Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

QUI ĐIỀU NHẬP MÔN


TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
* * *



QUI ĐIỀU
NGƯỜI MỚI NHẬP MÔN


Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam là một tôn giáo do người cư sĩ sáng lập, lấy Phước Huệ Song Tu làm tôn chỉ tu học hành thiện, và lấy pháp môn niệm Phật làm căn bản.
Những người muốn qui y, nhập môn theo TĐCS PHVN là người đã thường xuyên đến với giáo hội, và đã am hiểu ít nhiều về đường lối tu học hành thiện. Bất luận nam nữ, lớn nhỏ, giàu nghèo, nếu có tâm nguyện lành muốn qui y tu hành theo đường lối TĐCSPHVN đều được cả. Riêng trẻ dưới 15 tuổi, phải có sự đồng ý của thân nhân, cha mẹ.
Khi nào nhận thấy thích hợp muốn qui y nhập môn theo Giáo hội thì phải đích thân đến hội quán gần nơi cư trú của mình, gặp quí vị lãnh đạo Giáo hội để hỏi và nghe giải thích, hướng dẫn qui điều dành cho người mới nhập môn như thế nào, tu học hành đạo ra sao. Sau đó nhận xét thấy thích hợp thì xin mẫu đơn để điền các chi tiết vào. Tiếp theo học thuộc lòng bài nguyện nhập môn để đến ngày qui định tới chùa làm Lễ Qui y.
Người mới nhập môn không phải đóng bất cứ một lệ phí nào cả, chỉ cần có nhang đèn bông quả là được. Trường hợp không có thì Giáo hội sẽ lo.
Tự mình phát nguyện tu hành, thọ trì Tam qui Ngũ giới trước Phật đài, mỗi tháng trai lạt 2 ngày, 6 ngày hoặc 10 ngày, hoặc trường trai tuỳ theo sức khoẻ khả năng, Giáo hội không bắt buộc.
Khi làm lễ Qui y do Ban Chấp hành Đạo đức hướng dẫn xong, xem như từ nay mình chánh thức là người một Thầy, huynh đệ một nhà, là hội viên tín đồ của TĐCS PHVN.
Hằng tháng nên lui tới Giáo hội, trước Lễ Phật nghe Pháp, học hỏi giáo lý đạo đức. Sau làm công quả phước thiện như: chặt, phơi, sưu tầm thuốc, hoặc tham gia các công tác từ thiện xã hội khác.
Trường hợp người đau bệnh nặng không thể đến chùa mà phát tâm muốn Giáo hội làm Lễ Qui y, nhờ gia đình cử người đến thỉnh các vị trong Ban để thực hiện ngay tại nhà.
Người mới nhập môn phải giữ sáu điều:
1. Thọ Tam Qui
2. Trì Ngũ giới
3. Công phu tứ thời
4. Trai kỳ
5. Trì niệm Lục tự Di Đà
6. Phải thường xuyên đến chùa lễ Phật, nghe pháp ít nhất hai ngày vào mùng Một, Rằm mỗi tháng và các ngày vía Phật.

***

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
  <Tên Hội quán làm Lễ Qui y>
*

Số: ……………/Quyển: ……….


TỜ ĐĂNG KÝ QUI Y

Họ và Tên:________________________________________________
Pháp danh: ________________________________________________
Năm sinh: _________________________________________________
Họ và tên cha: _____________________________________________
Họ và tên mẹ: ______________________________________________
(________________________________________________________ )
Giấy CMND số:____________________________________________
Địa chỉ thường trú: __________________________________________
_________________________________________________________
Số điện thoại: ______________________________________________
Ngày qui y:___________________________   tại:_________________
Người đảm trách qui y:_______________________________________
Người giới thiệu: ___________________________________________
                                               ……… ngày … tháng … năm ……
                                                         Người xin qui y ký tên,

          ______________________
          GHI CHÚ: Trước khi quy y:
            1. Phải học thuộc lòng bài nguyện hương và Điều lệ người mới nhập môn.
            2. Làm tờ đăng ký quy y.
            3. Nộp 2 tấm ảnh 2x3cm để làm Giấy Chứng nhận.


1. THỌ TAM QUI
Thọlãnh, vâng chịu; tamba, quituân theo, giữ theo. Qui cũng có nghĩa là trở về, nghĩa là sửa đổi lòng vọng ra chơn, đặng y theo giáo lý của Phật.
Tam qui là: Qui y Phật, Qui y Pháp, Qui y Tăng.
QUI Y PHẬT
Qui y Phật nghĩa là tuân theo Phật, nguyện y theo lời Phật dạy.
Phật là bậc toàn giác, toàn minh, thoát ly ra ngoài biển khổ, còn chúng sanh thì say mê theo bể ái trầm luân, chịu luân hồi đời đời kiếp kiếp. Bởi không biết khổ là khổ mà trở lại cho khổ là vui, nên phải vơ vẩn trong biển luân hồi đời đời chịu khổ: Sống khổ, đau khổ, già khổ, chết khổ.
Nay ta muốn vượt qua biển khổ đến bến Bồ đề thì ta phải tuân theo Phật, phải làm y theo Phật. Phật tức là Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là Giáo chủ cõi ta bà này.
Ta làm y theo Phật, thì không chấp tướng ta với người, không chia rẽ kẻ lạ người quen, giống này da khác, cũng không phân biệt giai cấp, sang hèn quyền quí chi cả, chỉ giữ một lòng bình đẳng mà giúp đời, vì người người đều có Phật tánh. Kinh Niết Bàn có câu: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” Ta giúp đời thì phải có lòng từ bi như Phật. Có câu: “Từ dã năng phổ chúng sanh chi lạc, Bi dã năng bạt chúng sanh chi khổ.” Nghĩa là: Lòng lành rải khắp sự vui cho chúng sanh, lòng thương hay đẩy lui sự khổ cho chúng sanh.
Vậy ta phải có lòng từ thiện, yêu nhân loại, bố thí giúp đỡ kẻ đói rách hoạn nạn, phải tịnh tâm, nhẫn nhục, độ lượng khoan dung, phải an vui với đời mà chịu những điều cực nhọc, phải học theo hạnh Phật Thích Ca lo cứu người thoát khổ, phải coi cái nghiệp duyên chung của quần chúng là trọng đại hơn nghiệp duyên của cá nhân. Như vậy mới đúng lý nhiệm mầu và khỏi trái lòng Từ bi của Phật. Vậy là qui y Phật.
QUI Y PHÁP
Qui y Pháp nghĩa là tuân theo giáo pháp của Phật dạy, tức là Kinh, Luật, Luận.
KINH: Khi Phật còn tại thế, Ngài đi ta bà giảng dạy chúng sanh trong 49 năm, gọi là thuyết pháp, hoặc Ngài bảo các vị bồ tát giảng. Rồi sau các đệ tử tu hành đắc đạo, gia công biên chép lại những lời giáo huấn của Phật (có đủ nghĩa lý thấp cao, rộng hẹp) ra từng tập, lưu truyền cho đến đời nay gọi là Kinh Phật.
LUẬT: Luật là giới luật, như ngũ giới, thập giới, v.v… Phật chế giới luật rõ ràng, xuất gia hay tại gia, các Phật tử phải nương theo giới luật mà tu hành, làm lành lánh dữ. Học Phật tu Phật mà không giữ giới, cũng như người đi trong đêm tối mà không đèn không đuốc, phải vấp ngã chẳng sai.
LUẬN: Luận là luận bàn. Sau khi Phật tịch rồi, có nhiều vị cao tăng tu hành đắc đạo, vì thấy Phật pháp cao sâu mầu nhiệm, phần nhiều người hiểu lầm hành sái, nên ra công viết sách, giải nghĩa lý cho rõ ràng minh bạch, gọi là tạng Luận.
Phật đạo có tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn, nhưng không phải là số nhất định, vì tục ngữ bên Ấn Độ gọi 84.000 thay cho con số nhiều lắm không kể xiết.
Lập pháp môn nhiều như vậy là tuỳ theo căn cơ, phương tiện cho chúng sanh, ai tu pháp nào cũng đặng.
Vậy người tu hành cần phải suy nghĩ cho biết rõ chân lý mà tu hành để khỏi lầm đường lạc nẻo, mới có thể thoát vòng khổ hải.
QUI Y TĂNG
Qui y Tăng là tuân theo ông Thầy giảng dạy Phật pháp. Tăng theo tiếng Phạn là Sangha, dịch âm là Tăng già, nghĩa là hoà hiệp, tức là những Thầy dạy đạo chơn chánh đã thông suốt đạo lý.
Nay ta được biết Phật, biết phương pháp tu hành, là nhờ ông Thầy dạy ta học Phật. Vậy người tu hành theo Phật phải noi theo gương của ông Thầy và phải vâng chịu điều chỉ bảo. Mỗi người đều có trí lương tri, lương năng, biết phân biệt chơn giả, nếu biết là chơn là phải, thì cứ thực hành đi, không nên chần chờ, tinh tấn tu hành lập công bồi đức, tìm hiểu cái lý “Sanh tuỳ hà xứ lai, tử tùng hà xứ khứ,” nghĩa là mình bởi đâu mà sanh ra, rồi chết sẽ về đâu, lảu thông cái nghiệp trái trần duyên, chừng ấy tâm mình thường thanh, thường tịnh, không động, không xao, mới mong siêu thoát tam giới, chứng quả Niết bàn.

2. TRÌ NGŨ GIỚI
Trìcầm nắm, giữ gìn; ngũnăm; giớiđiều răn, dặn dò. Ý nói ta dặn dò lòng ta, phải nắm giữ bo bo cái điều răn đó, đừng cho nó hở ra, như ta nắm giữ châu báu trong tay sợ mất vậy. Có câu: “Đắc nhứt thiện, quyền quyền phục ưng, phất thất như dã.” Nghĩa là: Đặng một điều lành, bo bo nắm giữ vào lòng, đừng để rớt mất.
Người mà phát tâm tu hành, trước hết phải giữ tròn năm điều răn: 1- không được sát hại sanh linh; 2- không được trộm cắp; 3- không được tà dâm; 4-không được nói dối; 5- không được uống rượu.
Người mà giữ trọn năm điều răn ấy tức là giữ trọn năm nhơn cách: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
GIỚI THỨ NHẤT: CẤM SÁT SANH
Cấm người giết hại lẫn nhau, cùng loài động vật; các giống ấy đều có tánh như người, nó cũng tham sống sợ chết, nó cũng đôi bạn, cũng sanh đẻ, cũng biết khát uống, đói ăn, biết lạnh trốn gió, biết nực dầm nước, biết đau, biết nhức, sợ đánh, sợ đâm, nó cũng biết ơn đền nghĩa trả, mà nỡ nào sát hại sanh mạng nó cho đành.
Người cùng loài vật cũng đồng một bản thể, nếu chúng nó có tu cũng thành Phật như ta vậy. Kinh Niết Bàn nói: “Chúng sanh đều có Phật tánh.” Theo luật thế gian, hễ giết người thì phải thường mạng, còn luật nhơn quả của tạo hoá thì lại gây cuộc oan trái, nối tiếp luân hồi quả báo cho hậu thân. Muốn tránh tội sát sanh, không chi bằng ăn chay. Ăn chay có nhiều bực như là: ăn chay theo sóc vọng là mỗi tháng 2 ngày, lục trai là 6 ngày, thập trai là 10 ngày, vân vân...
GIỚI THỨ HAI: CẤM TRỘM CƯỚP
Không đặng cướp giựt, lập mưu kế lường gạt mà đoạt của người.
Người đời thường coi của tiền quá trọng, túi tham không đáy, tham muốn không cùng, nên mới sanh ra cái tội trộm cắp lường gạt. Thử hỏi mình mất tiền của có biết ưu sầu tiếc nuối không? Dẫu cho ai cũng trả lời rằng “có” vậy. Thế thì tất nhiên ai mất của tiền lại không ưu sầu tiếc nuối như mình?
Như vậy thì nỡ nào sanh lòng trộm cướp lường gạt mà lấy của người cho đành. Có lắm người vì bị trộm cắp mà phải khốn cùng, có nhiều người vì bị lường gạt mà phải quyên sanh. Thánh nhơn có dạy rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn,” nghĩa là điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người. Làm lành thường bữa an vui, gây dữ có ngày mang hại, đó là lẽ cố nhiên ai ai cũng biết.
Nếu mỗi người đều phát tâm tu hành, chẳng màng ăn ngon, mặc tốt, ở đẹp, thì tất phải tuyệt đặng lòng tham, lại còn tu hạnh bố thí, có tiền của cho người, giúp người, cho đến lời nói cũng hằng khuyên người hướng thiện, được toàn cả như vậy thì sẽ đặng thái bình.
IỚI THỨ BA: CẤM TÀ DÂM
Tà dâm là tội lấy vợ, con người. Gian dâm vợ người, rủi bị chồng người bắt đặng, vì ghen tương mới có sự đâm chém, giết hại lẫn nhau. Gian dâm con của người, làm cho gia đình người bị nhục, đến nỗi phải trầm mình hay là tự tử vì bị danh nhơ.
Vậy người giữ giới tà dâm không nên sanh lòng tà ngoại; chồng phải giữ phận chồng, vợ phải lo tròn phận vợ, rốt lại nam nữ phải giữ chánh lễ. Vả lại ở thế gian nầy, từ loài người cho đến loài cầm thú, đều cũng bởi sự dâm dục mà gây nên các việc, tạo nghiệp sanh tử. Kinh Phật gọi thế gian nầy là cõi dục giới. Nếu người tu hành hằng làm lành lánh dữ, hàm dưỡng tinh thần, để cầu cho thần thức nhẹ nhàng, tránh khỏi vòng sanh tử, thì có đâu phạm đến điều dâm dục, hà huống là sự tà dâm.
GIỚI THỨ TƯ: CẤM NÓI DỐI
Nói dối là một sự rất ác độc; nói dối chẳng qua là muốn lợi cho mình, đặng phần mình. Hễ nói thêm thì dư  cho người cũng hại, còn bớt thì thiếu của người cũng nguy.
Thường ở đời có lắm người bị đổ thừa nói thêm hoặc bị dối trá lường gạt, mà bậu bạn phải chia lìa, cửa nhà tan nát, làm cho cha xa con, vợ rẽ chồng, đến nỗi có lúc phải quyên sanh tánh mạng, thiệt là hại thay, độc ác thay !
Sách có câu: “Bán cú phi ngôn, ngộ tổn bình sanh chi đức” nghĩa là nửa câu nói quấy thì gặp sự mất đức của mình. Vì vậy Phật cấm không được nói dối. Thấy sao, nghe sao, phải lặp lại y lời, đừng thêm đừng bớt. Nếu người người đều tu hành, biết sợ “khẩu nghiệp” thì tất nhiên tránh đặng cái tội vọng ngữ.
GIỚI THỨ NĂM: CẤM UỐNG RƯỢU
Rượu là một thứ thuốc dễ làm say người, tốn của người. Uống nó vào bụng thì người khôn lanh hoá ra khờ dại; hễ rượu vào thì lời ra, sanh lắm điều tác tệ, việc gì ác đức cũng dám làm, dầu cho mẹ, vợ con, bậu bạn cũng không kể đến. Nó làm cho con người mê muội quên tất cả bổn tánh.
Rượu uống thì hừng chí, ngũ tạng xao động, lửa lòng phừng lên, tâm tánh rối loạn, không phân biệt chánh tà, mất gương trí huệ. Vì vậy Phật cấm uống rượu, để được tâm tánh vững vàng, yên thần lặng trí.
Ngũ giới cấm lập thành là do đức Văn Thù Bồ tát. Ngài bạch cùng Phật Thích Ca, xin lập ngũ giới cấm đặng chế phục kẻ phàm phu không làm quấy, để đặng trọn lành. Từ ấy lưu truyền đến nay (do theo kinh Huệ mạng).

3. CÔNG PHU TỨ THỜI
Là thời gian dùng để lễ bái Phật trong bốn thời: 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều, 12 giờ khuya. Trước khi lễ bái phải y phục chỉnh tề, quỳ trước bàn Phật thành tâm đọc bài công phu tứ thời, rồi lễ 24 lạy (nếu bận việc hoặc trong người không được khoẻ, lễ 6 lạy). Lạy xong, đứng dậy xá 3 xá trước bàn Phật, kế xoay theo bên trái ra phía sau xá 3 xá và tiếp tục xoay bên trái trở lại trước bàn Phật xá 3 xá là đủ. Trường hợp người cư sĩ bận rộn thì công phu vào hai thời: Lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều.
Sau đây là bài nguyện công phu tứ thời:
Nam Mô A Di Đà Phật (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Đức Tông Sư Minh Trí, Giáo chủ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam tác đại chứng minh (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Đức Bà Cô Năm Diệu Thiện tác đại chứng minh. (niệm 1 lần xá 1 xá).
Đệ tử cúi xin Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, chư Phật, Hiền Thánh Tăng chứng minh cho đệ tử (tên họ, pháp danh, tuổi) vẹn giữ một lòng ngay thẳng, cầu cho Huệ tâm, Huệ tánh, Huệ nhãn, Huệ nhĩ, Huệ tỉ, Huệ khẩu, siêu phàm nhập thánh, tế độ quần sanh, tổng giai thành Phật Đạo, chung qui trực vãng Tây Phương.
Nam Mô A Di Đà Phật (xá 3 xá lễ 24 lạy).


4. TRAI KỲ
Là ăn chay mỗi tháng 2 ngày mùng Một và Rằm. Hoặc bốn ngày là 14, 15, 30 (tháng thiếu 29) và mùng 1. Hoặc 6 ngày là mùng 1, mùng 8, 14, 15, 23, 30 (tháng thiếu 29). Hoặc 10 ngày là mùng 1, mùng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29). Ban đầu ăn chay mấy ngày cũng được, lần lần ít nhất là 10 ngày chay lạt.


5. TRÌ NIỆM LỤC TỰ DI ĐÀ
Trìcầm nắm, giữ gìn, niệmghi nhớ. Lục tựsáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Trì niệm lục tự Di Đà là ý nói dặn dò nơi lòng giữ gìn, ghi nhớ sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật đừng cho xen hở. Đó là thực hành pháp môn Tịnh Độ vậy.
Phật Thích Ca tả cảnh Tịnh Độ (trong Kinh A Di Đà Tiểu bổn) như vầy: “Từ đây qua hướng tây xa lắm, có một thế giới kêu là Cực lạc, là chỗ của đức Phật A Di Đà ở và đương thuyết pháp. Người trong cõi ấy toàn là vui sướng, thanh nhàn, muốn chi đặng nấy, không điều cực khổ. Nơi ấy không có ác đạo, thật là một phước địa đẹp đẽ trang nghiêm, và người ở được cõi đó, đời đời kiếp kiếp khỏi phải luân hồi.”
Phật Thích Ca thấy chúng sanh chịu nhiều điều khổ não, nào là sanh, lão, bịnh, tử, nên đem lòng từ bi, truyền chỉ pháp môn Tịnh Độ là tu trong một đời người sẽ đặng thành Đạo.
Pháp môn Tịnh Độ của Ngài dạy đây, chẳng có chi khác hơn là niệm sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật.” Thật là một phép dễ tu, dễ chứng và rất hạp với hoàn cảnh của mỗi người, già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, đều có thể tu được cả, nhưng chủ yếu có một điều là phải giữ lòng cho đặng thuỷ chung như nhứt, kính tin cho đặng chắc chắn đến cùng, thì được vãng sanh về Cực lạc.
Trong Phật thuyết A-Di-Đà kinh có nói: “Ở thế gian, nếu trai lành gái tín phát tâm tu hành, gần lúc lâm chung, nhờ trì niệm danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà, hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày, tâm không rối loạn, thì Ngài và thánh chúng đến tiếp dẫn chẳng sai.” Lại cũng trong kinh trên đây, đức Thích Ca có nói rằng: “Ai có lòng tin Phật thường niệm danh hiệu của Đức A-Di-Đà, phát nguyện sanh về Cực lạc, thì người ấy quyết chắc thành Phật, không phải đoạ lạc nơi tam đồ lục đạo nữa.”
Đức A-Di-Đà, vì lòng thương chúng sanh vô hạn, nên lập ra 48 điều thệ nguyện độ tận chúng sanh và thề rằng: Nếu còn một điều nguyện của Ngài mà không thành tựu, quyết không làm Phật. Hiện nay Ngài ở tại Tây phương Cực lạc thế giới, đệ tử của Ngài là bực Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát, dân của Ngài đều là người trí huệ, an nhàn tự tại, lại nhờ các vị Bồ tát, La hán chỉ phép tu hành không hề thối chuyển.
Vậy chúng ta hãy tin chắc chắn nơi lời vàng ngọc của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và nơi nguyện lực tiếp dẫn của đức A-Di-Đà mà cầu sanh về Tịnh Độ, thọ trì qui giới, tịnh tam nghiệp, và tập niệm lần lần sáu chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” thường giờ, thường ngày, hằng tháng, hằng năm, một lòng tưởng niệm; cho đến lúc đi đứng, nằm ngồi, đừng quên, thì đặng phần vãng sanh về Cực Lạc. Được như vậy mới đúng câu: “Nhứt cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.” Nghĩa là: một câu Di-Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Tây phương.


6. PHẢI ĐẾN CHÙA LỄ PHẬT
Ngoài các ngày vía Phật, mỗi tháng ít nhất phải đến chùa (Giáo hội gần nhà) 2 lần, mùng Một và ngày Rằm. Hoặc những dịp lễ vía, lễ an vị Phật, khai trương Phòng thuốc, v.v… Đến chùa để trước lễ Phật nghe pháp, học hỏi giáo lý đạo đức, sau gặp huynh đệ trau dồi sự tu học, lập công bồi đức, hầu được phước túc huệ túc, mau đạt đến chỗ hoàn toàn giải thoát.
Nam Mô A Di Đà Phật.

******


BÀI NGUYỆN NHẬP MÔN
Người thọ Tam Qui phải học thuộc lòng bài này
và tự mình xướng lên trước Phật đài:
Nam Mô A Di Đà Phật (xá)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (xá)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ tát (xá)
Nam Mô Đức Tông Sư Minh Trí, Giáo chủ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam tác đại chứng minh (xá)
Nam Mô Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương, mỗi nhựt phần hương thấu đáo thập phương. Tạ thiên, tạ địa, tạ tứ phương.
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần, xá 3 xá)
Hôm nay, ngày …… tháng …… năm ………, đệ tử (tên họ, tuổi), nguyện cầu Ơn trên chư Phật Hiền Thánh Tăng chứng cho con thọ Tam quy, Trì ngũ giới, gìn lòng ngay thẳng, giữ dạ tu hành. Cầu được huệ tâm, huệ tánh, huệ nhãn, huệ nhĩ, huệ tỷ, huệ khẩu, siêu phàm nhập thánh, tế độ quần sanh, tổng giai thành Phật đạo, chung quy trực vãng Tây phương.
Con nguyện từ hôm nay, con là một Phật tử trung thành, vận dụng khả năng cả tài lẫn lực, hầu thực hiện khắp cùng chủ nghĩa từ bi bác ái của Đức Như Lai, theo pháp môn Phước Huệ Song Tu của Đức Tông Sư Minh Trí đã chỉ dạy.
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần, xá 3 xá).
Lễ đủ 24 lạy, đứng lên xá 3 xá, sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ, xoay mặt ra cửa chánh điện xá 3 xá, rồi xoay vô chánh điện xá 3 xá.
Lễ Phật xong qua lễ Đức Quan Thế Âm 12 lạy, và lễ Đức Tông Sư 6 lạy.
Cần yếu: Người thọ Tam Qui phải chay lạt 6 hay 10 ngày, ít lắm là 2 ngày sóc — vọng, và 2 ngày này phải đến hội quán gần nhà mình để cùng Giáo hội chung lo vun bồi đạo đức.
- Ăn chay 6 ngày (lục trai) vào các ngày âm lịch: mùng 1, mùng 8, 14, 15, 23, 30 (tháng thiếu 29).
- Ăn chay 10 ngày (thập trai) vào các ngày âm lịch: mùng 1, mùng 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29).

* * * * * * * * *

BÀI NGUYỆN CÔNG PHU TỨ THỜI
Nam Mô A Di Đà Phật (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Đức Tông Sư Minh Trí, Giáo chủ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam tác đại chứng minh (niệm 3 lần xá 3 xá).
Nam Mô Đức Bà cô Năm Diệu Thiện tác đại chứng minh (niệm 1 lần xá 1 xá).
Đệ tử cúi xin Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, chư Phật, Hiền Thánh Tăng chứng minh cho đệ tử (tên họ, pháp danh, tuổi) vẹn giữ một lòng ngay thẳng, cầu cho Huệ tâm, Huệ tánh, Huệ nhãn, Huệ nhĩ, Huệ tỷ, Huệ khẩu, siêu phàm nhập thánh, tế độ quần sanh, tổng giai thành Phật đạo, chung qui trực vãng Tây Phương.
Nam Mô A Di Đà Phật (xá 3 xá lễ 24 lạy).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét