Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

DẪN VÀO DUY THỨC HỌC


TÓM LƯỢC BÁCH PHÁP,
DẪN VÀO DUY THỨC HỌC

Duy Thức Học là môn tâm lý học nhà Phật, giải thích sâu và rộng các hiện tượng về Tâm, Ý, Thức, làm nền tảng vững chắc cho nhân sinh quan và vũ trụ quan. Hiểu được sự vận hành của Bát thức Tâm vương, sẽ biết được vì sao hành nghiệp của từng cá nhân không bị lẫn lộn, đồng thời rõ được chỗ chứa của nghiệp thức thiện hay ác của cá nhân qua vô số kiếp. Mặc dù vậy, môn học này được ví như một cái rừng rậm, quanh co rối rắm. Người xưa đã từng có câu nói: “Học Duy Thức như muỗi cắn đá.” Hầu hết đều bỏ cuộc khi đi sâu vào môn này.

Tinh hoa của Duy Thức Học nằm ở quyển (1) Du Già Sư Địa Luận, tương truyền rằng ngài Vô Trước được Đức Di Lặc truyền lại khi ngài lên cung Đâu Suất. Nội dung quá sâu, quá rộng, bao gồm 600 pháp. Ngài Thiên Thân lược lại còn 100 pháp, tóm lược trong một quyển luận ngắn (2) Đại thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, đồng thời, ngài viết thêm bản luận (3) Duy Thức Tam Thập Tụng nhưng chưa kịp giảng giải. Về sau, có ngài Huyền Trang là người thông suốt môn Duy Thức Học, đã viết nên bộ luận (4) Thành Duy Thức để diễn giải môn Duy Thức, và bản tóm lược (5) Bát Thức Qui Củ Tụng.

Năm văn bản trên đây có thể đã nói ra toàn bộ lý nghĩa Duy Thức Học, nhưng không vì thế mà nó dễ học hiểu đối với người đời sau. Hiện tại, cũng đã có nhiều quyển sách giảng giải Duy Thức Học, nhưng rất khó tìm được đầu mối để thâm nhập lý nghĩa Duy Thức. Hiện giờ lại thêm một rào cản đối với người Việt Nam, là sách vở Duy Thức Học sử dụng rất nhiều từ ngữ Hán-Việt xưa!

Theo chúng tôi, muốn học Duy Thức, cần phải thông suốt nội dung quyển Đại thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, lấy đây làm căn bản để vào nhà Duy Thức. Với các pháp hữu vi thuộc nhóm 4, chỉ cần hiểu danh từ là đủ. Sau đó sẽ nghiên cứu, học tập lần lượt Bát Thức Qui Củ Tụng, rồi tới Duy Thức Tam Thập Tụng. Hỗ trợ cho việc học cần phải có thêm bộ Từ điển Phật học (Nếu có bộ Phật Quang Đại Từ Điển là tốt nhất).

Để trợ lực cho việc học Bách Pháp, chúng tôi thực hiện các bản tóm tắt và các lược đồ sau đây. Về tài liệu giảng luận, giáo hội TĐCSPHVN có bộ tài liệu của Đức Huấn sư Như Pháp (hiện đã hoàn thành 5 tập), được upload lên internet, dạng file pdf hiện đang rất thông dụng cho mọi thiết bị.

Người xưa học được thành công, là do chuyên nhất, không cùng một lúc nghiên cứu học tập nhiều môn. Thân chúc quí đạo hữu có sự ưa thích để thành tựu môn này. 

Trân trọng. 

Nam Mô A Di Đà Phật.

THIỆN TỊNH

__________________________

GHI CHÚ: 

Phía dưới bài tóm lược này là link download 5 tập DUY THỨC HỌC GIẢNG LUẬN (file pdf) của Đức Huấn sư Như Pháp. Chư quí vị tải về máy để đọc.

__________________________ 


* * * * * *

Như lời Phật dạy: "Tất cả pháp đều vô ngã." Tất cả pháp ước lược gồm 100 pháp, được phân thành năm nhóm bên dưới đây. Chúng được phân theo thứ tự như vậy, bởi nhóm (1) là tối thắng, nghĩa là vạn pháp đều nhờ có 8 tâm vương mà phát hiện ra; nhóm (2) giao tiếp với nhóm (1) tạo thành nhóm (3) là bóng hiện của hai nhóm trước; nhóm (4) do phần vị sai khác của ba nhóm kia (1) (2) (3) mà sanh ra tri giác sai biệt; và nhóm (5) được hiển thị bởi bốn nhóm đầu.

94 PHÁP HỮU VI

6 PHÁP VÔ VI
Nhóm 1
Nhóm 2
Nhóm 3
Nhóm 4
Nhóm 5
TÂM VƯƠNG
(8 PHÁP)
TÂM SỞ HỮU PHÁP
(51 PHÁP)
SẮC PHÁP
(11 PHÁP)
TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH (24 PHÁP)
VÔ VI PHÁP
1. Nhãn thức
2. Nhĩ thức
3. Tỷ thức
4. Thiệt thức
5. Thân thức
6. Ý thức
7. Mạt-na thức
8. A-lại-da thức
5 Tâm sở biến hành: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.
Năm căn:
Nhãn căn,
Nhĩ căn,
Tỷ căn,
Thiệt căn,
Thân căn.

Sáu trần:
Sắc trần,
Thinh trần, Hương trần,
Vị trần,
Xúc trần,
Pháp trần.
1) Đắc
2) Mạng căn
3) Chúng đồng phận (đồng loại)
4) Dị sanh tánh (phàm phu)
5) Vô tưởng định
6) Diệt tận định
7) Vô tưởng báo
8) Danh thân
9) Cú thân
10) Văn thân (chữ)
11) Sanh
12) Trụ
13) Lão
14) Vô thường (chết)
15) Lưu chuyển
16) Định vị
17) Tương ưng
18) Thế tốc
19) Thứ đệ
20) Thời gian
21) Không gian.
22) Số
23) Hòa hợp tánh
24) Bất hòa hợp tánh.
1) Hư không vô vi,
2) Trạch diệt vô vi,
3) Phi trạch diệt vô vi,
4) Bất động diệt vô vi,
5) Thụ tưởng diệt vô vi,
6) Chơn như vô vi.
5 Tâm sở biệt cảnh: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.
11 Tâm sở thiện: Tín, Tinh tấn, Tàm, Quí, Vô tham, Vô sân, Vô si, Khinh an, Bất phóng dật,  Hành xả, Bất hại.
6 Tâm sở Căn bản phiền não: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến (Ác kiến có 5 món gồm thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ).
20 Tâm sở Tùy phiền não: Gồm 10 Tiểu tùy: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siểm, Hại, Kiêu. 2 Trung tùy: Vô tàm, Vô quí. 8 Đại tùy: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
4 Tâm sở bất định: Hối, Miên, Tầm, Tứ.
Bốn nhóm đầu thuộc về sự tướng, nhóm 5 thuộc về lý tánh. Gọi chung là 5 pháp sự lý.
Tâm vương hơn tất cả
Tâm sở tương ưng với tâm vương
Hai thứ hòa hiệp ảnh tượng sanh
Ba phần giả lập bất tương ưng
Do hữu vi, hiển thị vô vi
Thứ lớp bách pháp là như vậy.


LƯỢC GIẢI 51 TÂM SỞ HỮU PHÁP

5 món Biến hành Tâm sở: Chúng đi khắp bốn chỗ: 1/ Đi khắp thời gian; 2/ Đi khắp không gian (ba cõi, chín địa); 3/ Đi khắp Bát thức; 4/ Đi khắp ba tánh lành, dữ, không lành không dữ.

Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Xúc (tiếp xúc)
Làm cho TV và TS tiếp xúc cảnh sở duyên.
Chỗ nương cho TS Thụ, Tưởng, Tư phát sanh.
Tác ý (thức tâm)
Đánh thức chủng tử TV, TS hiện hành sanh khởi.
Dẫn dắt TV và TS hiện ra để cùng duyên với cảnh của mình.
Thụ (thụ lãnh)
Lãnh thọ mọi cảnh vui, buồn, không vui không buồn.

Tưởng (tưởng tượng)
Tưởng tượng hình tướng của sự vật đang hiện diện hay vắng mặt.
Đặt tên bày hiệu về danh từ cũng như về ngôn ngữ cho sự vật để kêu gọi.
(suy tính)
Suy tư, lo nghĩ, sáng tạo.
Khiến TV TS hành động theo chỗ lo nghĩ.


5 món Biệt cảnh Tâm sở: Biệt cảnh nghĩa là cảnh riêng biệt của mỗi tâm, có cảnh sở duyên riêng biệt.

Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Dục (mong muốn, hy vọng)
Mong mỏi thích duyên những cảnh vui sướng.
Phát khởi sự siêng năng sốt sắng, hăng say, theo đuổi những cảnh vừa ý.
Thắng giải (hiểu đúng)
Hiểu biết đành rành, đích xác, không mơ hồ, không nghi ngờ.
Không thay lòng đổi ý khi đã hiểu biết rõ ràng.
Niệm (nhớ nghĩ)
Ghi nhớ rõ ràng; thường tâm tâm niệm niệm những gì theo đuổi.
Làm chỗ nương cho tâm chuyên chú tùy theo cảnh duyên thiện hay ác.
Định (sự chú tâm)
Không tán loạn, một tâm, một cảnh.
Làm trí sáng suốt phát hiện.
Huệ (sự thông sáng)
Sự sáng suốt để lựa chọn cái hay, cái tốt, cái lành.
Dứt sự nghi ngờ.


11 món Thiện Tâm sở: Thiện nghĩa là lành. Tác dụng của các tâm sở nầy hay hành thiện, chúng có khả năng đưa đẩy, dẫn dắt con người đến chỗ giác ngộ.

Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Tín (sự tin tưởng)
Tin chịu điều chơn thật, có thể làm cho con người tiến bộ về chơn, mỹ, thiện.
Đối trị lòng không tin tưởng.
Tinh tấn (tinh cần tấn tới)
Siêng năng dứt ác, làm các điều thiện.
Đối trị lười biếng giãi đãi.
Tàm (tự hổ)
Xấu hổ khi làm quấy dù chưa ai biết.
Đối trị lòng không biết xấu hổ.
Quí (thẹn với người)
Tự thẹn khi làm những điều chẳng phải.
Đối trị lòng không biết thẹn.
Vô tham (không tham)
Không ham muốn trái lẽ.
Đối trị lòng tham.
Vô sân (không sân hận)
Không sân hận khi gặp nghịch cảnh.
Thích làm điều lành để đối trị sân hận.
Vô si (không si mê)
Không si mê, khờ dại, lầm lạc.
Chỉ thích làm điều lành để đối trị si mê.
Khinh an (nhẹ nhàng thơ thới)
Nhẹ nhàng thơ thới, khoan khoái khi làm điều lành.
Chỉ thích hành thiện, đối trị bệnh hôn trầm, trì trệ.
Bất phóng dật (kg buông lung)
Không buông thả phóng túng, nhờ vậy ngăn ngừa được những điều xấu.
Ngăn ngừa sự buông lung, dẫn dắt con người đến sự giác ngộ.
Hành xả (làm rồi không chấp)
Làm thiện mà lòng không chấp trước.
Đối trị bệnh chấp trước việc hành thiện.
Bất hại (không làm tổn hại)
Không làm tổn hại cái gì, lớn hay nhỏ.
Đối trị tổn hại và có lòng từ bi.


6 món Căn bản phiền não Tâm sở: Căn bản phiền não nghĩa là phiền não cội gốc.

Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Tham
Ham muốn những điều ưa thích.
Chướng ngại lòng không tham.
Sân
Giận ghét những cảnh nghịch ý.
Làm cho thân tâm không an ổn.
Si
Mê muội bất thông chơn lý.
Chướng ngại tánh sáng suốt.
Mạn
Khinh mạn, rẻ rúng kẻ khác.
Tự tôn, tự cao tự đại.
Nghi
Ngờ vực, do dự không quyết đoán.
Chướng ngại điều lành, điều phải.
Ác kiến
Sự thấy biết thuộc về tội ác, ô nhiễm.
tạo nghiệp khổ, chướng ngại chánh kiến.
Ác kiến Tâm sở lại có 5 món khác nhau: (a) Thân kiến: chấp thân nầy là ta. (b) Biên kiến: chấp một bên, chấp thường, chấp đoạn. (c) Tà kiến: kiến chấp tà vạy, cũng gọi là mê tín. (d) Kiến thủ: chấp chặt chỗ hiểu biết của mình là đúng. (e) Giới cấm thủ: chấp chặt giới cấm không chánh đáng, hoặc chấp tục lệ không hợp chơn lý.


20 món Tùy phiền não Tâm sở: Nhóm nầy tùy thuộc vào Căn bản Phiền não, do phiền não cội gốc sanh ra.

* 10 món Tiểu tùy phiền não:
Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Phẫn (giận dỗi, nóng giận)
Gặp nghịch cảnh hay sanh nóng giận.
Làm tổn hại người hay vật.
Hận (thù oán)
Hận thù mang giữ trong lòng.
Nóng nảy, ôm ấp buồn phiền, tức tối.
Phú (che giấu)
Che giấu tội lỗi, che giấu nghề nghiệp.
Lo lắng, sợ sệt sẽ bị mất mát.
Não (buồn bã)
Buồn bã sau khi phẫn hận.
Ngăn lấp sự thanh tịnh an nhiên tự tại.
Tật (tật đố, ganh ghét)
Ganh ghét, đố kỵ, kỳ thị.
Lo sợ, chặn chẹt hiền tài, làm cho lụn bại.
Xan (bỏn xẻn)
Rít rắm, bỏn xẻn, tham lam.
Làm chướng ngại đức tánh từ bi.
Cuống (dối trá, giả dối)
Giả dối với mọi người vì hám danh lợi.
Giả trá lớp sơn bề ngoài.
Siểm (nịnh hót, bợ đỡ)
Ton hót nịnh bợ để mê hoặc người.
Làm những bộ dạng bên ngoài đều giả dối.
Hại (tổn hại)
Làm tổn hại loài hữu tình và vô tình.
Tổn hại, phá hoại mọi việc.
Kiêu (kiêu căng)
Kiêu ngạo khi đắc thời, thế, tài lộc.
Xem rẻ kẻ khác, hay hành động nhiễm ô.

* 2 món Trung tùy phiền não:
Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Vô tàm (không biết tự hổ)
Không biết tự hổ khi mình làm quấy.
Tăng trưởng tâm bất chánh, bất thiện.
Vô quí (không biết tự thẹn)
Không biết thẹn khi làm quấy.
Đưa đẩy con người vào vòng tội lỗi.

* 8 món Đại tùy phiền não: Chúng biến hiện khắp các tâm sở bất thiện, nên gọi là đại.
Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Trạo cử (Lao chao)
Thân tâm lao chao không nghiêm chỉnh, cử chỉ chao động, lời nói lố lăng.
Làm chướng ngại cho sự trang nghiêm thanh tịnh, ngăn lấp pháp định tâm.
Hôn trầm (Chìm sâu trong mờ tối)
Mờ mịt tối tăm, mê man trong cơn thiền quán hay công phu niệm Phật.
Làm chướng ngại cho sự sáng suốt và khinh an, ngăn trở công phu tu hành.
Bất tín (Không tin)
Không tin các pháp lành, không nhìn nhận nhân quả, luân hồi, báo ứng.
Làm chướng ngại cho sự học đạo, nghe pháp.
Giải đãi (lười biếng, trễ nãi)
Nhác lười, hay bỏ dở nửa chừng, lui sụt vô cớ.
Làm chướng ngại lòng tinh tấn, các pháp ô nhiễm ngày càng phủ vây.
Phóng dật (buông thả luông tuồng)
Buông thả luông tuồng, phóng túng, ăn chơi, chạy theo tài sắc, bất kể phải quấy.
Làm chướng ngại đạo tâm, ngăn đường đoạn trừ mê hoặc của hành giả.
Thất niệm (mất chánh niệm)
Hay quên, việc làm hay thời công phu bị ngưng trệ, lạc hướng.
Làm chướng ngại cho chánh niệm, chánh quán.
Tán loạn (rối loạn đầu óc)
Tư tưởng tạp nhạp cứ chen vào làm đứt đoạn trong sự niệm tưởng.
Làm chướng ngại cho hành giả muốn tiến đến Định Huệ.
Bất chánh tri (sự hiểu biết không chơn chánh)
Phần nhiều có sự nhận định sai lầm, tà kiến điên đảo, không rõ thiện ác, tà chánh.
Làm chướng ngại cho hành giả nào muốn tiến đến đức tánh hiểu biết chơn chánh.


4 món Bất định Tâm sở: Là các tâm sở chưa nhứt định là thiện hay ác, tà hay chánh.

Hành tướng
Cá tánh
Nghiệp dụng
Hối (ăn năn)
Hối có một cái tên khác là ố tác, là ghét việc làm đã qua và ăn năn việc làm ấy.
Ăn năn những điều phạm lỗi là thiện, ăn năn vì bỏ lỡ cơ hội đánh cắp là ác.
Miên (ngủ)
Nếu ngủ nhiều ngủ say trễ mất thì giờ là ác. Ngủ có giờ có giấc để lấy lại sức khỏe là thiện.
Ngủ với tiêu chuẩn thiện làm cho thân tâm được khỏe khoắn và sáng suốt. Ngủ với tiêu chuẩn ác làm chướng ngại cuộc sống.
Tầm (tầm cầu)
Tầm cầu chơn lý là thiện, với người tu hành mà tầm cầu danh lợi là ác. Vì tầm cầu chơn lý nên tâm được mở tỏ. Tầm mưu kế để làm việc bất chánh là ác.
Làm cho đầu óc bận rộn, thân tâm ít được nhẹ nhàng thơ thới, lòng dạ chẳng yên.
Tứ (xét nét)
Suy nghĩ xét đoán. Theo lẽ phải là thiện, trái lại là ác.
Tăng trưởng ánh sáng trong tư duy, hoặc chánh, hoặc tà.




ĐỒ HÌNH DIỄN TẢ BÁT THỨC TÂM VƯƠNG 
HOẠT ĐỘNG NƠI CON NGƯỜI

(Hình vẽ cơ thể người mượn trên internet)

– THỨC là gì?
– Là một dòng Tâm sở liên tục hiện hành. Thức là tác dụng của các Tâm sở, tác dụng đó làm Tâm sở trở thành Tâm vương. Nói cách khác, Tâm trở thành Thức. (Đức Huấn sư Như Pháp)

GIẢI THÍCH VỀ PHÁP TRẦN

Con người có sáu cái gương soi (sáu căn), mỗi cái gương soi đều có sự thâu thập ảnh tượng cho riêng mình và xông ướp vào kho tàng dưới hình thức chủng tử. Mỗi gương soi đều có sự thâu thập ảnh tượng cho riêng mình, nghĩa  là ảnh tượng của mỗi thức nào, thức đó tự duyên lấy, không lộn xộn được. Tỷ dụ: ảnh tượng của sắc trần thì nhãn thức tự duyên lấy, nhĩ thức, tỷ thức không thể duyên được.
Có sáu thứ ảnh tượng: Ảnh tượng sắc trần, Ảnh tượng thinh trần, Ảnh tượng hương trần, Ảnh tượng vị trần, Ảnh tượng xúc trần, Ảnh tượng pháp trần. Bóng ảnh của 5 trần gọi là pháp trần. Có 4 cách hiện ra như sau:
1) Ảnh tượng có mặt năm trần: Khi sáu thức trước chung khởi (ngũ câu ý thức) để duyên trần cảnh, thức nào cũng rước ảnh tượng của riêng mình vào tâm trong lúc con người đứng trước cảnh vật. Cảnh vật hiện tiền phản chiếu hình ảnh của chúng vào Tâm vương, Tâm sở. Không bao giờ con người nhìn thấy được tự thân của thực tại, nghĩa là ta chỉ thấy cái bóng ảnh của muôn vật mà thôi. Thêm nữa, gương soi không có lưu bóng ảnh. Trái lại, đối với các thức thì không phải như vậy nữa. Một khi cảnh vật đã đi qua rồi, thì bóng ảnh của chúng huân vào kho chứa bằng hình thức chủng tử.
2) Ảnh tượng vắng mặt năm trần: Những hình ảnh của sự vật đã lưu trữ vào Tàng thức như trên, tuy chúng là chủng tử, nhưng nếu Ý thức ngẫm nghĩ, hồi tưởng cảnh đã qua, thì chủng tử ảnh tượng nầy tái hiện, gọi là tướng phần ảnh tượng bị duyên. Nghĩa là chúng hiện trở lại y hệt như lúc ta đang đứng trước cảnh vật vậy.
3) Ảnh tượng ảo tưởng: Là ảnh tượng không có thực thể, do Ý thức giàu tưởng tượng những việc hoang đường thần thoại rồi hình ảnh giả tưởng ấy hiện ra trong tâm thức.
4) Ảnh tượng chiêm bao: Là cảnh trong mộng của Ý thức. Cảnh nầy là giả cảnh, chỉ có trong giấc mơ.


NĂM MÓN PHÁP TRẦN

1) Cực lược sắc: Sắc chất rất nhỏ như bụi trần.
2) Cực hánh sắc (cực huýnh sắc): Sắc rất xa, chỉ thấy tăm tăm mù mù. (Hai món này mắt thịt thấy được).
3) Định quả sắc: Định quả sắc là thứ sắc chất do kết quả của Thiền định hiện ra.
4) Vô biểu sắc: Là sắc chất không thể phô bày ra ngoài được, bởi nó rất vi tế. Vô biểu sắc là ảnh tượng lưu chiếu từ những hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý, cho đến màu sắc hay tiếng nói,… Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động, ba việc đó đều có hình ảnh lưu chiếu vào Tàng thức, gọi là chủng tử. Những việc làm, những tư tưởng thầm kín, không giấu đặng các nhân vật trong thế giới vô hình.
5) Biến kế sở chấp sắc: Sắc do vọng tưởng so đo tính toán của Ý thức hiện ra. Đây là ảnh tượng của tư tưởng, cũng tương tợ như vô biểu sắc, song vô biểu sắc không đầy vọng tưởng như biến kế sở chấp sắc.
Nói tóm lại, Pháp trần có năm loại, hai loại đầu chưa phải là vật vô hình, vì còn thấy được mặc dù không rõ ràng. Ba loại sau, mắt phàm thấy không được, đó mới là bóng ảnh của năm trần./-


__________________________________


Link tải về các quyển Duy Thức Học giảng luận của Đức Huấn sư Như Pháp:

Duy Thức Học giảng luận – tập 1:

Duy Thức Học giảng luận – tập 2:

Duy Thức Học giảng luận – tập 3:

Duy Thức Học giảng luận – tập 4:

Duy Thức Học giảng luận – tập 5:

Chúng tôi sẽ đưa lên thêm sau khi hoàn thành ấn bản điện tử.
Trân trọng
Nam Mô A Di Đà Phật



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét