhiệm về công việc làm của mình đối với Ban Trị sự Chi hội và Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội.

ĐIỀU 17: Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương chẳng những chịu trách nhiệm về công việc làm của mình đối với Ban Trị sự Trung ương mà cũng chịu trách nhiệm với Đức Tông sư Minh Trí nữa.

ĐIỀU 18: Ban Chấp hành Đạo đức gồm có 6 vị:
- Một vị Chủ tịch
- Một vị Phó Chủ tịch
- Một vị Thư ký
- Một vị Phó thư ký
- Hai vị Kiểm soát.
Ban Chấp hành Ðạo đức tổ chức theo hệ thống từ trên xuống dưới, bắt đầu từ Trung ương, nối liền tới Tỉnh, Thành hội và Chi hội.

ĐIỀU 19: Tùy theo nhu cầu phát triển, các Ban Chấp hành Đạo đức có thể thành lập các ban phụ trách chuyên môn. Điều kiện thành lập cũng như phương thức hoạt động sẽ căn cứ vào Quyết Định và Thông Tư hướng dẫn của Ban Trị sự Trung ương. Kỳ hạn quản nhiệm các ban trực thuộc tương ứng với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đạo đức.
19.1. Ban Chấp hành Đạo đức cấp Trung ương có thể thành lập các ban chuyên trách như:
– Ban Hoằng pháp–Giảng huấn Trung ương: Ngành Giảng huấn phụ trách giảng dạy các Khóa đào tạo chức sắc; các Khóa học tập kinh điển nâng cao; hỗ trợ các Khóa giáo lý căn bản của các Tỉnh, Thành hội khi có yêu cầu. Ngành Hoằng pháp phụ trách công tác phổ thông giáo lý thông qua các diễn đàn thuyết giảng trong các đại lễ hoặc trong những ngày sóc vọng.
– Ban Soạn thảo, Tu thư và Kiểm duyệt Trung ương: Phụ trách công tác soạn thảo chuyên ngành, biên tập kinh sách trước khi xuất bản, tu chỉnh kinh giảng, và phụ trách công tác kiểm duyệt các bài diễn giảng.
19.2. Ban Chấp hành Đạo đức cấp Tỉnh, Thành hội có thể thành lập các ban chuyên trách trong phạm vi Tỉnh, Thành hội và Chi hội như:
– Ban Giảng huấn: Phụ trách giảng dạy các Khóa giáo lý căn bản và công tác phổ thông giáo lý trong các dịp lễ hội hoặc những ngày sóc vọng.
– Ban Kiểm duyệt: Phụ trách công tác kiểm duyệt các bài diễn giảng.

ĐIỀU 20: Nhiệm vụ chung của Ban Chấp hành Đạo đức như sau đây:
20.1. Tìm biện pháp vạch ra phương hướng, hoạt động học tập Đạo đức để nâng cao trình độ tu học của toàn thể giáo đồ TÐCSPHVN. Trong đó tư cách đạo đức là cần trước hết; nếu không đủ tư cách đạo đức, dầu học bao nhiêu cũng không làm gì được.
20.2. Dùng hết khả năng của mình để hoằng dương chánh pháp, truyền bá giáo lý TÐCSPHVN khắp nhân gian. Tuỳ phương tiện để thực hiện phương pháp tu học Phước Huệ đúng với tôn chỉ của Giáo hội.
20.3. Tổ chức những cuộc hội họp hàng tuần, hoặc hàng tháng để trao đổi những điều sở đắc.
20.4. Việc làm lễ qui y cho những người mới nhập môn, thường là bổn phận của Huấn sư; nếu địa phương nào chưa có chức sắc nầy thì Ban Chấp hành Đạo đức sở tại chọn người có năng lực và đức độ trong ban.
20.5. Khuyến khích và giúp đỡ, nung chí đối với những người tận tâm làm việc Giáo hội.
20.6. Điều khiển các  cuộc hành lễ trong những ngày sóc vọng và ngày vía.

ĐIỀU 21: Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chấp hành Đạo đức như dưới đây:
21.1. Chủ tịch:
a. Chủ tọa các phiên họp của Ban Chấp hành Đạo đức;
b. Triệu tập các phiên họp;
c. Chịu trách nhiệm chữ ký của mình trong các bản phúc trình, cùng là chứng thực đã kiểm duyệt những bài diễn giảng do Ban Kiểm duyệt đệ trình;
d. Đại diện Ban Chấp hành Đạo đức; đại biểu dự hội nghị thường niên, hoặc là hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Đạo đức tại Trung ương.
21.2. Phó Chủ tịch:
a. Phụ tá Chủ tịch;
b. Thay mặt khi Chủ tịch đi vắng;
c. Chịu trách nhiệm khi thay thế Chủ tịch;
21.3. Thư ký:
a. Đảm nhiệm tất cả văn thư, văn kiện của Ban Chấp hành Đạo đức;
b. Làm phúc trình gởi Ban Trị sự sở tại và Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương; Nếu ở Chi hội thì phúc trình cho Ban Trị sự sở tại và Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội;
c. Làm biên bản các phiên hội họp.
21.4. Phó Thư ký:
a. Phụ tá thư ký;
b. Thay mặt khi thư ký vắng mặt.
21.5. Kiểm soát:
a. Kiểm soát Ban Chấp hành Đạo đức thực thi đúng với Hiến chương và Nội qui;
b. Quan sát tất cả công việc làm của Ban Chấp hành Đạo đức và các tiểu ban như: Ban Tu thư Soạn thảo, Ban Hoằng pháp–Giảng huấn, Ban Kiểm duyệt, để xúc tiến sự tu học Phật pháp đúng với đường lối của Giáo hội.

 


 

CHƯƠNG IV.

TIÊU CHUẨN CÁC CHỨC DANH, NHIỆM KỲ, PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẠO ĐỨC


ĐIỀU 22: Chức danh Chủ tịch do Chánh Hội trưởng, hoặc Hội trưởng, hoặc Trưởng ban Ban Trị sự đảm nhiệm. Chức danh Phó Chủ tịch do vị chức sắc ngành Đạo đức cấp bậc cao nhứt sở tại đảm nhiệm; nếu có nhiều chức sắc cấp bậc ngang nhau thì bỏ phiếu công cử; trường hợp không có chức sắc thì do Phó Hội trưởng, hoặc Phó ban Ban Trị sự đảm nhiệm.

ĐIỀU 23: Các chức vụ khác như Thư ký, Kiểm soát, nếu có người thì tuyển cử, bằng không thì tuyển chọn trong Ban Trị sự để thành lập Ban Chấp hành Đạo đức. Người được tuyển chọn phải có khả năng và tư cách đạo đức, được sự tín nhiệm của tín đồ, hội viên.

ĐIỀU 24: Để tránh sự chia rẽ và thống nhất tài chánh, Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương, Tỉnh, Thành và Chi hội không có quỹ riêng. Các chi phí đều do Ban Trị sự đài thọ.

ĐIỀU 25: Muốn mua sắm dụng cụ văn phòng, vật dụng hỗ trợ, hoặc kinh sách để làm tài liệu nghiên cứu, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đạo đức phải viết phiếu đề nghị, rồi đưa ra Ban Trị sự chấp thuận làm chứng từ phiếu xuất.

ĐIỀU 26: Mỗi địa phương, sau khi tổ chức Ban Chấp hành Đạo đức xong, phải trang bị một tủ sách giáo lý để làm tài liệu nghiên cứu.

ĐIỀU 27: Qui định chung không một ai được mượn kinh sách đem về nhà, vì người này mượn được thì người khác cũng mượn được, nếu mạnh ai nấy mượn thì thế nào cũng bị thất lạc, bằng kẻ được người không thì sanh ra mất lòng.

ĐIỀU 28: Ban Chấp hành Đạo đức phân công người coi sóc tủ sách có ghi số lượng từng loại. Người được phân công phải chịu trách nhiệm khi bị mất.



CHƯƠNG V. 

HÌNH THỨC TỔ CHỨC HỌC TẬP VÀ NỘI DUNG CÁC CUỘC HỘI HỌP


ĐIỀU 29: Thảo luận, học tập đạo đức.
1. Tất cả các ban, các chức sắc, tín đồ hội viên và thiện tín nam nữ họp ngày chủ nhật hằng tuần đúng 8 giờ rưỡi sáng để thảo luận, học tập đạo đức.
2. Muốn tham gia học tập giáo lý thì đến Ban Chấp hành Đạo đức sở tại để xin ghi tên, bất luận già, trẻ, lớn, nhỏ, nam nữ, không phân biệt màu da sắc tóc, chỉ cần thành tâm thật ý để học hỏi giáo lý nhà Phật.

ĐIỀU 30: Có hai cách thảo luận, một là ghi các câu hỏi trên bảng đen, hai là giảng giải từng quyển kinh hay sách Phật. Nhưng trước phải giảng giải kinh sách của Giáo hội, bởi vì kinh sách của Giáo hội là do Đức Tông sư Minh Trí có nhã ý vạch ra một lối tu học hiệu nghiệm và viên đốn.

ĐIỀU 31: Mỗi tháng Ban Chấp hành Đạo đức nhóm họp một lần vào ngày đầu tháng âm lịch, để rút tỉa kinh nghiệm trong các cuộc nhóm họp hàng tuần, hoặc tìm biện pháp để đi sát chương trình học tập Đạo đức hầu thực hiện phương thức giảng giải để nâng cao trình độ tu học của toàn thể tín đồ.

ÐIỀU 32: Ngoài biện pháp nâng cao trình độ tu học toàn thể tín đồ ra, Ban Chấp hành Ðạo đức còn phải nghĩ đến những điều xây dựng tư cách đạo đức con người, nhất là những sự thông cảm, thương yêu, kính trọng lẫn nhau giữa đạo hữu.

ĐIỀU 33: Đến kỳ Hội nghị Ðạo đức thường niên (mỗi năm) và Đại hội Đạo đức (mỗi 5 năm) ở Trung ương thì Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội cử 3 đại biểu, Chi hội cử 2 đại biểu về dự hội nghị. Các vị chức sắc Giảng sư, Phó Giảng sư đương nhiên đủ tư cách đại biểu về dự hội nghị.

ĐIỀU 34: Đại biểu có quyền thay mặt cho Ban Chấp hành Đạo đức và toàn thể giáo đồ ở địa phương để góp ý và biểu quyết Nghị quyết hội nghị.

ĐIỀU 35: Khi đại biểu Hội nghị biểu quyết chấp thuận điều gì với đa số tuyệt đối, hoặc tương đối (quá bán), mà trong hội nghị ấy đại biểu nào không bỏ phiếu, hay bỏ phiếu trắng thì toàn thể giáo đồ tại địa phương đó cũng phải thi hành Nghị quyết, sau khi Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương và Ban Trị sự Trung ương phê chuẩn.

ĐIỀU 36: Đại biểu hội nghị chỉ có thẩm quyền xây dựng theo phương thức Lãnh đạo chung, chỉ đạo riêng, nghĩa là cách thức lãnh đạo toàn quốc do đại biểu hội nghị vạch ra với đa số như đã nói ở Điều 35. Sau khi có Nghị quyết rồi thì đại biểu Ban Chấp hành Đạo đức các nơi, lãnh chỉ thị ấy để chỉ đạo (riêng) lại cho toàn thể tín đồ hội viên địa phương mình.

ĐIỀU 37: Hội nghị Đạo đức thường niên, Đại hội Đạo đức do Chủ tịch Ban Chấp hành Đạo đức làm chủ tọa.

ÐIỀU 38: Hội nghị đạo đức chỉ có thẩm quyển quyết định về sự tu học, về kinh, luật, luận, chớ không có quyền quyết định chuyện gì khác của Giáo hội.

CHƯƠNG VI. PHÚC TRÌNH, BÁO CÁO


ĐIỀU 39: Ban Chấp hành Đạo đức Chi hội chỉ phúc trình về Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội và lưu hồ sơ làm tài liệu. Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội có trách nhiệm đúc kết phúc trình của các Chi hội trong Tỉnh, Thành rồi báo cáo về Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương.

ĐIỀU 40: Mỗi quý trong năm Ban Chấp hành Đạo đức mỗi địa phương phải phúc trình báo cáo theo hệ thống, để Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương có đủ tài liệu biết rõ tình hình tu học của giáo đồ, bình chọn và công bố trước hội nghị để biểu dương.


CHƯƠNG VII.

KIỂM DUYỆT NỘI DUNG NHỮNG BÀI DIỄN GIẢNG


ĐIỀU 41: Tất cả các chức sắc đạo đức nam nữ đều có quyền soạn bài diễn giảng để lên diễn đàn trong những ngày sóc vọng, cùng các ngày vía, nhưng phải gởi trước một tuần cho Ban Chấp hành Đạo đức Tỉnh, Thành hội kiểm duyệt. Sau khi duyệt, Ban Chấp hành Đạo đức thông qua một bản cho Ban Trị sự sở tại chấp chiếu, một bản trả về nguyên chủ, còn một bản gởi về Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương làm tài liệu.

ĐIỀU 42: Ban Kiểm duyệt khi kiểm duyệt bài diễn giảng của người nào, không được phép sửa câu văn của tác giả, trừ khi tác giả có yêu cầu nhuận sắc. Ban Kiểm duyệt có quyền cắt bỏ một câu hay một đoạn trong bài khi nhận thấy có sự sai chơn lý, hoặc phạm đến tôn giáo khác, hay phạm chánh trị. Ban Kiểm duyệt phải làm tờ phúc tra nêu rõ những điểm chưa đúng, những đề nghị và ký tên vào đó.

ĐIỀU 43: Ban Kiểm duyệt có quyền yêu cầu tác giả sửa lại bài diễn giảng cho hợp với những Điều đã ấn định trong Nội qui này.

ĐIỀU 44: Diễn giả nếu trích văn của ai phải nêu rõ tác giả, để tránh về mặt tố tụng. Khi viết phỏng theo bài của ai, cũng phải nêu tên tác giả. Diễn giả được quyền rút trong kinh sách nói ra, nhưng phải nêu rõ xuất xứ ở kinh sách nào để tiện bề tra cứu.

ĐIỀU 45: Ban Chấp hành Đạo đức các Chi hội được quyền trao đổi bài diễn giảng với nhau. Nhưng phải thông qua Ban Chấp hành Đạo đức của đôi bên chứng thực rằng bài ấy đã có kiểm duyệt rồi.

ĐIỀU 46: Chi hội nào không có người soạn bài diễn giảng, thì được quyền xin bài giảng các nơi khác tùy ý, nhưng cũng phải có chữ ký chứng thực rằng bài ấy đã duyệt y.


CHƯƠNG VIII. THỂ THỨC ĐÀO TẠO, TUYỂN CỬ CÁC CHỨC SẮC ĐẠO ĐỨC


ĐIỀU 47: Theo nguyên tắc, muốn đào tạo, tuyển cử các chức sắc Đạo Đức có phẩm trật từ thấp lên cao như:
1. Thuyết trình viên.
2. Huấn viên. (Chức danh nầy dành riêng cho Ðức Tông sư cử đặt).
3. Giảng viên.
4. Phó Giảng sư.
5. Giảng sư.
6. Huấn sư.
Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương tổ chức những khóa đào tạo chức sắc, khi mãn khóa được cấp Giấy chứng nhận. Nếu địa phương nào tự ý tổ chức khóa đào tạo các chức sắc kể trên thì Ban Trị sự Trung ương và Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương sẽ không thừa nhận.

ĐIỀU 48: Khi xét phong cấp, ngoài việc hội đủ các qui định từ Điều 49 đến Điều 56 trong bản Nội qui nầy, còn phải căn cứ theo qui định Tiêu chuẩn duyệt xét phong cấp do Ban Trị sự Trung ương ban hành.

ĐIỀU 49: Để được xét phong cấp Thuyết trình viên, phải học qua chương trình giáo lý căn bản 5 cấp và chương trình sư phạm dành cho Thuyết trình viên. Chương trình nầy sử dụng bộ giáo lý 5 cấp, thống nhứt trong toàn Giáo hội. Kết quả khảo thí được qui định ở Điều 56a.

ĐIỀU 50: Để được xét phong cấp Giảng viên, phải học qua hết chương trình giáo lý đã qui định nơi Điều 49 và chương trình tu nghiệp dành cho Giảng viên.

ĐIỀU 51: Để được xét phong cấp Phó Giảng sư, phải là chức sắc cấp bậc Giảng viên và tốt nghiệp Khóa giáo lý cao cấp dành riêng cho chức sắc theo giáo trình thống nhứt. Nội dung không ngoài ý nghĩa kinh Kim Cang, kinh Pháp Bửu Đàn và kinh A Di Đà. Kết quả khảo thí được qui định ở Điều 56a.

ĐIỀU 52: Để được xét phong cấp Giảng sư, trước hết phải được sự thống nhứt đề cử của Ban Trị sự Tỉnh, Thành và Trung ương; đã là chức sắc cấp bậc Phó Giảng sư; sau đó phải thi viết 2 bài giáo lý, đề tài do Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương đưa ra. Thời hạn mỗi bài là 3 giờ, nội dung không ngoài ý nghĩa kinh Kim Cang, kinh Pháp Bửu Đàn và kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kết quả được qui định ở Điều 56b.

ĐIỀU 53: Để trở thành một vị Huấn sư, trước hết phải được Hội nghị đạo đức thống nhứt đề cử; đã là chức sắc cấp bậc Giảng sư; sau đó phải thi viết 3 bài, mỗi bài 3 giờ; một bài tự chọn đề tài, còn 2 bài kế tiếp có nội dung không ngoài kinh Kim Cang, Pháp Bửu Đàn, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa. Kết quả được qui định ở Điều 56b.

ĐIỀU 54: Những bài dự thi phải viết từ 4 đến 8 trang giấy khổ A4. Trong một ngày thi 2 bài mà thôi, bài thứ ba để ngày sau.

ĐIỀU 55: Chức sắc cấp bậc Giảng sư khi viết bài thi giáo lý thì ban giám khảo căn cứ theo bài viết của người đó mà khảo hạch. Chức sắc cấp bậc Huấn sư thì ngoài khảo hạch trên, còn phải hoàn toàn thông suốt ba chơn lý sắc-không để ban giám khảo sát hạch thêm:
1. Chơn lý sắc không của tiểu thừa.
2. Chơn lý huyễn sắc huyễn không của Sai biệt trí Bồ tát.
3. Chơn lý tức sắc tức không của Đại thừa Viên đốn.

ĐIỀU 56: Điểm số tối đa là 20, chia ra như sau:
a- Đối với các Khóa học: 8 điểm cho các bài thi viết, 10 điểm cho bài thi thuyết giảng, 2 điểm dành cho Ban tổ chức khóa học chấm về hạnh kiểm trong học tập. Trong thang điểm chấm thi có thể tính tới 0,25; 0,50 và 0,75 điểm.

Điểm thi đạt từ 18 đến 20 điểm: đậu hạng ưu.
Điểm thi đạt từ 15 đến dưới 18 điểm: đậu hạng bình.
Ðiểm thi đạt từ 13 đến dưới 15 điểm: đậu hạng bình thứ.
Ðiểm thi đạt từ 10 đến dưới 13 điểm: đậu hạng thứ.
Dưới 10 điểm: rớt.
Trường hợp đặc biệt phải do Ban Chấp hành Đạo đức Trung ương nhận xét và đề xuất Ban Trị sự Trung ương quyết định.

b- Đối với các bài thi của bậc Giảng sư và Huấn sư, điểm số chia ra như sau: 10 điểm cho các bài thi viết, 10 điểm cho các bài thi thuyết giảng hoặc các bài khảo hạch. Hai cấp bậc nầy phải đạt tổng số điểm từ 17 trở lên, không phân biệt hạng ưu hay hạng bình.


CHƯƠNG IX.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

 

ĐIỀU 57: Thể theo thánh ý của Đức Tông sư, toàn thể các chức sắc nhất định cần phải tu học và thấm nhuần pháp Lục độ Ba la mật. Bởi vì theo Ngài thì pháp Lục độ thâu nhiếp tôn chỉ Phước Huệ Song Tu của Giáo hội, và thâu nhiếp các công hạnh cần thiết của hàng cư sĩ tại gia cần phải có. Ngoài ra, các chức sắc trong các ban, hoặc thiện nam tín nữ, nếu ai tu pháp Lục độ thì càng quý vô cùng.

ĐIỀU 58: Tất cả các giáo đồ nên y theo Nội qui này để khép mình vào khuôn vàng thước ngọc, hầu một ngày kia thành bậc tài đức kế thừa Phật sự, khuếch trương tôn chỉ Phước Huệ Song Tu cùng khắp nhân gian.
Điều cần nhất bây giờ là tu và hành: Tu thì dùng trí huệ để trau dồi; Hành thì đem cái huệ học ấy ra để ứng dụng trong các công việc bồi công lập đức và tác phước thiện duyên, bồi công lập đức là công đức Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát.
Nếu tu mà không hành, đó là lý thuyết suông, đó là ăn bánh vẽ, trái lại nếu chỉ có hành mà không tu, thì cũng như người mù không ai dẫn dắt.

 

 

CHƯƠNG X.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


ĐIỀU 59: Muốn sửa đổi Nội qui này, phải thông qua Hội nghị toàn quốc quyết định với số phiếu có tỉ lệ trên 2/3 số đại biểu hiện diện.

ĐIỀU 60: Bản Nội qui Ban Đạo đức và Ban Chấp hành Đạo đức đã ban hành lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 11 năm 1956 (nhằm ngày 26 tháng 10 năm Bính Thân).
Tu chỉnh và thông qua tại Tổ đình Hưng Minh Tự:
– Lần thứ nhứt, thông qua Đại hội đại biểu toàn quốc ngày 10 tháng 9 năm 2007 (nhằm ngày 29 tháng 7 năm Đinh Hợi).
– Lần thứ hai, thông qua Hội nghị toàn quốc ngày 15 tháng 9 năm 2014 (nhằm ngày 22 tháng 8 năm Giáp Ngọ), gồm có 10 Chương, 60 Điều./-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét