Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Phu Thê Ngôn Luận trích giảng


TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
—————


夫妻言論佛教歸元

PHU THÊ
NGÔN LUẬN

PHẬT GIÁO QUY NGUYÊN


CƯ SĨ NHƯ PHÁP TRÍCH GIẢNG
1970
  
TỔ ĐÌNH HƯNG MINH TỰ— 2003




LỜI NÓI ĐẦU

Phu Thê Ngôn Luận là một quyển sách nửa Tiên nửa Phật, tức là Tiên Phật hiệp Tông. Vì vậy cho nên, khó mà giảng giải cho hết nghĩa lý được. Hơn nữa, lối luyện Đạo của bên Tiên, như bá nhựt trúc cơ, thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ, cửu niên diện bích, còn có thể giảng giải được, chớ lối luyện đạo ở đây, thuộc khoa bí truyền, nhứt là thuộc về phần tha lực vận chuyển ngũ hành, cho nên không bao giờ giảng giải được.
Nói cách khác, luyện Đạo theo Tiên, có hai cách: Cách thứ nhứt là dùng tự lực mà luyện, người luyện đạo tới giai đoạn nào, họ hiểu tới giai đoạn đó. Cách thứ nhì là người tu hành nhờ tha lực vận chuyển ngũ hành, chớ tự mình không có luyện.
Phu Thê Ngôn Luận thuộc về loại thứ nhì, hành giả không cần luyện khí điều tức, miễn cho có đức hạnh, cho có công phu phước đức, tự nhiên tha lực giúp cho công việc vận chuyển ngũ hành. Do lẽ đó, người nào muốn tìm hiểu cho rõ ràng cách thức vận chuyển ngũ hành của tha lực, chẳng khác nào như mò kim đáy biển.
Hiểu như vậy rồi, làm sao giảng giải quyển Phu Thê Ngôn Luận cho được. Cái gì giảng được, cái đó còn trong phạm vi của nghĩa và lý. Đàng này, công việc vận chuyển ngũ hành của PTNL nó đã siêu chơn lý, thử hỏi làm sao mà giảng giải?
Do những lẽ trên đây, đối với quyển PTNL, cái gì giảng giải được, chúng tôi cố gắng làm hết bổn phận. Cái gì siêu chơn lý không thể giảng giải được, phải đành chịu chớ biết làm sao. Hơn nữa, đoạn nào dễ hiểu, chúng tôi cũng miễn giảng để khỏi mất thì giờ quí báu. Đạo Phật, hễ cái gì đến cảnh giới rốt ráo, cái đó chẳng những bặt đường ngôn ngữ, mà cũng dứt luôn chỗ nghĩ nghị suy lường nữa. (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). Lão Tử cũng đồng ý về điểm đó, nên nói: Cái đạo mà bàn luận được, thì chẳng phải cái đạo chơn thường… (Đạo khả Đạo phi thường đạo…).
Cư sĩ NHƯ PHÁP




Thay lời tựa



Cuộc đời vừa tỉnh giấc vu san,
Cõi tạm trăm năm nghĩ lại càng,
Tìm chốn Tây phang mau trỗi gót,
Ngõ lìa khỏi cuộc biến thương tang.

Từ xưa nghe đạo Phật mà chưa thấu căn nguyên,
Cũng bởi vì thất học di truyền,
Bày sớ điệp trông mong tế hưởng,
Chớ thật anh linh vô thượng, oai đức cao thâm,

Khuyên thiện nam gắng chí mà tu tâm,
Bảo tín nữ bền lòng mà luyện tánh.
Giấc xuân mộng như chớp kia sáng ánh,
Cuộc giả trần như mây gió thổi qua,

Bởi vì câu ái tỏa tình già,
Nên mới có oan khiên nghiệp cảnh.
Cửa địa ngục nhiều người không lánh,
Chốn thiên đường ít kẻ tìm lên,

Chí tang bồng ai gắn bó thì nên,
Tình quỉ quyệt ai mê thì đọa.
Nghĩ mà sợ lưới thưa Tạo hóa,
Làm làm sao đến cõi thiên đài,

Đêm ngày hằng tưởng Phật Như Lai,
Có thuở sẽ qua đường thắng cảnh.
Cuộc phú quí như dây chỉ mảnh,
Ráng lo sao trung hiếu vẹn toàn,
Chữ lợi danh chẳng khác đám mây tan,
Gắng mà giữ tiết liêm cho bền chặt.

Đừng làm điều oan ngặt,
Chớ tính sự gian tà,
Ma thất tình nó phải lánh xa,
Quỉ lục tặc nào đâu dám dựa.
Hình Địa ngục thảm thương dầu với lửa,
Lạc Thiên đường thuyền Bát-nhã nước Ma-ha.

Mừng vui lo sợ xiết đâu mà,
Vậy nên mới than dài thở vắn,
Sợ, là sợ giọt nước sương sa ra xương trắng,
Lo, là lo gió mưa ủ dột nát da vàng,
Vui, là vui đạo cả khắp dinh hoàn,
Cứu kẻ trầm luân qua biển khổ.

Mừng sẽ thấy Từ Thoàn ra tế độ,
Vớt kẻ trầm luân khỏi chốn sông mê,
Quyết tu tâm đường cả mong về,
Thì ắt phải công viên quả mãn.

Một may đặng siêu thăng trực vãng,
Cửu tổ đồng thượng chỉ Ngọc Kinh,
Làm sao cho dứt chữ hữu tình,
Thì mới thấy tức tâm tức Phật.

Xét loài ong còn làm nên sáp mật,
Để cho đời hữu ích cần dùng,
Nghĩ cho tằm là loại tiểu trùng,
Còn rút gan ruột đền ơn cho chủ.

Gẫm vạn vật linh vi chi bửu,
Ai cũng đều có khiếu linh minh,
Cũng bởi vì mang chữ hữu tình,
Vậy nên mới lấp che gương trí huệ.

Siêu với đọa hóa công hữu lệ,
Thánh với phàm cũng một chữ tâm.
Sớm lều tranh gác gối ngửa nằm,
Luận cho rõ sao trong sao đục.

Đừng nương theo thế tục,
Gặp kẻ mù gạt thẳng hang sâu,
Xưa thầy Nhan co cánh gối đầu,
Một bầu nước vui mùi đạo Thánh.

Tu mà chuông mõ kệ kinh không chánh,
Làm sao tìm vô Tướng vô Danh,
Đạo vô vi sau trước viên thành,
Thần thánh cũng hộ người tâm hảo.

Nay mà gặp Minh sư chỉ giáo,
Rán rèn lòng cho thành Phật với Tiên,
Nhớ ngày xưa cổ đế Hiên Viên,
Trọng vì Đạo mấy lần đến động.

Còn Phật Tổ Như Lai lo hằng sống,
Sáu năm tròn chánh quả viên thành,
Làm làm sao tâm thành thì đạo mới thành,
Quan Âm trước gìn mười hai nguyện.

Khuyên già trẻ gắng công tu luyện,
Máy trời then nhặt khó bày ra,
Lời quê diễn cạn thật thà,
Trai lành, gái tín rán mà xét suy.

                        ⁂

Bỏ bê công đức uổng thân hình,
Cuộc thế khuyên ai rán xét mình.
Tu ấy trau giồi đường phước thiện,
Lòng là căn bổn tánh sơ sinh.
Say mê đã lậm ba hồn mộng,
Đánh thức may nhờ mấy tiếng kinh.
Nghe đặng nương theo làm đặng Đạo,
Tự nhiên tâm tánh thấy quang minh.




Link tải file pdf về máy để xem:
https://drive.google.com/file/d/1ayv1V9WAkuYEbQpeHO5pGE-MgSdUchQA/view?usp=sharing




BÀI SỐ 1

CHÁNH VĂN
        Hai vợ chồng anh nọ, hãy còn tuổi đương thời, lo làm ăn tấn bộ với đời, lòng chẳng chút bạc bài tửu thực. Chồng thì ưa phước đức, vợ lại mến lợi danh. Từ tơ duyên kết nghĩa chí thành, nên sự nghiệp mấy ngàn trở lại. Chồng thì tâm quảng đại, vợ thì tánh lẫn kiên; chồng hằng ngày lo những phước duyên, vợ thấy vậy mới kêu chồng mà can gián:
       — Nầy anh nó ôi! Hơn trót cả năm dư mấy tháng, không thấy anh lo bề xử thế tề gia, sớm khuya anh cứ ở trong nhà, lạy tới, lạy lui, niệm Phật. Vậy em xin hỏi thật, anh có việc gì, mà coi như mất trí, mất tâm? Thấy có khi hay ngủ, hay nằm, lại có lúc la đau, la nhức. Làm hạnh người khổ cực, tương rau, trai giới mà thôi. Anh làm vậy sợ không rồi, nhứt thân sanh nan bảo.
       Chồng rằng: Em ôi! Vừa lúc rảnh rang bề gia đạo. Xưa nay Tam giáo là chánh chơn, suy cho cùng Trời đất chẳng giận hờn, xét cho tột Phật Tiên đều cứu độ.
       Nay nhờ ơn thầy dạy dỗ, rán Tu tâm luyện tánh cho cần. Đạo chánh chơn truyền khắp xa gần, lo niệm Phật giồi mài gương trí huệ.
       Tu tâm tánh chớ không bày kinh kệ, nếu giữ mõ chuông thì trễ việc công phu.
       Khuyên Thiện nam, Tín nữ rán tu, đời loạn biến nhiều điều tai họa. Kinh truyền dạy khắp trong thiên hạ: “Cuộc hồng trần dối giả chớ mê, chốn Tây phương mau tưởng trở về, di phước thiện thi ân bố đức.” Khuyên em chớ thấy vầy than cực, niệm Phật cầu Lễ bái lục phương. Tấm lòng thành Thần Thánh cũng thương, có công quả rồi thấy nghe [1] mới rõ. Phú diễn giải đôi hàng phân tỏ, nghe kệ nầy mới biết ngỏ tu.
Kệ rằng:
Hội thông Tam giáo có đâu xa,
Độ khắp Ta-bà hạnh Thích Ca.
Luyện tánh tu tâm do Phật pháp,
Giồi gương trí huệ hóa Liên hoa.
       Vợ rằng: Đương lúc xuân xanh tuổi trẻ, không lo công nghệ tính làm ăn, thế gian lời nói rõ rằng: “Hữu tiền tắc sanh, vô tiền tắc tử.” Anh là người hiểu thông kinh sử, tính tu tâm luyện tánh là gì? Việc giàu nghèo sao không biết xét suy, mà lại kể: “Hội thông Tam giáo?
       Chồng rằng: Đó nghe đây chỉ bảo! Trong kinh nói như vầy: “Lão quân, Thích Ca, Khổng Phu tử, Tam giáo nguyên lai qui nhứt môn.”
       Nghĩa là:
       Đạo Phật dạy tu tâm thành Phật.
       Đạo Tiên thì luyện tánh thành Tiên.
    Đạo Nho thì giữ dạ thảo hiền, người trung nghĩa mới thành Thần Thánh.
      Lại trong sách có giải chữ Tâm [] như vầy: “Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha.” Nghĩa là: Ba chấm như tượng sao, hoành ngang như mặt trăng xế, muốn mang lông cũng tại tâm, mà muốn làm Phật cũng tại tâm. Phải suy lỗi lầm, nếu làm quấy thành ra ma quỉ.
GIẢNG LUẬN
Hội thông Tam giáo có đâu xa: Đây là một câu có tánh cách tiên tri trong thời kỳ mạt pháp, sẽ có cuộc hội nghị Công đồng Tôn giáo. Tôn giáo tuy rất nhiều, nhưng không ngoài Tam giáo Nho, Thích, Đạo. Nói Tam giáo tức là nói cả thảy các tôn giáo, bởi vì mỗi tôn giáo, thí dụ như Phật giáo chẳng hạn, tuy cũng đồng một vị giáo chủ mà lại chia ra nhiều môn phái, nhiều hình thức bất đồng. Câu thứ nhứt cho chúng ta biết rằng Hội nghị Công đồng Tôn giáo cũng không còn xa lắm.
Độ khắp Ta bà hạnh Thích Ca: Câu thứ hai nầy nói lên cái Hội nghị Công đồng Tôn giáo để làm cái việc cứu thế độ nhơn theo hạnh của đức Phật Thích Ca. Thế thì câu thứ hai trả lời cho câu thứ nhứt, để cho người đọc biết Hội Công đồng Tôn giáo ra đời để làm gì.
Thế giới Ta bà là thế giới Tam thiên Đại thiên, tức là một ngàn triệu thế giới, do đức Thế Tôn làm Giáo chủ. Ở đây, cái nghĩa Ta bà của ngoại điển là toàn thể thế giới địa cầu nầy.
Luyện tánh tu tâm do Phật pháp: Thế giới sau Hội nghị Công đồng, đều phải học Phật, tu Phật, do Phật giáo hóa, nên nói: “Luyện tánh tu tâm do Phật pháp.” Nói cách khác, sự tu tâm sửa tánh do Phật pháp, căn cứ vào giáo lý nhà Phật.
Giồi gương trí huệ hóa liên hoa: Nghĩa là trau giồi gương trí huệ, thành liên hoa hóa thân.
Trau giồi gương trí huệ tức là tu Huệ. Tu Huệ tuy có nhiều cách, nhiều thứ, đó là tại căn cơ trình độ bất đồng. Có người trau giồi Sanh Không Huệ như hàng Nhị thừa Thinh văn và Duyên giác. Có kẻ trau giồi Pháp Không Huệ như các hàng Bồ tát. Có bực trau giồi Chơn Như Huệ như những hàng cầu đạo Vô thượng Bồ đề.
Nhưng, ở trong thời kỳ mạt pháp, phần nhiều chúng sanh thích trau giồi gương trí huệ của mình theo Pháp môn niệm Phật để được Liên hoa hóa thân, cho nên mới nói: “Dồi gương trí huệ hóa liên hoa.”
TÓM TẮT BÀI KỆ
Câu thứ nhứt: Ngày giờ của Hội Công đồng Tôn giáo không còn xa nữa.
Câu thứ nhì: Hội Công đồng Tôn giáo hoạch định chương trình cứu khổ ban vui cho nhơn loại trên địa cầu thể theo hạnh của đức Phật Thích Ca.
Câu thứ ba: Phật giáo được ủy nhiệm dạy Đạo cho toàn thể thế giới.
Câu thứ tư: Sự luyện Tánh tu Tâm nầy bằng cách trau giồi gương trí huệ theo môn niệm Phật để được Liên Hoa Hóa Thân.
Muốn biết bài kệ nầy giải thích có đúng với cơ Phật hay không, hãy lấy những câu dưới đây để chứng minh:
1. Mừng vui lo sợ xiết đâu mà,
2. Vậy nên mới than dài thở vắn.
3. Sợ, là sợ giọt nước sương sa ra xương trắng
4. Lo, là lo gió mưa ủ dột nước da vàng.
5. Vui, là vui đạo cả khắp dinh hoàn,
6. Cứu kẻ trầm luân qua biển khổ.
7. Mừng sẽ thấy Từ thoàn ra tế độ.
8. Vớt kẻ trầm luân khỏi chốn sông mê.
Đại ý:
1. Trong lòng lớp mừng vui, lớp lo sợ chẳng xiết,
2. Vì vậy mà than dài thở vắn.
3. Sợ, là sợ giặc giã tứ tung, xương phơi đầy đồng.
4. Lo, là lo giặc giã phá hại nước da vàng.
5. Vui, là vui Đạo Phật truyền bá khắp hoàn cầu.
6. Chừng đó, chỉ có Một Đạo là Đạo Phật đứng ra cứu kẻ trầm luân qua biển khổ.
7. Chừng đó mừng sẽ có thuyền Từ đứng ra tế độ nhơn sanh. (Thuyền Từ tượng trưng cho Đạo Phật).
8. Thuyền Từ đó làm cái việc cứu vớt kẻ trầm luân qua khỏi sông mê bể khổ, đúng với lời nói trong bài kệ “Luyện tánh tu tâm do Phật pháp, Giồi gương trí huệ hóa liên hoa,” mới gọi là “Vớt kẻ trầm luân khỏi chốn sông mê.”  

 * * *


BÀI SỐ 2

CHÁNH VĂN
Vợ rằng: Anh nói sao không kỹ. Nếu mình muốn tu thì sắm mõ, sắm chuông, chùa cao, Phật lớn cho đủ vai tuồng, trông ngày khác họ có tôn mình làm Hòa Thượng.
       Chồng rằng: Em ôi! Câu: Dinh hư tiêu trưởng. Trong sách nói như vầy: “Phụ mẫu phản bái viết Thượng [], Thiên địa tương tụ vị chi Hòa [].” Nghĩa là: Mình tu cho thành chánh quả, cha mẹ kêu mình là ông Phật, lạy trở lại mình, kêu là “Thượng,” còn mình luyện khí Trời đất nhóm lại đặng, kêu là “Hòa.” [2]
       Lại trong sách có nói rõ như vầy:
Thiên hữu Tam bửu: Nhựt, Nguyệt, Tinh.
Địa hữu Tam bửu: Thủy, Hỏa, Phong.
Nhơn hữu Tam bửu: Tinh, Khí, Thần.
Trời có ba vật báu là: mặt trời, mặt trăng, sao.
Đất có ba vật báu là: nước, lửa, gió.
Người có ba vật báu là: tinh, hơi, hồn.
       Mình phải trau giồi, giữ gìn, tập luyện “Tinh, Khí, Thần.” Luyện thành chánh quả trường sanh, kêu là “Hòa.” Ấy là muốn làm Hòa thượng theo lời nói trước đây. Chớ người tôn mình làm Hòa thượng không ích gì. Chỉ cầu chứng quả mà thôi.
GIẢNG LUẬN
Dinh hư tiêu trưởng: Dinh hư tiêu trưởng nghĩa là khi đầy, khi vơi, khi lên, khi xuống. Câu nầy đại ý của người chồng đáp lại, cho bà vợ biết rằng: Thế gian nầy không có cái gì bền chặt, cái gì hễ có sinh thì có diệt, (có sanh ra phải có ngày tan rã), dù cho chùa cao Phật lớn, có ngày cũng phải hoại. Cái luật sinh, trụ, dị, diệt không chừa một vật hữu vi hữu tướng nào, dù cái đó là núi non sông bể, hay địa cầu chẳng hạn.
Như vậy, người muốn tu hành, mục đích là để thành Đạo, chẳng phải mục đích thiết lập chùa cao, Phật lớn, hoặc mục đích muốn làm Hòa thượng. Chùa cao Phật lớn là khi nào nó thuộc về một môn phái nào đó, có rất đông giáo đồ, đủ sức chứa đoàn viên trong những cuộc đại hội hoặc đại lễ. Cái đó là do nhu cầu bắt buộc phải có chùa to, nhưng, chùa rất to mà Phật rất nhỏ coi cũng không được, vì nó không tương xứng, sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Đàng nầy, chỉ có hai vợ chồng mà tính lập chùa cho to, Phật cho lớn, lại còn trông mong có một ngày kia sẽ được làm Hòa thượng, há không phải là một việc sai lầm, vì vậy mà ông chồng bác bỏ ý kiến của bà vợ cũng phải.
Phụ mẫu phản bái viết Thượng, thiên địa tương tụ vị chi Hòa: Nghĩa chữ Hòa là luyện cho tiên thiên nhứt khí của trời đất nhóm lại trong thân nầy, còn chữ Thượng có nghĩa là bực cao thương, tối thượng trong ba cõi sáu đường, dù cha mẹ cũng phải lạy nữa. Ý nói cha mẹ lạy cái quả vị đó, chớ chẳng phải lạy sắc thân của con. Người Miên thì nói rằng: Họ lạy cái y vàng đó, chớ chẳng phải lạy con. Người Ấn Độ lại khác hơn, họ lạy dưới chân của người nào mà họ sùng bái, bất luận người đó đứng về vai vế nào trong quyến thuộc, hễ thành được Đạo cả là lạy.
Luyện khí trời đất nhóm lại đặng, kêu là Hòa: Luyện khí trời đất tức là luyện khí âm dương. Nhưng khí âm, khí dương thường tình thì cũng chả ai luyện làm chi. Đây là cái tiên thiên nhứt khí, cái khí nầy là cái khí đầu tiên sinh ra âm dương, gọi là khí hạo nhiên (cái khí cực sáng, cực tỏ, hạo nhiên chi khí). Nguyên lai Thái cực động sinh dương, tĩnh sinh âm. Luyện cái khí tiên thiên, tức là luyện cái khí cực sáng, cực tỏ, lúc khí nầy chưa thành âm dương.
— Tại sao gọi là tiên thiên nhứt khí? (Cái khí có trước trời đất).
— Bởi vì trời đất có từ khi có khí âm và khí dương. Lúc chưa có âm dương nhị khí, thì chưa có trời đất. Lúc đó nguyên lai cưỡng danh là Thái cực, là Đạo.
Muốn luyện tiên thiên nhứt khí, phải biết cái giờ hội tụ của hai khí âm dương, nghĩa là cái chỗ giao điểm của khí âm và khí dương hòa nhau ở vào giờ tý và giờ ngọ. Vào giờ ngọ thì trong khí dương, lúc giao điểm, nó sinh ra chơn âm. (Trung dương hữu chơn âm). Còn vào giờ Tý, thì trong khí âm, lúc chưa giao điểm, nó sinh ra chơn dương.
Âm dương nầy, chỉ là khí hậu thiên, chẳng phải khí tiên thiên. Đúng giờ giao điểm của âm dương, trong chỗ Thái hòa đó (Đại hòa hiệp của âm dương), mới có chơn âm, chơn dương, tức là tiên thiên nhứt khí.
Muốn luyện tiên thiên nhứt khí, Đạo gia lựa giờ tý để thâu chơn dương, giờ ngọ để thâu chơn âm.
Luyện khí âm dương là một phương pháp dùng tiên thiên khí để bổ dưỡng cho hậu thiên khí của cơ thể đã mòn mỏi sẽ được sống lâu. Đồng thời dùng khí ấy trong sự điều tức dắt ngang qua tạng Tâm để tăng cường hỏa khí rồi đưa hỏa khí vào phương Bắc (Bắc phương nhâm quí hành Thủy, thuộc tạng Thận) để cho thủy hỏa ký tế mà luyện linh đơn (linh dược). Luyện như vậy gọi là luyện tinh hóa khí, luyện khí hòa thần, luyện thần huờn hư. Do lẽ đó mà Phu Thê Ngôn Luận nói con người có ba vật báu là Tinh, Hơi, Hồn, chẳng khác nào trời đất cũng có ba báu đã nói trên đây.
Ý nghĩa trường sinh của đạo Phật, chẳng đồng ý nghĩa của đạo Tiên. Tiên gia luyện cho thân nầy sống lâu, nhưng thử hỏi sống lâu như Bành Tổ, rốt cuộc rồi cũng bỏ xác, bởi vì hữu hình thì hữu hoại. Sống lâu như non núi rồi cũng có ngày hoại, huống hồ thân nầy, vốn là của bụi cát, cuối cùng cũng trở về cát bụi.
Trường sinh mà bất tử mới quí, chớ trường sinh mà còn có ngày chết, dù là chết muộn cũng không hay. Bởi vì, càng sống lâu càng khổ chớ ích chi. Trường sinh bất tử của đạo Phật là ý nói, một khi người tu hành trở về Vô lượng quang, thì được Vô lượng thọ. Sở dĩ sống được vô lượng vô biên như vậy là nhờ không có sinh ra (không đầu thai). Vì không có sinh cho nên không có tử. Quí vị nào có tu theo pháp môn niệm Phật, thì thấy tự tánh A Di Đà của mình vốn vô lượng quang minh, vô lượng thọ mạng, do kết quả không có tái sinh (nhờ vãng sinh Cực lạc). Trường sinh bất tử là như vậy mới đúng cái chơn nghĩa của nó.

 * * *


BÀI SỐ 3

CHÁNH VĂN
Hai chữ Hòa thượng đã giải rồi, đây phân qua “Sắc, Tướng, Thinh, Âm,” bốn chữ:
              Sắc, là cạo đầu, hồng y, bá nạp.
              Tướng, là Phật hình, cốt, bài sám.
              Thinh, là tụng tán, kệ kinh.
              Âm, là trống, mõ, chuông, đẩu.
       Trong Tỉnh Thế nói như vầy: “Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất đạo nan thành.” Nghĩa là: Sắc tướng thinh âm là các việc ngoài, nếu thất chơn truyền thì khó thành Phật.
       Lại trong kinh Kim Cang có nói: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai.” Nghĩa là: Bằng dùng sắc mà ra mắt ta, lấy âm thinh cầu ta, thiệt là người làm tà đạo, chẳng hề ra mắt đặng Phật tổ Như Lai bao giờ. [3]
       Trong kinh luật sậm sờ, tại nơi mình làm sái. Kinh luật đều nói phải. Bảo tu tâm luyện tánh là gì? Minh tâm sao chẳng xét suy? Kiến tánh cũng không nhớ đến?
       Vậy thì lo giữ gìn tâm tánh, lo tác phước thiện duyên, luyện trường sanh chứng quả.
GIẢNG LUẬN
Sắc tướng thinh âm chư ngoại giáo, chơn truyền cụ thất đạo nan thành: Nghĩa là: Sắc, Tướng, Thinh, Âm là việc dạy bề ngoài, nếu thất chơn truyền thì khó thành Phật. Đây là câu trả lời cho bà vợ biết rằng: “Tu tâm tánh chớ không bày kinh kệ, nếu giữ mỏ chuông thì trễ việc công phu.” Công phu ở đây, theo Phật gia chớ chẳng phải Tiên gia, nghĩa là ai cao thì ngồi tham thiền, ai thấp thì ngồi niệm Phật.
Nói cao thấp giữa công phu tham thiền và công phu niệm Phật cho bực mới học Đạo dễ bề tu luyện, thật sự, người tu lâu năm, sau khi giữ được mười giới, ba nghiệp được thanh tịnh, thì dù cho công phu niệm Phật cũng cao hơn người tham thiền mà ba nghiệp chưa thanh tịnh.
Nói đến công phu niệm Phật, nhiều người chỉ biết công phu trong lúc đi, đứng, năm, chớ ít có người biết công phu niệm Phật theo lối tọa thiền. Lối công phu nầy cũng ngồi niệm Phật vậy, nhưng, nó đòi hỏi một kỹ thuật tuyệt đỉnh, là nhứt tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật. Nếu chưa tiến tới tột đỉnh công phu nầy, trong lúc ngồi niệm Phật, nó nhớ bậy bạ, vọng tưởng lung tung. Chưa đi tới chỗ công phu siêu tuyệt nầy mà bàn luận [chê bai] về pháp môn niệm Phật, đó là người nói mép, đó là người chưa làm được mà vội nói pháp, chẳng khác nào nghề thợ mộc của mình chưa đâu vào đâu, vội dạy người đóng tủ.

Quí vị nào không tin, cứ ngồi công phu niệm Phật đi, chừng đó sẽ biết công phu của mình cao hay thấp, nghĩa là còn vọng niệm tạp tưởng hay đã nhứt tâm thanh tịnh. Người đạt được công phu siêu tuyệt nầy, tới chừng đó mới liễu ngộ câu nói: “Tham thiền không ngăn niệm Phật, niệm Phật không ngại tham thiền.” Bởi vì tham thiền và niệm Phật, cả hai đều đi vào cái công phu định huệ đồng dụng.
Định là không tán loạn khi đương công phu niệm Phật hoặc Tham thiền, tức là vọng niệm tạp tưởng không xen vào. Tâm đã không có một niệm tạp tưởng nào xen vào, đó là nhứt tâm. Dù cho môn Thiền hay môn niệm Phật, cả hai cũng cần nhứt tâm mới có định.
Huệ là sự sáng suốt trong cơn niệm Phật, không hôn trầm, không xen tạp, nếu có một niệm xen tạp, ta thấy liền lập tức. Nếu để cho vọng niệm tạp tưởng dấy khởi rất lâu rồi mới thấy được, cái đó không phải sáng suốt. (Nghĩa là hôn muội). Tham thiền dùng Huệ soi chiếu cũng vậy, nếu là thực Huệ thì không có xen tạp, không có đuối lý, không có hôn trầm, không lạc đề.
Hiểu rõ như trên đây, thì thấy rằng công phu tham thiền chẳng khác công phu niệm Phật, cả hai pháp đều y nhau về mục tiêu Định Huệ đồng dụng (tác dụng của Định Huệ quân bình đồng nhứt). Vì y nhau chẳng khác, nên nói tham thiền không ngăn niệm Phật, niệm Phật không ngại tham thiền.
Tiếp theo bài Sắc, Tướng, Thinh, Âm, ông chồng bèn dùng bài kệ trong Kim Cang để hàng phục bà vợ và minh chứng lý luận của mình.
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thinh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:          
Bằng dùng sắc thấy ta,
Lấy âm thinh mà cầu ta,
Ấy là người làm tà đạo,
Chẳng hề ra mắt đặng Phật Tổ Như Lai bao giờ.
Trên đây là những lời của ông chồng lấy những lời nói của đức Thế Tôn trong kinh Kim Cang để cho bà vợ biết rằng: Vấn đề tu hành tại gia, không cần phải chùa cao, Phật lớn, không cần trống mỏ chuông đẩu hoặc y khậu. Bởi vì, những món đó là các việc tu hành bề ngoài, quí tại công phu niệm Phật mà thôi, nếu làm theo đó thì thất chơn truyền, khó mà thành chánh quả.
Tu thành hay không là tại Tâm, chẳng phải tại tụng tán bề ngoài. Tụng tán bề ngoài chỉ để dành cho những người mới tập tu hành mà thôi. Do lẽ đó, nên ông chồng mới giảng chữ Tâm như vầy: “Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha.” Nghĩa là: “Ba chấm như tượng sao, hoành ngang như mặt trăng xế, muốn mang lông cũng tại tâm, mà muốn thành Phật cũng tại tâm.”
Ông chồng giảng chữ Tâm cho bà vợ biết rằng, siêu tại Tâm đã đành, mà đọa cũng tại Tâm, chẳng phải tại sắc tướng thinh âm bề ngoài. Thực vậy, hết thảy việc lành việc dữ đều tại tâm mình sanh ra hết. Nếu tâm của mình tu việc lành, thì thân của mình được an vui. Trái lại, tâm của mình tạo việc dữ, thì chính thân mình rước những điều khốn khổ. Tâm là chủ của thân, thân là cái dụng của tâm. Đức Thế Tôn cũng do tâm thành, Đạo do tâm học, Đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm sanh, họa do tâm tạo. Tâm làm ra thiên đường, tâm làm ra địa ngục, tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng sinh, tâm chánh thành Phật, tâm tà thành ma.
Kinh luật đều nói phải, bảo tu tâm luyện tánh là gì? Minh tâm sao chẳng xét suy? Kiến tánh cũng không nhớ đến?
Tới đây ta mới thấy ông chồng tu rất cao, ngoài pháp môn niệm Phật mà ông ta khuyên bà vợ ra, ông lại am tường lối tu theo bực Thượng của Thiền tông Đốn giáo nữa. Trong sách Phật có nói: “Hữu Thiền hữu Tịnh độ, dụ như đới giác hổ.” Nghĩa là: “Có tu Thiền lại có tu thêm Tịnh độ, thí dụ như cọp mọc sừng.”
Phu Thê Ngôn Luận khuyến tu cả hai pháp môn, thế mà nhiều người chẳng làm được lại chẳng làm thinh, trở lại đánh đổ môn Thiền, làm sai lạc tôn chỉ của Thầy Tổ trong quyển Phu Thê Ngôn Luận, thật đáng tiếc. Chủ trương như vậy là sai với chủ trương của Thầy Tổ, mà cũng sai với tôn chỉ Phước Huệ Song Tu của Giáo hội nữa.
Ở đây bảo tu tâm luyện tánh, có nghĩa là người muốn tu tâm mà không luyện tánh của mình, thì vấn đề tu tâm không thành được bực Thượng, như vấn đề Hòa thượng đã nói trên, và như vấn đề vận chuyển ngũ hành sẽ nói đến. Nói về tu bực Thượng như Phu Thê Ngôn Luận đã nói, không có pháp nào khác hơn là tu Thiền, bởi vì Thiền môn chủ trương minh tâm kiến tánh. Bằng cớ là câu: “Bảo tu tâm luyện tánh là gì? Minh tâm sao chẳng xét suy? Kiến tánh cũng không nhớ đến?”
Như trên đã nói, vấn đề Tham thiền với vấn đề niệm Phật cũng cùng chung một mục đích là Định Huệ đồng dụng. Mà Định Huệ đồng dụng tức là Tịch Chiếu song hành. Tịch là tịch diệt, Chiếu là quán chiếu Bát nhã, đồng nghĩa với Định Huệ.
— Tại sao Phu Thê Ngôn Luận lại khuyên người tu hành về pháp môn niệm Phật đi đôi với pháp Thiền?
— Bởi vì hai pháp nầy, bề ngoài xem như khác nhau, thật sự chỉ có một mà thôi. Sở dĩ có sự xem khác nhau, là tại người niệm Phật chưa tỏ ngộ được Di Đà tự tánh, chưa thông lý Duy tâm Tịnh độ, mới chia rẽ phân biệt và chẳng ưa pháp Thiền.

 * * *

BÀI SỐ 4

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Anh nói nghe cũng lạ. Kinh luật để làm gì, mà lại không cho tụng?
       Chồng rằng: Đó hỏi nghe cũng trúng, mà chưa thấu căn nguyên. Lời Cổ Thánh di truyền: “Độc thư cầu lý, tạo chúc cầu minh.”
       Nghĩa là: Đọc sách tầm lý, thắp đuốc cầu sáng. Hà huống trong kinh nói rõ rằng: Phật tại Tây phương tâm bất viễn, kinh lai Đông độ niệm vô cùng. Nghĩa là: Phật ở Tây phương, lòng mình tưởng thì không xa. Kinh đem đến Đông độ tụng sao cho hết.
       Bởi Phật có lục thông thiên nhãn, thiên nhĩ, soi tỏ khắp lòng người. Miệng tụng tán nghe chơi, chớ thành Phật sao cho đặng. Sách có câu rằng: “Tụng kinh dã minh Phật chi lý.” Nghĩa là: Đọc kinh cho rõ lý nhà Phật mà thôi, thành Phật sao cho đặng. Chỉ cho biết ông Phật nào hồi trước tu làm sao? Làm khổ hạnh gì? Còn nay mình tu đây, phải làm sao cho thành chánh quả.

GIẢNG LUẬN
Đại ý: Đại ý hai đoạn văn trên đây cũng đồng một mục tiêu là chỉ rõ lý do vì sao không tụng kinh.
Thuyết minh chơn lý không tụng kinh: Đọc sách tầm lý, thắp đuốc cầu sáng là một chơn lý hàm súc biết bao nghĩa lý uyên thâm nhiệm mầu, cần phải giảng giải như dưới đây:
Tất cả các pháp trên thế gian tóm thâu vào thể, dụng, tướng. Thể là bản thể, tức phần vô hình của các pháp. Dụng tức là phần công dụng, hay tác dụng của một pháp. Tướng là phần sắc tướng, tức là hiện tượng hữu hình của các pháp.
Mỗi pháp gồm có ba phần như vậy, ở đây chỉ nói riêng về công dụng (dùng làm), hoặc tác dụng, (dùng làm ra), bởi nó có liên quan đến vấn đề tụng kinh.
— Thế nào là công dụng?
— Nghĩa là mỗi một pháp, nó có chỗ dùng của nó. Thí dụ như cây dù dùng để che mưa, che nắng. Nói cách khác, công dụng của cây dù là để che mưa, che nắng. Nghĩa chữ công dụng là như vậy.
Còn nghĩa chữ “tác dụng” là như thế nầy: Thí dụ như dây đậu xương (thuốc Bắc gọi là Quan cân đằng), tác dụng của nó chẳng những làm cho con người thêm sức khỏe mà cũng trị được chứng nhức mỏi nữa. Nói ngược lại, công dụng của dây đậu xương dùng để trị chứng nhức mỏi, nhưng nó cũng có tác dụng thêm sức khỏe cho con người.
Hiểu rõ danh từ công dụng và tác dụng rồi, thì biết rằng, công dụng của kinh điển nhà Phật là dùng để hướng dẫn người tu hành đi đến bực trí huệ, hoặc bực giác ngộ, chớ chẳng phải tụng suông như những người giữ chuông mõ mà không chịu tìm nghĩa lý để trau giồi.
Hiểu sai cái nghĩa công dụng của một món đồ, thí dụ như cái bàn dùng làm cái ghế, cái ghế dùng làm cái bàn, thử hỏi công dụng nó có đúng không, có kết quả như ý muốn không? Lẽ tất nhiên là không. Kinh điển nhà Phật cũng thế, công dụng và tác dụng của nó để làm gì, ra sao, thế mà mình không hiểu, thử hỏi khi mình dùng sai một món như vậy nó có kết quả làm cho mình trở nên bực trí huệ, hoặc bực giác ngộ chăng?
Phật pháp chẳng khác nào những toa thuốc để trị bệnh tinh thần, thử hỏi ta cầm một toa thuốc mà chỉ đọc suông ngày nầy qua ngày khác, bệnh của ta có lành mạnh chăng? Lẽ tất nhiên là ta phải ra công trau giồi y như toa thuốc (Phật pháp) đã chỉ dạy. Cái đó là toa thuốc trị tâm bệnh, còn toa thuốc trị thân bệnh như bệnh đau bụng chẳng hạn, ta nắm cái toa đó, không chịu đi mua thuốc, cứ ở đó đọc lên những vị thuốc trong toa, thử hỏi bệnh đau bụng có bớt chăng?
Thêm một thí dụ khác cho dễ nhớ, như sách dạy làm bánh khéo, ta phải học cho nhớ cách thức chỉ dạy, rồi đích thân mua đường, bột về nhồi nắn, kế đó nấu nướng mới thành cái bánh. Đằng nầy ta cứ ngồi một chỗ, đọc đi đọc lại những lời lẽ chỉ dạy làm bánh, thử hỏi ta có bánh ăn chăng?
Bao nhiêu những thí dụ trên đây, cho ta biết rằng, Phu Thê Ngôn Luận chẳng phải bài bác người tụng kinh, mà nhằm vào mục đích nhắc nhở những kẻ tụng đọc suông, chẳng chịu tìm hiểu những lời lẽ của Phật đã chỉ dạy trong kinh đặng mà thực hành theo. Như vậy, nếu ai tụng suông chẳng hiểu nghĩa lý, chẳng biết phương pháp thực hành như thế nào để tu chứng, thì có khác nào người đọc toa thuốc mà muốn lành bệnh, như người đọc sách làm bánh mà muốn cho có bánh ăn.
Pháp Bửu Đàn Kinh có nói: “Tụng kinh không rõ nghĩa, cùng nghĩa vốn thù với ta.” Chữ “thù” ở đây có nghĩa là nghịch lại, người với kinh đáng lẽ thuận nhau, y nhau, khế hiệp nhau. Như thế thì người tụng kinh với quyển kinh phải hòa lẫn với nhau trong hành vi, cử chỉ và ngôn ngữ. Trái lại, vì không hiểu nghĩa kinh văn nói cái chi, cho nên hành động, lời nói và ý nghĩ của người tụng kinh không đúng với lời Phật chỉ dạy rồi làm khác đi. “Thù với ta” là như vậy.
Hiểu những lời nói trên đây, thì biết rằng công dụng của một quyển kinh chẳng phải để tụng suông, nhưng vì không có học Đạo, nên chẳng hiểu công dụng của quyển kinh như thế nào. Tuy nhiên, cũng có người hiểu rằng tụng kinh, thì trong lúc tụng đó, ba nghiệp được thanh tịnh. Nếu chỉ hiểu có bấy nhiêu đó, thì mới hiểu một phần nào về phương pháp thực hành mà thôi, chưa đi đến chỗ sâu rộng của phương pháp thực hành tu chứng. Điều nầy chẳng phải ai ai cũng hiểu hết, ta cần phải nhờ thầy bạn, mới khỏi mất rất nhiều thì giờ mà chẳng đạt được kết quả mong muốn.
Đọc kinh để cầu chơn lý, cũng như thắp đuốc để cầu sáng, đúng với lời nói: “Tụng kinh dã minh Phật chi lý.” Muốn sáng cái chơn lý Phật pháp, trừ phi tham thiền và học Đạo ra, khó mà sáng cái lý của nhà Phật. Đó là chưa kể tới các công phu tu khác, thí dụ như công phu phá ngã, pháp, công phu niệm Phật, giữ giới,...
Người sáng được lý kinh, tức là người đã có trí huệ rồi vậy. Thế thì, trước khi muốn sáng cái lý của kinh điển, ta phải biết cách tu Huệ (trau giồi gương trí huệ), khi đã biết rõ phương pháp tu Huệ, chừng đó trí sáng suốt lần lần lan rộng.
Đối với Phật pháp, người có trí huệ và phước đức rồi, tu pháp nào cũng được cả. Trái lại, phước đức trí huệ không có, dù tu pháp nào, dễ như pháp môn niệm Phật cũng khó mà thành công. Tại sao thế? Bởi vì, nếu không phước đức trí huệ, có khác nào người không có chân và không có mắt, làm sao mà đi đến nơi đến chốn.
Có người nói rằng, Phu Thê Ngôn Luận không chủ trương tu Phước, tu Huệ, tại sao ở đây lại bảo như vậy? Đó là tại người ta không nhớ đến câu: “Bảo tu tâm luyện tánh là gì? Minh tâm sao chẳng xét suy? Kiến tánh cũng không nhớ đến?”
Phải biết rằng, có Minh Tâm mới có Kiến Tánh, chưa minh tâm là chưa kiến tánh. Minh tâm há không phải là Trí huệ ư? Hơn nữa, không tu Huệ, chẳng lẽ tự nhiên mà có Trí huệ. Còn như bài thuốc của ông Vô Tế đại sư, câu thứ hai nói: “Nhớ hai chữ Từ bi,” cái đó há không phải là tu Phước hay sao? Nhứt là câu thứ mười nói rằng: “Phương tiện đặng bao nhiêu cũng đủ,” cái đó há chẳng phải là tu Phước hay sao?
Chúng ta nên biết rằng: Toàn thể Phật pháp đều nhiếp vào hai môn Phước Huệ. Phước Huệ tóm thâu tất cả Tam tàng giáo hải nhà Phật, há đợi tới phải nói tu Phước, tu Huệ mới biết hay sao?
Phật dạy chúng ta hãy tự thắp đuốc lên mà đi, đó há không phải tu Huệ hay sao? Phật cũng dạy chúng ta Bố thí, Trì giời, Thập thiện, độ đời, cứu đời bằng chủ nghĩa Từ bi,... đó há không phải là tu Phước hay sao?
Nói tóm lại: Đoạn văn trên đây có ý nhắc nhở người tu hành không nên tụng đọc suông kinh điển, phải tìm nghĩa lý trong đó coi Phật dạy cái chi mà thực hành theo cho đúng. Kinh điển do Phật nói ra, bây giờ mang ra tụng đọc trước bàn để cho Phật nghe, thử hỏi có phải là vô ý chăng?
 * * *


BÀI SỐ 5

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Xin anh cho em thong thả, hỏi trong Phật giáo các lễ nghi: Chữ Bồ Tát nghĩa gì, mà nghe họ niệm “Nam Mô Bồ Tát?”
       Chồng rằng: Em ôi! Ấy ví như họ hát, mở miệng nói “ù ơ” nghĩa lý thật sậm sờ, mà không ai xét. Chữ “Bồ dã phổ dã, Tát dã tế dã, tế nhơn chi cấp, cứu nhơn chi nguy, nải thị Bồ Tát.” Nghĩa  là: Chữ Bồ là chữ Phổ, chữ Tát là chữ Tế. Cứu người cơn gấp ngặt, giúp kẻ buổi nghèo nàn. Chữ thì miệng đọc rõ ràng, lòng không làm một mảy.
       Lại trong kinh Minh Thánh nói: Vật dĩ thiện tiểu nhi bất tố, vật dĩ ác tiểu nhi khả hành, thiên võng khôi khôi phân khúc trực, thần linh hích hích định khuy vinh.” Nghĩa là: Đừng nói lành nhỏ mà bỏ, đừng nói dữ nhỏ mà làm, lưới trời lồng lộng chia ngay vạy, thần linh tỏ xét việc đầy vơi. Em xét kỹ mấy lời, thì rõ thông đạo lý.
GIẢNG LUẬN
Đạo Phật tuy có vô lượng pháp môn, nhưng pháp môn nào cũng phải thực hành hai công tác: Một là Niệm, hai là Quán. Thí dụ như pháp môn niệm Phật, ngoài sự Niệm lục tự Di Đà, hành giả còn phải Quán nữa. Có người nói rằng pháp môn niệm Phật không thấy ai dạy quán hết. Nói như thế là người ấy chưa hiểu bao nhiêu về pháp môn niệm Phật. Chính đức Thế Tôn dạy những người niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương phải quán nước Cực lạc: Nào là quán ao thất bảo có tám công đức, nào quán bảy hàng cây báu, quán Hoa sen trong ao thất bảo, v.v... (Xin xem kinh Thập Lục Quán, tức là kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật).
Phép Quán của nhà Phật có hai thứ: Một là Quán Lý, hai là Quán Sự. Quán Lý nghĩa là quán xét chơn lý để tỏ thông nghĩa lý mầu nhiệm trong kinh điển. Quán sự là quán những hình tướng của cảnh giới Tây phương. Nếu hành giả không quán sự như những lời của Phật dạy trên đây, thì cũng quán lý chớ lẽ nào chỉ biết mỗi việc niệm Phật thôi sao?
— Tại sao phải quán Lý?
— Nếu không quán xét cho thông chơn lý, thì có khác nào như Phu Thê Ngôn Luận đã nói: “... Chữ thì miệng đọc rõ ràng, mà lòng không làm một mảy.” Thí dụ như hai tiếng Bồ tát đó, nếu hành giả không học hỏi quán xét, thì có biết nghĩa lý thế nào mà làm theo. Lại sáu tiếng Nam Mô A Di Đà Phật đó, nếu chỉ biết niệm, không cần quán xét nghĩa lý thế nào, chẳng những người ấy không biết thế nào là Duy tâm Tịnh Độ, Tự tánh Di Đà, mà cũng không biết trong chín phẩm sen vàng đó, mình sẽ vãng sanh về bực nào. Đó là chưa nói đến Phật A Di Đà tự tánh ra sao, Phật ở đâu, làm sao thấy Phật?...
Nam mô Bồ tát: Như trên đã nói, “miệng đọc rõ ràng mà lòng không làm một mảy.” Tu như vậy là sai, chỉ có nói chớ không có làm. Nếu miệng niệm suông, thì có khác nào người đọc sách làm ruộng, hoặc sách dạy làm bánh rồi muốn cho có lúa, có bánh để ăn đâu. Bởi vậy cho nên, đối với Phật pháp, môn nào ta niệm, môn đó ta phải quán, như vậy mới đúng với phương pháp tu Huệ. Nếu chỉ có niệm mà không có quán, thì có khác nào như cái học của các học sinh trong nhà trường đâu. Vì vậy cho nên, phàm học Đạo phải biết niệm, phải biết quán, niệm và quán không có, thì đâu phải là tu Huệ.
Nam mô là tiếng Phạn phiên âm, do chữ Namah {Na-ma], dịch âm Hán là Nẵng-mồ. Dịch nghĩa: Qui y, Qui mạng, Chí tâm hướng về...
Bồ tát nguyên tiếng Phạn là Bodhisattva [Bô-đi-sát-va}, dịch âm Hán là Bồ đề tát đỏa. Bồ đềGiác, tát đỏaHữu tình (tức chúng sinh). Nghĩa là một bực giác ngộ, nhưng mà sự giác ngộ chưa được hoàn toàn, còn sót lại tánh chúng sinh chút đỉnh. Bồ tát có nhiều thứ như sau:
1. Tân phát ý Bồ tát: Đây là Bồ tát mới phát tâm Bồ đề, quyết chí cứu độ chúng sinh để cầu đạo Vô thượng.
2. Bất thối chuyển Bồ tát: Đây là bực Bồ tát kiên tâm trì chí, dù non mòn biển cạn cũng không thối chuyển đối với đạo Vô thượng.
3. Xuất gia Bồ tát: Đây là những bực ly gia cắt ái, thọ Bồ tát giới, thệ nguyện độ tận chúng sinh, quyết giữ gìn chánh pháp, dù thiên nan vạn nan cũng không sờn lòng.
4. Tại gia Bồ tát: Đây là những bực dõng mãnh nhứt trong các hàng Bồ tát. Vì có chí hòa quang hỗn tục (hòa sáng hiệp với đời), đi sát với nhơn loại quần sanh, thệ nguyện mình cùng chúng sinh tổng giai thành Phật đạo.
5. Du hành Bồ tát: Đây là những vị Bồ tát không nài cực khổ, chẳng chịu ngồi nguyên một chỗ cho kẻ khác cúng dường, thường hay đi đó đi đây, quyết tâm giáo hóa chúng sinh lên bờ giác ngạn.
6. Bồ tát Phật: Đây là những vị Bồ tát dư sức làm Phật, nhưng không chịu làm Phật, thệ nguyện làm Bồ tát mãi mãi, hư không dù có chỗ tận, chớ lòng thệ nguyện của các ngài thật là vô biên. Như ngài Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, v.v...
7. Bổ xứ Bồ tát: Đây là những vị sắp sửa thành Phật, còn sanh ra một lần chót để bổ đi làm Phật như đức Di Lặc.
Nghĩa chữ “Bồ tát” mà Phu Thê Ngôn Luận nói trên đây là cái nghĩa chánh, bao trùm các hạnh nguyện của Bồ tát. Bởi vì, dù cho Bồ tát mới phát tâm đi nữa, cũng phải lập hạnh độ đời, quyết làm cho đời bớt khổ. Đôi khi đức Thế Tôn nói pháp, ngài hay nhắc lại tiền kiếp mà nói rằng: Hễ ngài sanh nơi nào, thường lập hạnh độ đời tại đó.
Hành trì hạnh nguyện của Bồ tát: Hành trì hạnh nguyện nghĩa là: Bồ tát nắm giữ chắc chắn bổn nguyện của mình mà thực hành công tác tự giác, giác tha, tự độ, độ tha trong vô lượng vô biên kiếp. Trong kinh Ưu Bà Tắc có nói: Bồ tát muốn tăng trưởng hạt giống Bồ đề của mình, phải làm năm việc sau đây:
1. Không nên tự khinh lấy mình, cho rằng mình chẳng được quả vị Chánh đẳng chánh giác.
2. Tự mình chịu cực, chịu khổ mà không bao giờ chán nản hối hận.
3. Lập hạnh tinh tấn, tu hành ráo riết không ngừng nghỉ, không thối lui.
4. Phải cứu độ vô lượng khổ não của chúng sinh.
5. Thường xưng tán công đức nhiệm mầu của Tam bảo.
Trong lúc đang độ đời, hoặc độ bằng tinh thần hay vật chất, nếu chưa phát tâm Bồ đề, thì chưa chánh thức là Bồ tát. Tuy nhiên, vì hạnh của mình là hạnh của Bồ tát, nên dù không cầu nguyện, các ngài cũng không bỏ qua mà không nhắc nhở mình bằng cách nầy hay cách khác. Trong sự nhắc nhở đó, hạnh của các ngài rất tế nhị, người không tu về bực khá, khó mà nhận biết mình được các vị Bồ tát hộ trì trong việc làm của mình.

* * *


BÀI SỐ 6

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Anh nói nghe kỳ dị, tu sao chẳng chùa chiền, đầu để tóc còn nguyên, mà cũng không y khậu?
       Chồng rằng: Em còn nghe chưa thấu, cứ hỏi quấy hoài hoài, bởi vậy thành Phật có mấy ai, câu sắc tướng đã phân hồi sớm. Trong Trực Chỉ Qui Nguyên nói:Đông phương hữu tội cầu Tây phương.
       Mình là người phàm tục, lo tu hành về cõi Phật, sự kim sắc kim thân là Phật. Còn mình là người phàm, làm giả mà chi; ấy là để dắt kẻ vô tình, thấy vậy bớt lòng dữ tợn.
       Còn nay làm chùa cho lớn, bạc cho nhiều, của bá gia tiền bá tánh, làm như vậy sao cho rằng chánh. Tu giùm cho thiên hạ không rồi, đi phú quyến các nơi, còn thân mình ai độ. Ấy là làm theo chữ “Phổ” mà thiên hạ phổ cho mình.
       Dạy người lánh dữ làm lành thật phải lắm. Ngặt còn chưa đặng, chớ chi xuất của nhà bố thí, làm như vậy mới nên. Thôi, rán trau giồi đức hành cho bền, luận nhiều quá sợ mang câu tổn ngữ.
GIẢNG LUẬN
* Câu sắc tướng đã phân hồi sớm: Đây là lời nhắc lại bài kệ trong Kim Cang mà ông chồng đã lấy đó để tỉnh thức bà vợ. Bài học số 6 nầy, ý nghĩa còn liên lạc với bài học số 3 nói về Sắc, Tướng, Thinh, Âm. Bài kệ nầy có hai lối giải: Lối giải thứ nhứt thuộc về sự tướng, Phu Thê Ngôn Luận đã giải rồi; hai là dùng lý tánh mà giảng. Đứng về mặt sự tướng, Phu Thê Ngôn Luận giải rằng: Những kẻ còn mê theo Sắc, Tướng, Thinh, Âm... chẳng hề ra mắt đặng Phật Tổ Như Lai bao giờ. Đứng về mặt lý tánh, chúng ta phải hiểu rõ bài kệ như vầy:
Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thinh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.
Đại ý bài kệ:
Bằng có kẻ nào dùng sắc tướng mà thấy ta,
Dùng âm thinh mà tầm cầu lấy ta,
Kẻ ấy là kẻ hành theo đạo tà,
Chẳng thấy đặng Như Lai bao giờ.
Muốn hiểu Kim Cang, phải suốt thông sự lý, tánh tướng. Sự thuộc về Tướng, thuộc về Tánh. Tướng có tánh cách hữu vi, hữu hình; Tánh có tánh cách vô vi, vô hình. Nói cách khác: Sự thuộc về hiện tượng hữu hình, còn thuộc về bản thể vô hình. Trong sự sự, vật vật, phần vô hình và phần hữu hình vốn không lìa nhau, hễ có cái nầy, tức nhiên có cái kia. Do lẽ đó, đối với giáo lý Đại thừa, không được thấy một mặt nầy mà bỏ quên mặt kia, cũng như bài kệ trên đây phải giảng giải thêm về mặt lý tánh mới đúng nghĩa của Đại thừa.
Kim Cang là một quyển kinh phá tướng nhập tánh, cũng như lìa sự để vào lý vậy. Phá đây là phá cái lòng chấp trước theo sự tướng, chớ chẳng phải phá tướng là phá hoại cái sắc tướng. Lìa sự cũng thế, lìa là không mê chấp theo sự tướng bề ngoài, chớ chẳng phải lìa bỏ Phật sự, lìa bỏ công phu niệm Phật, tham thiền, v.v...
Hiểu rõ như vậy rồi, thì thấy:
— CÂU THỨ NHỨT có ý nói rằng: Chớ khá lấy sắc tướng mà cầu thấy ta. Ta đây là chơn ngã, không phải cái ta của giả ngã, cũng không phải cái Ngã mà đức Phật Như Lai xưng hô với các thầy Tỳ kheo. Nói cách khác, ai muốn thấy được tự tánh Như Lai, thì chớ khá dùng sắc tướng mà tầm cầu. Trong kinh Phật có nói rằng, mọi người đều có tánh Như Lai (nhơn nhơn hữu tánh Như Lai).
Học Kim Cang, phải phân biệt danh từ Như Lai sau đây:
1. Sắc thân Như Lai (tức là sắc thân của Phật).
2. Pháp thân Như Lai (tức là cái tánh của pháp giới của Phật và của chúng sinh y nhau chẳng khác).
3. Tự tánh Như Lai (tức là chơn tâm Phật tánh của mọi người).
4. Phật, Như Lai (tức là đức Thế Tôn tự mình lấy danh hiệu Như Lai để xưng hô với đại chúng).
Kim Cang chỉ dạy thấy tánh Như Lai, nhưng phải biết rằng, tánh Như Lai không ngoài sắc thân tứ đại giả hiệp mà có, cũng như Pháp thân Như Lai của đức Thế Tôn không ngoài Sắc thân Phật.
— CÂU THỨ NHÌ nói rằng chớ khá dùng âm thinh mà cầu ngã. Ngã đây cũng là chơn ngã như câu thứ nhứt vậy. Thế thì, muốn cầu chơn ngã, chớ lấy âm thinh mà cầu. Nói như thế có nghĩa là chớ lấy âm thinh mà cầu tự tánh Như Lai.
— CÂU THỨ BA có ý nói rằng, nếu ai dùng sắc tướng, âm thinh để cầu chơn ngã, ấy là người làm cái việc chẳng chánh.
— CÂU THỨ TƯ nói rằng: Hễ ai làm theo cái đường tà thì không bao giờ tỏ ngộ được tự tánh Như Lai.
Nói tóm lại, lìa Sắc thân Như Lai, không thấy được Pháp thân Như Lai, cũng như lìa Sắc thân ô trược của chúng sinh, không thấy được Pháp thân thanh tịnh. Chẳng khác nào lìa hiện tượng không thấy được bản thể, lìa sóng không thấy được nước, lìa vàng không thấy được xuyến.
* Đông phương hữu tội cầu Tây phương...: Câu nầy xuất xứ của nó là do Lục tổ Huệ Năng nói ra trong Pháp Bửu Đàn Kinh. Trực Chỉ Qui Nguyên có đề cập đến câu nầy để phá nghi cho những người tu về pháp môn niệm Phật như vầy:
Có một vị tu Thiền hỏi ngài Tông Bổn rằng:
— Sư nói niệm Phật thì được vãng sanh về Tây phương, còn Lục tổ Huệ Năng nói rằng Tây phương là tự tánh, như vậy cần gì vãng sanh về đâu nữa. Lời nói của Sư và của Lục tổ tại sao chẳng đồng với nhau?
Tông Bổn đáp:
— Lời nói của Lục tổ Huệ Năng là lấy lý tánh mà đoạt cái sự tướng. Thế thì, cuối cùng, không có cái lý nào ở ngoài sự nữa. Còn lời nói của tôi là dùng sự tướng để hiển lý tánh. Như vậy, trọn không có cái sự nào mà ở ngoài cái lý cả.
Tông Bổn nói tiếp:
— Nên biết rằng, ngoài Tâm không có Cảnh, toàn Cảnh là Tâm, Tâm và Pháp châu biến khắp cùng; sự với lý vốn bình đẳng viên dung. Chỉ tại con người sáng tối bất đồng, thành ra chỗ hiểu biết có sai biệt. Người nào biết chắc rằng: Mình đã tu chứng đến cái địa vị của Lục tổ, mới dám nói rằng: Không còn Phật nào nữa để niệm, hà huống có cõi Tịnh độ nào nữa để vãng sanh. Trái lại, nếu người nào chưa được như Lục tổ, hãy nghe theo lời nói của tôi mới đến chỗ rốt ráo được.
— Bạch sư, tôi xin nghe lời của sư nói.
— Đức Lục tổ chính là một vị cổ Phật tái lai, đâu phải hạng phàm phu như chúng ta mà bì kịp — Tông Bổn đáp và nói tiếp — Lục tổ thuyết pháp, ngài chuyên bàn về lý tánh cho đúng pháp Thiền, cốt yếu làm cho người nghe pháp buông bỏ hết các duyên, mới có thể đứng vào cái nhân địa tu chứng Phật quả. Người đời nay chẳng hiểu cái nghĩa của ngài nói, chỉ biết học theo lời nói của ngài, chẳng khác nào như chim Anh Võ học nói.
Thế nào gọi là chẳng khác chim Anh Võ? Bởi vì chim Anh Võ chỉ có thể học được tiếng nói của người, chớ không thể làm được việc của người làm, gọi là chẳng khác chim Anh Võ.
HỎI: Đức Lục tổ lại nói: Người ở Phương Đông tạo tội nên phải niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Vậy người ở Tây phương tạo tội cầu sanh về đâu?
ĐÁP: Lục tổ dùng hai tiếng Đông Tây để chỉ người ở ngoài đời và người ở chùa, nghĩa là người ở thế gọi là Đông, người ở chùa gọi là Tây, chớ nguyên lai Lục tổ không hề nói rằng chẳng có nước Cực lạc. Bằng cớ là Đàn Kinh có nói như vầy: “Người tại gia mà tu hành cũng như người phương Đông vô tội, trái lại kẻ xuất gia mà chẳng tu hành, cũng chẳng khác người phương Tây có lỗi...”
Trên đây là căn cứ theo lời đáp của ngài Tông Bổn đối với người học pháp Thiền. Phu Thê Ngôn Luận phần nhiều dựa vào Trực Chỉ Qui Nguyên mà nói, do lẽ đó, chúng tôi cũng dựa vào Qui Nguyên thuật lại để giảng. Ở đây chúng tôi dựa vào chỗ nghiên cứu của mình để trình bày thêm:
Lục tổ Huệ Năng dạy tu pháp Thiền, tức là một pháp trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành Phật. Ai muốn tu thành Phật, ít nữa người đó thói xấu tật hư không còn, nhứt là sự ô nhiễm trần thế đã dứt rồi. Do lẽ đó, dù tu theo pháp môn niệm Phật hay pháp nào khác, cũng chỉ tu bực Thượng mà thôi. Chí ư người hạ căn dù tu pháp nào đi nữa, cũng còn đang lo trừ các thói xấu tật hư, đang lo dứt các sự ô nhiễm còn chưa xong, nào dám tu bực Thượng.
Hiểu như vậy rồi, Tổ Huệ Năng, dù có giảng về pháp môn niệm Phật, cũng giảng về bực Thượng chớ không giảng về bực Hạ. Pháp môn niệm Phật mà giảng về bực Thượng, thì cũng minh tâm kiến tánh như pháp Thiền vậy. Kiến tự tánh Di Đà, chứng Duy tâm Tịnh độ, há không phải pháp Thiền hay sao. Chính Lục Tổ đã giảng như vậy. Bằng cớ là sau khi quan Thứ sử hỏi, Lục Tổ trả lời rằng: “Người mê thì niệm Phật cầu sinh về cõi kia, còn người ngộ thì tự tịnh lấy lòng mình.”
Lục Tổ trả lời như vậy, khế hiệp với kinh Duy Ma như vầy: “Muốn cầu Tịnh độ, trước hết phải thanh tịnh cái lòng của mình. Tùy theo cái lòng thanh tịnh ấy, đó là cõi Tịnh độ của Phật.” Chính Lục Tổ cũng nói y như vậy, nhưng lời lẽ có hơi khác với kinh Duy Ma, nhưng nghĩa lý vẫn đồng. Lục Tổ nói: “Bởi vậy cho nên Phật nói, tùy nơi Tâm mình tịnh, tức là cõi Tịnh độ của Phật.”
Đạo lý nhà Phật là như vậy, hễ còn ở bực thấp, thì còn phân biệt chia rẽ pháp nầy với pháp nọ, lẽ tự nhiên còn cho pháp môn niệm Phật khác với pháp Thiền, họ chẳng dè, đến chỗ tuyệt đỉnh cùng tột của các pháp vốn là duy nhứt. Chẳng khác nào ngọn đèn có nhiều mặt, mỗi mặt là một màu, kẻ ở hướng đông cho cây đèn là màu đỏ, người ở hướng tây cho là màu xanh, mỗi hướng mỗi màu, tranh chấp vô cùng tận. Đến khi dở các mảnh kiếng lên, thì chừng đó không còn tranh chấp nữa. Nhưng, thử hỏi có mấy người được rốt ráo tỏ thông sự đồng nhứt của các pháp môn thuộc giáo lý Đại thừa. Do lẽ đó, pháp môn niệm Phật cũng kiến tánh như pháp Thiền, thế mà nhiều người tự xưng là Tịnh độ tông, trở lại không ưa pháp Thiền, nghĩ thật đáng thương xót.
Trong Trực Chỉ Qui Nguyên có nói: “Họ đâu có biết A Di Đà Phật là pháp Thiền vô thượng thậm thâm. Người đời nay, phần đông vì chẳng thấu suốt cùng tận đạo lý đó, nên sanh lòng phân biệt pháp Thiền khác với pháp niệm Phật.” Những người còn đố kỵ môn Thiền kiến tánh khác với môn niệm Phật, nên lấy câu trên đây mà suy gẫm...
 * * *


BÀI SỐ 7

CHÁNH VĂN
       Vợ rằng: Xin anh phân nghe thử. Câu “Phật giả vô ngôn.” Nếu nói ra mà thiên hạ đặng bảo tồn, thì có ơn ích với kẻ hậu lai đường hậu tấn.
       Chồng rằng: Nói ra thì người giận, vì cũng máu Lạc Hồng, anh không phải người học thức cao thông, mà sách có chữ “Trung ngôn nghịch nhĩ.”
       Em phải suy nghĩ: Phật giả là cây, mới mướn thợ thầy, cưa bào, đục chạm, lau chùi giấy nhám, rồi mới phết vàng. Lựa ngày thiết lập trai đàn, đem để trên bàn, kêu là ông Phật. Chí chơn chí thật, không nói, không ăn, bổn đạo lạy lăng xăng mà cũng không ừ không hử.
GIẢNG LUẬN
Phật giả là cây, mới mướn thợ thầy, cưa bào đục chạm...:
Đây là Phu Thê Ngôn Luận muốn thức tỉnh người tu hành mê theo Tướng mà bỏ Tánh, mê theo Sự mà bỏ , nên nói Phật giả bằng cây, không ăn không nói, bổn đạo lạy lăng xăng mà cũng không ừ không hử.
Phu Thê Ngôn Luận là một quyển sách viết theo văn chương bình dân, vì lẽ đó, phải thì nói phải, trái thì nói trái, tức là nói trắng cho dễ hiểu, do lẽ đó, ngôn từ không dùng những lời văn hoa bóng bẩy. Sự thật là như vậy, chớ chẳng phải tác giả có ý xem nhẹ những người lễ bái cúng dường Phật cốt. Nếu nói đụng chạm đến những người thờ Phật bề ngoài, cúng dường bề ngoài, thì chính kinh Kim Cang mới đúng hơn. Bởi vì Kim Cang cho những người dùng sắc, tướng, thinh, âm để thấy Phật là những người hành theo đạo tà, chẳng hề thấy được Như Lai bao giờ.
Các nhà văn Âu Mỹ, hầu hết đều tán thành điều nầy: Chơn lý phải có một lối nói đơn giản, không cần phải khéo léo đẻo gọt câu văn quá bóng bẩy, thành ra khó hiểu hoặc hiểu sai. Thực vậy, chơn lý đã hết sức mắc mỏ rồi, bây giờ lại gặp văn chương quá trừu tượng, văn hoa rườm ra chồng lên mớ chơn lý đó, thử hỏi làm sao thấu suốt chơn lý. Các nhà văn ấy còn nói nữa rằng: Lời nói đáng tin tự nhiên nó không đẹp, ngược lại lời đẹp thường không đáng tin.
Kim Cang nói trắng như vậy, chắc có người không hài lòng. Tuy nhiên, nhờ lời nói mạnh mẽ đó, người tu mới mau thức tỉnh được, không còn chạy theo giả tướng bề ngoài mà mắc kẹt vào sự chấp tướng nữa. Chừng đó người tu mới ý thức đến vấn đề phản quang nội chiếu (quay ánh sáng soi chiếu vào nội tâm) để tìm Phật thiệt bên trong của mình.
Theo thiển kiến của tôi, tác giả có nhã ý khích lệ những người tu hành lâu năm nên học hỏi theo bực Thượng, đừng mải miết theo Phật giả, hãy trở về Phật thiệt. Mà Phật thiệt là cái gì? Tức là chơn tâm bổn tánh, hay Phật tánh của chúng ta vậy. Nói cách khác, tác giả muốn cho chúng ta hiểu rõ thế nào là Lý Tánh, thế nào là Sự Tướng, để rồi không còn mê chấp Sự Tướng, mà cũng không mê chấp Lý Tánh.
— Tại sao thế? Tại sao lìa Sự mà không chấp Lý, lìa Tướng mà không chấp Tánh?
— Bởi vì, Sự với Lý, Tánh với Tướng vốn là viên dung bình đẳng, hai món đó chẳng phải một mà cũng chẳng phải hai. Nói như thế có nghĩa là ngoài Sự không có Lý, ngoài Tánh không có Tướng, cũng như ngoài sóng không có nước, ngoài nước chẳng có sóng.
Tánh với Tướng chẳng phải một là vì Tánh thuộc về bản thể, Tướng thuộc về hiện tượng, thì đâu phải là một. Tuy nhiên, Tánh không lìa Tướng, Tướng không lìa Tánh, nên nói chẳng phải hai. (Tánh tức là Tướng, Tướng tức là Tánh).
Cái gì thuộc về Sự Tướng cái đó nó ở trong phạm vi hữu hình, hữu tướng, hữu vi. Cái gì thuộc về Lý Tánh, nó thuộc phạm vi vô hình, vô tướng, vô vi. Hai phạm vi nầy dính liền với nhau không thể tách rời được, chúng ta chẳng được phép chấp phần vô hình mà bỏ quên phần hữu hình. Ngược lại cũng thế, (chúng ta không được phép mê chấp phần hữu hình mà bỏ quên phần vô hình).
Chơn tâm, bổn tánh (Phật tánh, Như Lai tự tánh) của ta tuy nó thuộc phần vô hình, nhưng ngoài phần hữu hình như sắc thân tứ đại giả hiệp ra, không có chơn tâm bổn tánh.
Hiểu rõ chơn lý Đại thừa như trên đây rồi, không ai dám khinh dễ những người cầu Phật bề ngoài, lễ bái cúng dường bề ngoài. Chẳng qua mới tu hành, hoặc giả tu lâu mà không học Đạo, không cố gắng tu lên bực cao đó thôi. Những bực căn cơ chậm lụt như vậy, chỉ có người bất trí mới khinh thường họ mà thôi. Trái lại, kẻ biết viết sách Phật nói về chơn lý Đại thừa, chỉ tìm cách xây dựng họ bằng cách nầy hay cách khác chớ không bao giờ để lời kích bác.
Thử hỏi, đối với bực thấp, chưa hiểu thế nào là Sự Tướng, thế nào là Lý Tánh, một khi bị đánh đổ, họ biết nương vào đâu mà tu hành?  
  
 * * *


BÀI SỐ 8

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Còn bốn chữ nầy: “Xả thân cầu đạo,” mà sao anh lại bảo ở nhà lạy Lục phương? Tu như vậy khác thường, làm sao mà thành chánh quả?
       Chồng rằng: Em nói nghe thiệt lạ, bốn chữ ấy là ở đạo Tiên. Lời Lão Tử di truyền: “Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.” Nghĩa là: Bỏ giàu tìm nghèo, bỏ thân cầu đạoKhông phải tìm đâu xa. Trong Tỉnh Thế nói: 

     “Đạo bất viễn, nhơn dung tại nhĩ, khiếu phi điểm phá bất thông thần.” 

       Nghĩa là:

      Đạo chẳng xa, bởi người làm biếng, khiếu thông minh ai cũng có, mà không xét vạch thì không thông đặng.[4]

      Chữ Xả thân cầu đạo là trường trai khổ hạnh, rồi lần đến không ăn, không uống, không ngủ, không nằm, luyện thân thể cho nhẹ nhàng như lá cây, thì mới chứng quả thành Tiên đặng. Còn chữ Xả phú cầu bần, là không tham phú quí công danh, không mến hồng trần khổ hải, chớ ở đâu tu lại không được. Thường mấy người tu hồi trước, hay tự khiêm là “Bần đạo bần tăng,” lo làm chi phú quí lăng xăng, chỉ lập hạnh khổ cực.
GIẢNG LUẬN
* Đạo chẳng xa, bởi người làm biếng...:
Sách Trung Dung có câu trích lời đức Khổng Tử như sau: “Đạo vốn ở nơi người chớ chẳng xa. Nhưng nếu người ta làm cho Đạo xa mình, thì chẳng phải là Đạo nữa.” (Đạo bất viễn nhơn. Nhơn chi vi Đạo viễn nhơn, bất khả dĩ vi Đạo).
Đạo có nhiều nghĩa, dù nói về nghĩa Sự Tướng hay nghĩa Lý Tánh, cả hai đều ở trong con người, nghĩa là Đạo không xa người, tại người xa Đạo mà thôi.
Nói về nghĩa Sự Tướng, thì Đạo là bổn phận, nếu con người chạy theo các món dục lạc trần gian, thân tâm bị trói buộc nơi tài, sắc, danh, lợi, quên mất bổn phận của mình, đó là lỗi tại con người làm cho Đạo cách xa mình, như vậy còn gì là Đạo nữa (còn gì là bổn phận nữa).
Nói về nghĩa Lý Tánh, thì bổn tánh chơn như tức là Đạo, cũng không xa con người, nó ở ngay trong con người, nếu ai biết nhìn vào tâm tánh của mình mà tầm cầu, sẽ thấy được Đạo. (Tức là thấy được chơn tâm bổn tánh của mình).
Thấy được chơn tâm bổn tánh có nghĩa là chứng biết chớ chẳng phải thấy bằng con mắt thịt.
Ở đây nói Đạo chẳng xa, bởi người làm biếng, nên chẳng thấy được Đạo, chẳng phát huy được Đạo. Trong sách Trung Dung có nói: “... Cái Đạo, ta không nên xa lìa khỏi nó bất kỳ trong giây phút nào. Nếu ta xa lìa được, thì không phải là Đạo nữa rồi. (Đạo giả dã, bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã). Lìa Đạo tức là lìa bổn phận, thí dụ như người bỏ bổn phận làm chồng, sa mê tứ đổ tường, tức là không còn Đạo nữa.
Cũng trong sách Trung Dung, đức Khổng Tử nói rằng: “Ai cũng xưng mình là người trí, nhưng họ lại bôn nam tẩu bắc, thân của họ vướng lưới mắc bẫy, sa hầm, chẳng khác nào con thú rừng bị nả tróc, thế mà không một ai biết để tránh cho khỏi bẫy rập. Ai cũng xưng mình là người trí, rồi họ ăn ở và làm theo đạo Trung Dung, nhưng chưa giữ được một tháng thì họ đã buông...”
Đức Khổng Tử nói tiếp: “Chính Nhan Hồi mới thật là người trí vậy, vì Hồi biết chọn đạo Trung Dung mà ăn ở theo đó. Mỗi khi Hồi được một điều lành nào, thì Hồi khắng chặt vào lòng, không để tán thất.”
Cước chú về nghĩa Trung Dung: Thầy Trình Tử nói rằng: “Hễ cái Tâm không chinh bên nầy, không lệch bên kia, ở được mức giữa thì gọi là Trung. Còn như thường giữ một mực, không hay dời đổi thì gọi là Dung. Trung là con đường Ngay mà tất cả mọi người đều phải theo, Dung là cái lẽ sẵn định, nó quản trị tất cả mọi người.” Thiên Trung Dung nầy tức là môn tâm pháp mà đức Khổng Tử dạy chư đệ tử, mấy vị nầy mới truyền nối cho môn đệ của mình. Ông Tử Tư, cháu nội của đức Khổng là môn đệ của ông Tăng Tử, sợ rằng về sau lâu đời người ta sẽ làm sai lạc pháp môn đó đi, bèn chép ra thành sách và giao truyền cho ông Mạnh Tử.
* Khiếu thông minh ai cũng có, mà không xét vạch thì không thông:
Bên Tiên thì gọi là Khiếu, nhà Phật kêu là Tánh. Khiếu thông minh tức là trỏ về Trí huệ vậy. Theo kinh điển nhà Phật, ai cũng có Trí sáng suốt hết. Nhưng vì các thói xấu tật hư (như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến), các thứ tình cảm (mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn) và các sự ô nhiễm (như nhiễm tài, nhiễm sắc, nhiễm danh, nhiễm lợi...) chúng nó phủ vây, che lấp ánh quang minh của Trí huệ.
Hiểu rõ như vậy thì biết rằng: Ai cũng có ngọn đuốc lòng (tâm đăng), vốn nó sáng suốt vô ngằn, linh thông vô ngằn, ngặt vì con người ăn ở theo thói xấu tật hư, theo thất tình lục dục đã quen, mỗi lần muốn suy nghĩ chuyện chi, các thứ tình cảm nó vọt ra trước, nó cũng bàn tính nghị luận vậy, nhưng mà thứ nghị luận nầy còn trong vòng mê nhiễm. Vì lẽ đó, ánh sáng linh minh không kịp phát xuất.
Do cái lẽ như vậy, nhà Phật mỗi lần muốn suy nghĩ điều chi, người ta cần phải định tâm, tỉnh trí, khi các mối vọng niệm tạp tưởng không còn dấy khởi, chừng ấy mới bắt đầu dùng Trí huệ mà quán chiếu (soi xét). Việc làm như vậy gọi là Thiền định, nghĩa là định tâm để suy xét nghĩa lý.
Hai chữ xét vạch mà Phu Thê Ngôn Luận dùng đó, là nói người tu Phật phải tham thiền. Tham thiền là cái việc làm của Trí huệ, chẳng phải của tâm thức. Việc làm nầy trước phải có định rồi sau mới dùng huệ để xét vạch tầm cầu ánh sáng chơn lý. Nếu hành giả muốn xét vạch để trau giồi gương Trí huệ của mình mà không định tâm tỉnh trí, thì những điều xét vạch đó, toàn là vọng niệm tạp tưởng nó quán xét, chớ không phải công năng của Trí huệ xuất hiện.
Đạo phải cần đến sự cố công cùng sức, chẳng phải lười biếng mà được, tại mình không biết phương pháp xét vạch, làm sao tỏ Đạo. Nói như thế có nghĩa là tại mình không biết học hỏi cách thức tham thiền đó thôi. Ai muốn tham thiền, nên nghiêm minh trì giới, bởi vì, có trì giới thì tâm mới định, trí mới tỉnh. Nguyên tắc trau giồi gương Trí huệ là như vậy.
* Xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo:
Bên Tiên xả phú cầu bần, xả thân cầu Đạo chẳng mấy gì khác bên Phật. Các sư bên Phật giáo Nguyên thủy hiện giờ cũng còn giữ giới không cất giấu tiền bạc, mà cũng không sờ mó tới. Còn sự xả thân bằng cách không tham cầu sung sướng, có người giữ được, có người không. Chúng ta nên biết rằng: Tiện nghi càng nhiều chừng nào, nó trói buộc con người càng nhiều chừng nấy. Vì lẽ đó, giàu quá cũng khó tu. Những người giàu có tu hành, có mấy ai tránh khỏi sự buộc ràng của vật chất vì tiện nghi của sự sống quá thừa thải. Bả vinh hoa, mùi phú quí giam chặt con người trong biển mê, khó mà thung dung tự tại để học Đạo. 
  
 * * *


BÀI SỐ 9

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Anh nói vậy còn ức. Vậy chớ sự cất chùa thờ Phật, cúng Phật và cạo đầu, không trúng lý hay sao? Sự chơn giả lẽ nào, xin anh phân nghe thử?
       Chồng rằng: Em hay bày nhiều sự, hỏi những việc lạ lùng; hễ niệm Phật là đạo chung, bày nhiều chuyện là tại nơi người thế. Chớ trong kinh nói như vầy: Kim ngân, Lưu ly, Xa cừ, Pha ly, Xích châu, Mã não, San hô, Hổ phách, Trân châu đẳng bửu vật nhập ư đại hải. Nghĩa là: Đất nhà Phật là kim sa bố địa, kinh luật đều nói thổ sanh kim, của Phật là muôn triệu cũng không tìm, châu, ngọc, báu còn bỏ nơi biển cả.
       Làm chùa là sự giả, mà cũng có câu: “Dĩ huyễn độ chơn.” Đặng dắt kẻ vô tình, đến chùa thấy Phật tượng, cốt hình, hối ngộ làm lành lánh dữ. Tưởng nghĩa Chúa, nhớ ơn Thầy, biết tình Cha mẹ, thương chữ Đồng bào sanh đẻ, nhớ câu thập ngoạt hoài thai, cũng có ích cho nhơn quần xã hội. Ngặt một điều còn lỗi, là làm không trúng luật kinh. Sách có câu: “Hữu hình thì ắt là hữu hoại.”
       Còn đầu cạo không chi là sái, bởi có câu “Phản bổn huờn nguyên.” Lại nhớ câu “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện.” Nghĩa là: Người mới sanh, tánh vốn lành. Mình mới phát nguyện tu hành, ví cũng như con nít mới sanh, ai bảo chi thì nói nấy, không đổi lòng nói bậy. Lớn lên rồi tâm ý mới buông lung, cũng không chi lạ lùng, làm như vậy đặng buộc tâm viên ý mã.[5]
       Việc cất chùa cũng không chi lạ. Trong kinh có nói như vầy: “Ông Cấp Cô Độc viên dữ đại Tỳ kheo, hay thương kẻ khó, độ người nghèo, nuôi kẻ mồ côi không cha mẹ. Tuy là không sanh đẻ, chớ nuôi lớn lên rồi định cưới gả lứa đôi, cho bạc vàng nhà cửa đủ rồi, Ngài phát nguyện xuất của nhà làm chùa tưởng Phật.”
       Nay làm theo sợ trật, của bá tánh không xong, người vay tiền ngày, kẻ bạc tháng khó lòng. Làm như vậy sợ không đặng phước. Còn cúng Phật làm sao được, trong kinh nói như vầy: “Phật vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.” Nghĩa là: Phép nhà Phật cao sâu vô cùng, mà chẳng biết làm cho khỏi đói hay sao? Nếu nay Phật qua đây có người cúng, còn ở Tây phương ai cúng? Không lẽ Phật còn ăn.
       Lại sách nho có nói rằng: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát [天地無私 神明暗察], bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa.” Nghĩa là: Trời đất không riêng, vì thần minh tỏ xét, chẳng vì tế hưởng mà cho phước, chẳng vì thất lễ mà cho họa hay sao?
       Em nghe coi phải quấy lẽ nào? Có phải là bảo thương người thương vật. Luận ra cho thật, Phật độ tận chúng sanh. Trong kinh luật chỉ rành, bảo thương đến loài bò, bay, máy, cựa. Bởi vậy có  câu: Nhơn sanh vạn vật tối linh.” Nghĩa là: Trong muôn vật, loài người linh hơn hết.
       Lại có câu: “Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai.” Nghĩa là: Mỗi người đều có tánh Phật Như Lai.
       Sách nói không sai, người tu niệm thì thành ra Phật. Xét ra cho thật, mình chẳng thiếu vật chi, bởi có tánh hồ nghi, nên không lo giữ cho tròn mối đạo. Trong Tỉnh Thế nói: “Nhơn nhơn tỉnh ngộ, nhơn nhơn thánh, tại tại hôn mê, tại tại luân.” Nghĩa là: Mỗi người tỉnh ngộ, người là thánh. Ai giữ hôn mê phải luân hồi.
       Luận bấy nhiêu bậu cũng hiểu rồi. Nếu tùy tục anh e sợ trật.
GIẢNG LUẬN
* Làm chùa là sự giả, mà cũng có câu Dĩ huyễn độ chơn, đặng dắt kẻ vô tình...:
Thế gian nầy, muôn sự muôn vật đều là giả tất cả, huống hồ chùa chiền hay Phật cốt, cái nào cũng là vật chất tất cả, lẽ tự nhiên có ngày phải hoại diệt. Nếu người có học Đạo, biết xét sự đời, phải bỏ giả mà tìm thật, đừng chạy theo những món không bền chắc.
Tuy nhiên, người tín ngưỡng thì rất đông, còn chơn tu thiện niệm gẫm lại có bao nhiêu kẻ. Vì thế, phần nhiều thiên hạ chạy theo Sự Tướng bề ngoài, mặc dù có tiếng giữ Đạo hai ba chục năm trường.
Tuy vậy, đó là phương tiện độ đời đối với người tu Phật mà căn cơ trình độ quá thấp. Cũng có nhiều người nhờ cái giả đó mà biết ăn năn hướng thiện, sau đó, nhờ duyên lành, nên học được Đạo lý, mới biết bỏ giả tìm thật. Dĩ huyễn độ chơn là như vậy.
* Còn đầu cạo không chi là sái, bởi có câu Phản bổn huờn nguyên:
Cạo đầu là để nhớ đến sự “trở về cội nguồn,” cũng như nói hoàn về chơn như vậy. Trở lại cội nguồn tỷ dụ như trở lại tánh sơ sinh của trẻ con. Con người mới sanh ra, ai cũng lành hết, nhưng vì lớn lên tập nhiễm nhiều điều, quên phức tánh lành của mình lúc mới sanh. Nay biết ăn năn trở lại làm lành, gây duyên phước để lập công bồi đức.
Bàn về câu “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện” (người mới sanh tánh vốn lành), có nhiều nhà tư tưởng ngày xưa bất đồng ý kiến nhau:
- Có người nói: Có tánh thiện, có tánh bất thiện (Hữu tánh thiện, hữu tánh ác).
- Có ông lại cho rằng: Tánh có thể làm thiện, mà cũng có thể làm ác (Tánh khả dĩ vi thiện, khả dĩ vi bất thiện.
- Lão Tử lại nói: Tánh không thiện mà cũng không ác (Tánh vô thiện, vô bất thiện).
- Riêng Mạnh Tử nói: Cái tánh của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu nó thành ra bất thiện, là tại người ta không biết giữ tâm của mình, chớ nguồn gốc của tánh là không thể chẳng thiện được... Tánh thiện là nói cái bản nguyên tinh thần, tức là cái thiên lý của Trời phú cho, chớ không phải là nói cái tánh gồm cả tình dục của người ta.
Chót hết, theo nhà Phật, thì chơn tánh con người chẳng phải thiện, chẳng phải ác. Thiện hay ác, chẳng qua con người tập nhiễm mà thôi. Nếu tập nhiễm thiện, thì con người trở nên thiện; trái lại, tập nhiễm ác, thì con người trở nên ác. Theo Duy Thức Học, thiện là thuận dụng đối với chơn tâm, vì lẽ đó, người tu hành phải đổi ác ra thiện mới phản bổn huờn nguyên đặng. Phản bổn huờn nguyên nghĩa là trở lại cội nguồn của uyên nguyên (nguồn sâu) của tự tánh.
* Ông Cấp Cô Độc viên:
Ông Cấp Cô Độc tên là Tu-đạt-đa (Sudatta), dịch là Thiện Thí, vị trưởng giả giàu có nhứt tại thành Xá Vệ hồi đức Thế Tôn còn sanh tiền. Ông Tu-đạt-đa rất giàu lòng từ thiện, thường giúp cho kẻ cô độc, kẻ nghèo đói, nên người thành Xá vệ mới tặng cho ông cái biệt hiệu Cấp Cô Độc.
Còn chữ Viên là sự tích như thế nầy: Nhơn việc đi buôn tại thành Vương Xá, có người bạn rủ ông vào vườn Trúc Lâm để nghe Phật thuyết pháp và ông được dịp qui y với đức Phật, nhơn đó ông thỉnh đức Thế Tôn và các vị đệ tử Phật sang xứ của ông tại thành Xá-vệ. Ông có mua cảnh vườn của một vị thái tử tên là Kỳ-đà để lập tinh xá cho Phật ở thuyết pháp, vườn ấy thuộc về của ông nên gọi là Cấp Cô Độc viên. Chúng ta xem kinh thấy nói “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên,” tức là “cây của ông Kỳ-đà, đất của ông Cấp Cô Độc,” bởi vì thái tử Kỳ-đà bán đất mà không chịu bán cây, nhưng về sau thái tử cũng tặng toàn bộ cây rừng trong vườn đó cho đức Phật.
* Xét cho thật, Phật độ tận chúng sanh:
Câu nầy gây thắc mắc cho người học Đạo nhiều lắm, đi tới đâu ai cũng hỏi rằng: “Phật có độ tận chúng sanh không? Nếu độ tận sao chúng sanh còn dẫy đầy?” Câu hỏi nầy có hai cách trả lời: Một là đứng về mặt lý tánh, hai là đứng về mặt sự tướng.
1. Về mặt lý tánh: Theo Pháp Bửu Đàn Kinh thì chúng sanh là trỏ các thói xấu tật hư trong lòng con người. Mỗi một thói xấu là mỗi một chúng sanh, trong lòng có bao nhiêu thói xấu là có bấy nhiêu chúng sanh. Muốn thành Phật, hành giả phải độ tận chúng sanh trong lòng của mình, nghĩa là không còn một thói xấu nào. Tự tu, tự ngộ, tự độ lấy chúng sanh lòng mình là như vậy.
2. Về mặt sự tướng: Phật độ tận chúng sanh bằng cách mở Đạo truyền giáo để độ chúng sanh, chớ Phật không tu thế cho chúng sanh được. Thế thì Phật độ bằng sự giáo hóa chúng sanh. Như vậy, nếu có tất cả bao nhiêu chúng sanh bằng lòng tu học theo giáo pháp của Ngài, thì ai ai cũng được độ tất cả. Chẳng qua có kẻ được độ sớm, có người được độ trễ mà thôi. Thế nào là độ trễ? Bởi vì, trong sự tu hành, mình phải lấy hết sức của mình mà cố gắng, chớ chẳng phải tu như kiểu muốn thành Phật, đồng thời cũng muốn làm giàu, tu lấy có, tu cầm chừng, làm sao mau được.
Chúng ta nên biết rằng: Dù tu theo pháp môn niệm Phật để cầu tha lực cứu vớt đi nữa, cũng phải tinh tấn dũng mãnh, chớ chẳng phải lười biếng rồi được Phật độ cho. Tục ngữ của ta có câu: Trời phân nửa, con người phân nửa (Thiên công bán, nhơn công bán), y như tục ngữ của Tây: Ngươi hãy tự giúp, Trời sẽ giúp ngươi (Aide toa, le ciel t’aidera).
Tất cả chúng sanh nào tu theo giáo pháp của Ngài, Ngài đều độ tận, chẳng qua chóng hay chầy mà thôi. Còn như ai không học Đạo của Ngài, thử hỏi Ngài làm sao độ? Chính Đề-bà-đạt-đa tu học với Ngài, khi người sanh ác tâm hại Ngài nhưng không được, rốt cuộc phải bị đọa vào địa ngục, Ngài cũng không bỏ. Bây giờ độ không được, nhiều kiếp sau Ngài sẽ độ chớ không bỏ. Vì vậy, trong hội Pháp Hoa, Ngài thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa sẽ thành Phật trong một kiếp nào đó. Người như vậy Phật còn độ, huống hồ nếu ta cố gắng tu hành, biết đâu ta sẽ thành Phật trước Đề-bà-đạt-đa. Về sự tướng, Phật độ chúng sanh là như vậy.
* Xét cho thật, mình chẳng thiếu vật chi:
Đạo Nho có nói: “Thân con người là tiểu thiên địa, vì lẽ đó, Trời có món nào, con người có món đó.” Nhà Phật thì nói tánh của chúng sanh vốn sẵn đủ cả. Quí vị nào có xem Pháp Bửu Đàn Kinh, thì thấy Lục tổ sau khi ngộ Đạo, Ngài bèn nói rằng:
Chẳng dè tánh mình vốn sẵn thanh tịnh,
Chẳng dè tánh mình vốn chẳng sanh diệt,
Chẳng dè tánh mình vốn sẵn đủ cả,
Chẳng dè tánh mình vốn không động lay,
Chẳng dè tánh mình hay sanh muôn pháp.
Ở trong Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng có nói:
Tánh chơn như không tăng, không giảm, không trước, không sau, không sanh, không diệt, rốt ráo thường hằng, đầy đủ tất cả công đức như là:
1. Đại trí huệ linh minh.
2. Soi chiếu khắp cả pháp giới.
3. Hay biết một cách chơn thật.
4. Tâm tánh vốn thanh tịnh.
5. Thường, lạc, ngã, tịnh (bốn đức của Niết bàn).
6. Thanh lương bất biến (trong, mát, không biến đổi) và tự tại vô ngại.
Nói tóm lại, tánh của mình không lìa, không dứt, không khác, đầy đủ Phật pháp không thể nghĩ nghị hay bàn luận. Tâm tánh ấy lại có vô lượng công đức, nhiều hơn số cát sông Hằng. Vì lẽ nó đầy đủ tất cả, không thiếu một công đức nào, nên gọi là Như Lai tạng, cũng gọi là Như Lai pháp thân.
Phu Thê Ngôn Luận nói mình không thiếu vật chi là như vậy.
* Mỗi người tỉnh ngộ, người là thánh. Ai giữ hôn mê phải luân hồi (Nhơn nhơn tỉnh ngộ, nhơn nhơn thánh, tại tại hôn mê, tại tại luân):
Đối với giáo lý nhà Phật, thì trên con đường tu học Phật pháp, hết thảy không có cái gì quí giá bằng sự Tỉnh Ngộ. Thực vậy, tu theo Phật mà không tỉnh ngộ dù có tu bao lâu cũng chẳng giải thoát đặng. Phải biết rằng người không tỉnh ngộ chỉ có đọa chớ không có siêu. Có người tỉnh ngộ cho đến đỗi giao hết sự nghiệp cho con cái hoặc thân nhơn quản lý, chỉ việc tu hành mà thôi. Có người không tỉnh ngộ cho đến cũng không dám phí vài giờ đồng hồ để đi đến chùa học đạo, nghe pháp. Có người tỉnh ngộ cho đến đỗi xuất bạc triệu ra làm việc nghĩa hoặc cất chùa. Có kẻ không tỉnh ngộ cho đến đỗi không dám bỏ một ngày ra làm công quả.
Học Phật, chỉ có mê với ngộ, mê thì bị trầm luân bể khổ trong lúc hiện tiền, chẳng phải đợi tới bỏ xác. Bởi vì, đang mê mết tứ đổ tường, cái đó há chẳng phải đọa hay sao? Trái lại, ngộ thì cũng giải thoát hiện tiền chớ không lâu. Bởi vì, người ấy không bị gông cùm xiềng xích trong sắc, tài, danh, lợi, tình, há không phải giải thoát hiện tiền ư?
Thế thì, mau hay chậm, do tỉnh ngộ mà ra.
  
 * * *


BÀI SỐ 10

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Vậy bấy lâu em đem tiền cúng Phật, phụng tự ông bà, ngày đơm tháng quải mẹ cha, anh nói vậy thì không có phước. Còn em nghe hôm trước, họ nói như vầy: “Bạc cúng chùa cũng như thể cho vay, tuy không tờ giấy mà lời rất lớn.” Câu ấy là nói giỡn hay là có sách ghi, việc ấy đáng hồ nghi, hay là nên tin chắc?
       Chồng rằng: Đây xin nói tắt, lời tục nói không sai. Tuy không sách không bài, mà làm vậy cũng là đặng phước. Để anh nhắc chuyện xưa tích trước, bà Thanh Đề với đức Mục Liên. Nhắc chuyện tích để truyền đặng cho em xét lấy.
    Có một vị đại đức thiền sư thuở ấy, tu đã phát huệ rồi, biết hết các việc đời, hiểu quá khứ vị lai. Bổn đạo gái trai, muôn ngàn dư có. Thiền sư ngài hiểu rõ, đến mai nầy có lễ đại cúng đến dưng, giờ thìn đã đến chừng, thì có người đem tới. Bảo một tiểu tăng ra đứng đợi, hầu thâu đại lễ của người. Nhắc đến chuyện tức cười, cho bà là dốt nát. Lột lúa, cạo gạo trắng ra một bát mà thôi, làm vậy đã phải rồi, đội đến chùa chờ không thấy ai thâu lễ. Ngày càng trưa càng trễ, trong bụng đói phát nóng, lục tặc nổi hành hung, đổ chén gạo hai chơn chà đạp nhẹp. Lòng đã tốt còn làm điều phi phép, án tội nầy cũng tại tiểu tăng. Vưng lời đi sau không hỏi cho có ngằn. TƯỞNG ĐẠI LỄ LÀ NHIỀU MÂM NHIỀU QUẢ.
    Phật bắt tội tiểu tăng mắc đọa, đầu thai làm con gã Thanh bà. Sanh người ra tuổi mới nên ba, đã biết niệm Phật lo bề trai giới. Bởi Thanh Đề ở nhiều điều oan trái, khi thác rồi mang tội khổ hình. Đến ngày đức Mục Liên đắc liễu quang minh, mới xin phép Phật xuống cứu Thanh Đề khỏi tội.
       Đó có phải là một người bị lỗi, bắt tội cả hai. Khuyên già trẻ, gái trai, có tưởng Phật trọng tăng thì phải. Tại lòng người làm sái, hơi đâu cãi việc đời, lòng tu thiệt chớ chơi, thì ắt phải về miền Thắng Cảnh.
       Còn tế tự là điều đức hạnh, ấy là ngày kỷ niệm ông bà. Suy cùng xét cạn xa, thì đống xương rụi về ăn sao đặng. Cuộc ở thế phải theo dùn thẳng, nếu nói ngay trái tục mích lòng. Phận khuê phòng em rán giữ cho xong, phần phụ nữ thì tề gia nội trợ. Nếu hỏi lắm càng thêm mắc cỡ, để chỉ luôn cho bậu nghĩ suy. Trong Tỉnh Thế nói như vầy: “Linh sàng cung dưỡng thùy năng khiết, mộ hạ khô lâu hóa quỉ lân, phiêu sa mê hồn hà xứ tú, tùy phong phiêu lãng hảo bi tân.” Nghĩa là: Giường linh cúng kiếng tuy sạch sẽ, người chết ở dưới mồ bất quá là một đống xương rụi mà thôi, hồn phách không hiểu rõ đã xiêu lạc theo gió bụi.
       Nay mình có cúng đi nữa là dọn lên để đó, rồi đem xuống còn nguyên như cũ. Trong sách có dạy: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã.” Nghĩa  là: Lập thân hành đạo tên để đời sau, Hiển tên cha mẹ trọn chung thảo.
       Vậy mình phải lập thân danh với đời. Làm Đạo lý phải thông chơn giả. Tu cho thành chánh quả, để danh tiếng về sau, ấy là trọn thảo cùng cha mẹ mới mầu, phần nhơn tử phải giữ gìn như vậy.
       Trong đạo Phật cũng kẻ nhầm người quấy, là Thiền lâm, Thích giáo chia hai. Bên Thiền thì chuông mõ giữ hoài, bên Thích bày điệp đàn nhiều chuyện; không lo điều phương tiện, không tính việc tu hành. Việc mình đã không tu niệm cho rành, lại bày điều chẳng phải. Khuyên già trẻ gái trai xét lại; cũng đầu tròn kẻ phải người không. Của đem cúng chùa niệm Phật có công, mà đừng khắc cũng là khỏi tội. Phần ở thế chớ làm điều lỗi, giữ cho tròn bổn phận thảo hiền. Khi lâm chung cầu Phật với Tiên, mình không tội Thánh Thần cũng hộ.
       Dầu đau ốm cũng đừng than khổ, người lo tu hay vận chuyển ngũ hành: sửa tâm, can, tì, phế, thận cho rành, rồi mới luyện Trường sanh bất tử. Đây anh đã tỏ phân tâm sự, vậy em nghe hiểu đặng cùng chăng?
GIẢNG LUẬN
* Sự tích Mục Liên Thanh Đề:
Chiếu theo kinh Vu Lan Bồn, chúng ta chỉ thấy Mục Kiền Liên cứu mẹ, chớ không thấy tiền kiếp của Mục Kiền Liên là một vị tiểu tăng bị Phật bắt tội phải đầu thai làm con bà Thanh Đề. Có lẽ sự tích nầy ở trong sách Tàu thì phải, chớ kinh điển nhà Phật không thấy nói tới. Theo thiển kiến của tôi, ai biết được tiền căn của Mục Kiền Liên, phải là một vị có lục thông mới hiểu rõ.
Tất cả chư huynh đệ tỷ muội khi xem quyển Phu Thê Ngôn Luận ai cũng thắc mắc câu “Phật bắt tội tiểu tăng mắc đọa, đầu thai làm con gã Thanh bà.” Phật đâu phải là Thượng đế mà bắt tội, chỗ thắc mắc là ở đó. Chúng ta nên biết rằng, Phật không có bổn phận làm việc đó. Tuy nhiên, Phật có thể can thiệp với những vị nào coi về nhơn quả luân hồi đặng sắp đặt cho tiểu tăng trả quả.
Chúng ta nên biết thêm một điều nầy nữa: Lúc tiểu tăng mắc tội, thì Phật Thích Ca chưa xuống thế. Khi tiểu tăng đầu thai trở lại để trả quả, chừng đó mới gặp Phật Thích Ca ra đời. Như vậy thì khi tiểu tăng đầu thai làm Mục Kiền Liên, có lẽ vị Phật nào đó bắt tội tiểu tăng chớ chẳng phải đức Phật Thích Ca. Nói bắt tội, chớ sự thật là can thiệp như trên đã nói.
* Người tu hay vận chuyển ngũ hành:
Như đã nói trong bài tựa của chúng tôi, sự tu luyện tinh khí thần thuộc về bên Tiên. Ở đây chẳng phải hoàn toàn là tu Tiên, nên không thể giải thích được theo lối bá nhựt trúc cơ (100 ngày đắp nền), thập ngoạt hoài thai (10 tháng mang thai), tam niên nhũ bộ (3 năm bú mớm), và cửu niên diện bích (9 năm day vô vách để đại định). Phép vận chuyển ngũ hành nầy, thuộc về khoa bí truyền của Tiên Phật hiệp tông, vì lẽ đó, không có mối mang nào để tìm hiểu cho được. Theo Phu Thê Ngôn Luận, thì do thiêng liêng vận chuyển chớ chẳng phải do công phu của mình làm ra, chỗ bít lối là ở đó. Vậy, chúng tôi chỉ giải thích một hai phần trăm mà thôi.
Nói về ngũ hành án theo ngũ tạng thì Tâm thuộc hỏa, Can thuộc mộc, Tỳ thuộc thổ, Thận thuộc thủy, Phế thuộc kim. Trong sự vận chuyển nầy, con người phải đau đủ ngũ tạng, rất khác xa với bên Tiên, bởi vì bên Tiên trong lúc luyện Đạo không có đau hay có bệnh. Trái lại, lối vận chuyển nầy làm cho con người đau la lết.
Tại sao trong lúc vận chuyển lại có trạng thái đau đớn làm cho con người khó chịu hết sức? Bởi vì muôn vật trong thế gian có hai phần: phần hữu hình và phần vô hình dính liền nhau, hễ động tới phần hữu hình, thì phần vô hình phải chịu ảnh hưởng. Còn động tới phần vô hình, thì phần hữu hình phải chịu đau đớn. Sự liên quan đó có bằng cớ như dưới đây:
Quí vị nào có học Duy thức thấy danh từ “Tịnh sắc căn” trong năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Mỗi một căn có hai phần, phần vô hình gọi là tịnh sắc căn. Thí dụ như nhãn căn thì con mắt thịt gọi là Hữu sắc căn, còn con mắt vô hình thì thuộc về Tịnh sắc căn. Thế thì, trong lúc vận chuyển năm tạng vô hình, tự nhiên nó phải liên quan đến ngũ tạng hữu hình, do đó mà có sự đau đớn.
Nói như vậy không có bằng cớ chứng minh, vậy tôi xin lấy khoa học Thôi miên làm bằng. Người ta nắn một cái hình con người bằng sáp lớn cỡ cườm tay, lấy hình đó đem để gần một người đang ngồi trên ghế, rồi bảo người đó nhắm mắt lại. Nhà thôi miên bèn dùng bàn tay lùa nhân điện trong con người thiệt qua hình bằng sáp. Độ mười lăm phút sau, người ta dùng kim nhọn chích trên vai của hình bằng sáp, bên nầy người thiệt nhăn mặt tỏ vẻ đau đớn lắm. Khi vạch áo ra, người ta thấy có dấu bầm trên vai y như chỗ đã châm bên hình bằng sáp. Nói tắt là, hễ chích kim vào hình nhân bằng sáp chỗ nào, thì trong mình người thiệt có dấu bầm tại chỗ đó. Mỗi lần chích như vậy, lần nào cũng thấy người thiệt đau đớn khó chịu lắm.
Vì phần hữu hình với vô hình liên quan như vậy, mỗi lần bị vận chuyển ngũ tạng, thì con người cũng đau trong ngũ tạng như chứng bệnh thật vậy.
Tại sao phải sửa trong ngũ tạng? Bởi vì, thân con người thọ bẩm khí huyết của cha mẹ, thân thể chẳng khác nào như cái ống khói đã bị đóng khói đèn, ánh sáng khó mà tỏ rạng. Muốn cho đèn sáng tỏ, người ta phải khêu tim, đồng thời cũng phải lau chùi cho sạch khói đèn, do đó mà có sự cọ xát, có cọ xát là có sự đau đớn tưởng không có gì lạ.
Vả lại, trong kinh điển nhà Phật cũng có nói sự liên quan của Tánh (phần vô hình) với Tướng (phần hữu hình) vốn viên dung bình đẳng, Tánh không Tướng chẳng thông, Tướng không Tánh chẳng tỏ. Trong lúc vận chuyển các căn Tịnh sắc, làm cho các căn hữu hình phải chịu chung một công việc làm.
Ngoài ra, chúng ta nhận thấy trong sự vận chuyển nầy cũng liên lạc đến các Trung khu thần kinh của cơ thể mà ta thấy trong đồ hình của người Ấn Độ có vẽ. Mỗi một trung khu thần kinh có nhiều cánh hoa sen, tùy theo cái khiếu quan trọng hay không mà số hoa sen hoặc nhiều hoặc ít. Những khiếu quan trọng như Tâm quang khiếu, Đảnh quang khiếu (đỉnh đầu, gọi là nê hoàn cung), Ngạch quang khiếu (giữa lông mày; mi giang), Tỳ quang khiếu (trên lá lách), v.v...  
  
 * * *


BÀI SỐ 11

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Giảng kinh luận, anh phân ra nghe phải. Ngặt vì em là phận đờn bà, con còn nhỏ khóc la, tu làm sao cho được. Phần việc giàu nghèo lo lắng, rảnh giờ đâu mà lạy Lục phương, lễ tứ thời sau trước chưa tường, anh nói hết cho em nghe với.
       Chồng rằng: Anh đã phân tường áo lới, theo cách lạy Lục phương, anh nói cạn cho em tường là: Nam, Bắc, Đông, Tây, Hoàng Thiên, Hậu Thổ. Cầu ơn trên bảo hộ, cho khỏi về đường lục đạo luân hồi. Trong Trực Chỉ Qui Nguyên nói:
       “Đức Thi-Ca vâng lời cha dạy: khuya, trưa, chiều, sáng, giữ thường một lòng niệm Phật, lạy sáu phương. Sau phát huệ tâm, huệ ý giữ một lòng tu rất kỹ, đặng chứng quả chẳng sai. Bởi một lòng thiện niệm nhớ hoài.”
       Lại trong kinh Di Đà có nói: “Sáu phương thế giới, Phật sa số Hằng hà.” Đây nói sơ qua, nếu phân kỹ giấy đâu mà viết.
       Ai niệm Phật xin lòng cho thiệt. Lạy sáu phương niệm Phật Di Đà. Phải phát nguyện sâu xa, là cần cho thành Phật đặng cứu cửu huyền thất tổ. Đền ơn Thầy dạy dỗ, trả nghĩa bạn đồng bào. Niệm Phật có công lao, thì phát tâm trí huệ. Phải tin chắc theo lời kinh kệ, đã chỉ rõ như vầy: “Lục tự Di Đà vô biệt niệm, bất lao đờn chỉ đáo Tây phương.” Nghĩa là: Sáu chữ Di Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Thiên đường.
       Lại cũng có chữ: “Thiên kinh vạn quyện bất quá lục tự Di Đà.” Nghĩa là: Ngàn kinh muôn quyển, chẳng bằng sáu chữ Di Đà.
       Nếu tin chắc thì thành chánh quả chẳng sai.
       Còn bốn thời là: mẹo, dậu cùng tý, ngọ. Trong bốn thời chỉ đó, thì tục thế rảnh việc lo, rán lạy cầu Phật sẽ chứng cho. Em nên giữ cho tròn mối Đạo. Cứ theo kinh chỉ giáo, không thêm bớt chỗ nào. Có bấy nhiêu mà giữ không đặng hay sao? Bao nhiêu việc mà lo chẳng đặng, sau luân hồi lục đạo dễ đâu. Trong Tỉnh Thế nói rằng: “Nhứt kiếp bất tu vạn kiếp khổ, nhứt thời thố ngộ vạn thời trầm.” Nghĩa là: Một kiếp không tu muôn kiếp nhọc, một giờ lầm lỗi muôn thuở luân hồi.
       Lại nhớ câu: “Nhi tử mãn đường nan thế đại, kim ngân mãn ốc bất an ninh.” Nghĩa là: Có con trai, con gái đầy nhà, cũng không thay thế cho mình đặng, có vàng bạc đầy nhà cũng không yên ổn đặng.
       Đây lấy lời phân ngay thẳng, khuyên em khá tu hành, cứ Kinh luật giữ rành, em muốn tu hay còn hỏi?
GIẢNG LUẬN
* Lại trong kinh Di Đà có nói: Sáu phương thế giới, Phật sa số Hằng hà. Lạy sáu hướng, mỗi hướng có vô số chư Phật:
Hướng Đông: có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm và còn nhiều Phật như số cát sông Hằng.
Hướng Tây: Có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang và còn nhiều Phật như số cát sông Hằng.
Hướng Nam: Có Phật Nhựt Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diện Kiến, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn, và còn nhiều Phật như số cát sông Hằng.
Hướng Bắc: Có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trữ, Phật Nhựt Sanh, Phật Võng Minh, và còn nhiều Phật như số cát sông Hằng.
Cả thảy Phật trên đây đều dùng tướng lưỡi rộng dài trùm khắp ba ngàn Đại thiên thế giới đang diễn nói kinh A Di Đà.
* Phải phát nguyện sâu xa, là cần cho thành Phật đặng cứu cửu huyền thất tổ:
Theo cấu nói nầy thì, chỉ có thành Phật mới cứu được cửu huyền thất tổ. Bằng cớ là ông Đại Mục Kiền Liên chứng quả A-la-hán, cứu độ mẫu thân không được, phải cầu đến mười phương chư Tăng. Còn phát nguyện sâu xa, chỉ có phát bốn lời đại thệ nguyện (tứ hoằng thệ nguyện) mới là quãng đại hoằng thâm mà thôi. Tứ hoằng thệ nguyện là:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo Vô thượng thệ nguyện thành.
Nghĩa là:
Tôi thệ nguyện độ vô biên chúng sanh.
Tôi thệ nguyện dứt vô tận phiền não.
Tôi thệ nguyện học vô lượng pháp môn.
Tôi thệ nguyện thành bực Vô thượng Bồ đề.
* Cửu huyền thất tổ:
Cửu huyền thất tổ cũng gọi là cửu tộc, tức là chín bậc họ hay là chín đời (les neuf générations). Trong chín đời nầy chia làm hai phần: Từ Cao, Tằng tính xuống bảy đời gọi là thất tổ. Còn phần sau cộng thêm hai bực nữa mới đủ cửu tộc. Trong cửu tộc nầy có nhiều chỗ bất đồng của các quyển Từ điển, chúng tôi biên hết ra đây, tùy ý mỗi người lựa chọn:
Theo Từ điển của Thanh Nghị: 1. Cao (ông Sơ), 2. Tằng (ông Cố), 3. Tổ (ông Nội), 4. Khảo (Cha), 5. Kỷ (thân mình), 6. Tử (con mình), 7. Tôn (cháu mình), 8. Tằng (chắt mình), 9. Huyền (chích mình).
Theo Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh: Cửu tộc là chín họ. Lấy người trong họ Cha làm hạn thì gồm bà con trực hệ do bản thân suy lên đến Cao Tổ bốn đời, dưới suy đến Huyền Tôn bốn đời. Bà con bàng hệ thì từ bản thân suy ngang ra đến anh em ba tầng. Kiêm cả nội ngoại thì gồm ông ngoại, bà ngoại, con dì, cha vợ, mẹ vợ, con cô, con chị, em gái, cháu ngoại, cùng bản thân mình.
Theo bà Như Tánh: 1. Cao (ông Xẩm), 2. Tằng (ông Xờ), 3. Tổ (ông Sơ), 4. Khảo (ông Cố), 5. Kỷ (ông Nội), 6. Thân phụ (cha), 7. Tử (con, tức là mình), 8. Tôn (cháu), 9. Tằng huyền (chắt, chít).
* Sáu chữ Di Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Thiên đường:
Chữ Nho thì nói Tây phương, còn chữ Việt lại nói thiên đường, đó là vì theo vận văn mà viết như vậy, chớ ai cũng biết hễ niệm Phật thì về Tây phương.
Đi đến chi hội nào cũng nghe huynh đệ tỷ muội hỏi câu trên đây, các cuộc nghi vấn đều có ghi câu nầy lên bảng. Theo các bực tiền bối, thì câu nầy có hai cách giải thích:
Cách thứ nhứt: Chiếu theo kinh Di Đà, trong đó có một đoạn, nếu thực hành được thì mới gọi là vô biệt niệm: “Nầy Xá-lị-phất, nếu có thiện nam tín nữ nào nghe nói đến tên Phật A Di Đà, rồi chấp giữ danh hiệu đó niệm trong một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày mà được nhứt tâm không tán loạn, chừng người ấy lâm chung, đức Phật A Di Đà và chư thánh chúng hiện rõ trước mặt, người đó lúc chết, tâm không điên đảo, tức được vãng sanh về nước Cực Lạc của Phật A Di Đà.”
Niệm Phật mà muốn cho được “Vô biệt niệm,” hãy noi gương các vị Thiền sư. Các vị nầy trong lúc tham cứu thoại đầu (đầu đề, đầu câu chuyện) có khi năm mười bữa cũng còn tham cứu, không ngủ, không ăn, không nằm. Có vị ngồi tới nửa tháng hoặc một tháng. Làm được như vậy mới đến được cảnh giới vô biệt niệm. Nếu không làm như vậy, thì ăn cơm, tiếp khách, buôn bán,... đã mất niệm rồi.
Niệm Phật được như vậy, một giờ niệm Phật, một giờ làm Phật. Một ngày niệm Phật một ngày làm Phật. Một tháng niệm Phật một tháng làm Phật.
— Cách thứ nhì: Mục đích của sự niệm Phật là làm cho ba nghiệp được thanh tịnh. Khi ba nghiệp đã thanh tịnh rồi, chừng đó không niệm Phật cũng như có niệm Phật, nghĩa là không gián đoạn. Đó là dựa vào kinh Duy Ma mà nói: “Muốn cầu Tịnh Độ, trước phải thanh tịnh cái lòng của mình. Hễ lòng mình thanh tịnh, đó là cõi Tịnh Độ của Phật.”
Cách thứ nhứt, chúng tôi chỉ thấy có người nào nhập thất mới làm được. Cách thứ hai, chỉ có người nào mà ba nghiệp được thanh tịnh mới đến cảnh giới vô biệt niệm.
  
 * * *


BÀI SỐ 12

CHÁNH VĂN
        Vợ rằng: Nghe những lời anh nói, kinh luật giữ như vầy, đã tu học có thầy mà phép tắc đâu không thấy. Nếu mà tu như vậy, già cũng chết ngay, đau la lết tối ngày, mỏi tứ chi bát mạch. Khi bụng đau phát ách, lúc thì ngủ li bì, khi nhức cẳng không đi, đau như vậy tôi không chịu đặng.
       Chồng rằng: Em ôi! Vì đồng loại anh mới chỉ đường ngay thẳng, nếu em không tu cũng bởi tại tiền căn. Trong kinh có nói rằng: “Cánh Phật hữu dơn, cánh Phật hữu ơn.” Nghĩa là: Kiếp trước có căn tiền, kiếp này về theo Phật.
       Giác như vầy cũng không trật: cũng như con cháu khách tổ phụ ở bên Tàu, không rõ Trung Quốc làm sao, mà hễ lớn làm có bạc thì mong về Trung Quốc. Còn như người muốn lên cốt Phật thờ Tam Bảo, phải kêu thợ mộc đẽo bào, như không cưa đục ồ ào, làm sao mà ra hình tượng. Muốn tu theo bực Thượng, phải vận chuyển ngũ hành.
       Trước hết chuyển tạng Tâm, máu vận chuyển hay nằm, tâm phát huệ thì thông tam giáo. Tuồng mặt coi lơ láo, là sửa cái tạng can; chuyển gân máu rõ ràng, làm tay chơn nhức mỏi. Chảy nước dãi lao lư hay ói, sửa cho đến bàng quang, cùng thận thủy cho toàn thì nhức xương đau cốt. Muốn hiểu mau cùng tột, thì sửa cái tạng tỳ, hông đau mỏi li bì, làm no hơi đau bụng. Còn sửa tạng phế tứ chi bủn rủn, chuyển hơi đều là phế thuộc kim. Chuyển châu thân run rẩy khó kềm, là sửa trên não chỉ. Sửa sang rất kỹ, khắp hết cả mình, muốn ngày sau đắc liễu quang minh, thì phải luyện bửu châu mới được. Học theo hạnh đức Thích Ca hồi trước, Huệ Mâu Ni thấy đặng quỉ thần. Trong ngũ hành vận chuyển định phân, thì mới biết quỉ ma tà mị.
       Vợ rằng: Anh phân nghe cũng kỹ, mà em còn thấy như vầy: Đờn bà học không thầy mà cũng có khi ngủ khi nằm, dã dượi hoài trót tháng cả năm, lời tục kêu là Đàng dưới.
       Hằng ngày coi dã dượi, thế khi vận chuyển ngũ hành, riết càng ngày càng ốm xanh, thầy pháp chữa hết hơi không mạnh, vậy có khi Thần Thánh bảo hộ đó hay sao? Sự chơn giả lẽ nào, xin anh phân nghe thử?
       Chồng rằng: Bởi em không biết chữ, hỏi những việc lạ lùng. Trong thế giái là cuộc chung, hễ có Phật thì có ma, có Thần thì có quỉ. Em phải coi cho kỹ, nó có tu niệm hay không. Bởi nó gần nhau như vợ với chồng, quen hơi hám càng ngày càng truyền nhiễm. Nó có phép chi linh nghiệm, đâu hiểu việc nhơn gian. Làm ma quỉ rõ ràng, đâu có thông nhơn đạo. Bất quá là làm cho máu ngưng lơ láo, rồi nói bậy loạn tâm. Nó làm hơi ngưng nên rung rẩy không cầm, có biết gì vận chuyển. Xem qua như làm biếng, máu không thông nên dã dượi là tại bịnh mê tâm, nếu tưởng Phật thì quỉ ma phải hết.
       Vợ rằng: Em thấy người nhập đạo, đau hoài la lết. Anh nói rằng Thần Thánh sửa châu thân, bỏ công chuyện không mần, chắc phải mang bần khổ. Lo vận chuyển không còn một chỗ, có rảnh đâu nấu nướng đồ ăn, rán đua nhau cầu sửa cho bằng, thì nhịn đói có ngày phải chết. Phần nhức mỏi đau hoài la lết, tu như vầy tôi chẳng tu đâu, chi cho bằng tính việc làm giàu, anh thành Phật đem em theo với.
       Chồng rằng: Em nói vậy sao cho nhằm đạo lới. Trong kinh nói như vầy: “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc; bất tu bất đắc.” Nghĩa là: Chồng tu chồng thành, vợ tu vợ thành; không tu không thành.
       Để anh phân cạn giải rành cho em dễ nghe, dễ hiểu. Tiếng vợ chồng bận bịu, thì nói rằng: “Đồng tịch đồng sàng.” Nghĩa là: Ăn một mâm ngủ một mùng.
       Tuy tiếng nói ngủ chung, chớ ai ngủ thì nấy khỏe, ai ăn thì nấy no. Ăn ngủ giùm sao đặng. Hà huống chi những việc tu hành, hễ ai rán tu thì nấy thành, ai dữ thì mang đọa. Cũng không phải làm cho dư dả, có tiền lo thành Phật được đâu. Đây nói tóm tắt một câu: Việc tu hành cũng như việc học. Hễ ai hết lòng cực nhọc, thì đậu làm quan, bằng không học thì không biết chữ; dầu đến ngày thi cử, thì sao đặng làm quan, có bạc tiền chất chứa mấy ngàn, cũng phải làm dân mãn kiếp. Anh nói cho cạn đặng em nghe cho kịp. Trong Tỉnh Thế nói: “Thiên đường hữu lộ tùng tâm ngộ, địa ngục vô quang tự tánh hôn.” Nghĩa là: Cõi Thiên đường có lộ vì lòng xét, chốn địa ngục không ánh sáng tại lòng mê muội.
       Có phải là làm lành thì đặng thung dung, làm dữ phải sa nơi khổ cực?
       Người tu hành cũng chia ra ba bực: Thượng, Trung Hạ thừa. Người mới vào qui y xin tu hành, ăn chay hai ngày, giữ lòng niệm Phật hôm mai, lo công việc làm ăn như kẻ thế, cầu cho mạnh giỏi, lần hồi lên đến bực trung, có biết chi vận chuyển. Ngặt mấy người làm biếng, nghe người tu bắt chước tu theo, không giữ lòng trợ khó giúp nghèo, lại chửi mắng tôi đòi khổ khắc. Tính những điều thắt ngặt, một vốn bốn lời, thấy người có gia tài thì để thả lơi, lâu lâu có dỡ nhà lấy đất. Dầu có lòng thành thật, tu như vậy sao rồi, như cắm câu mà chẳng có mồi, thì có trông gì mắc cá. Đến ngày sau mang đọa thì lỡ rồi, khó nỗi ăn năn. Còn những kẻ khổ bần, tu dối giả, đặng nương thời thế, ngõ gạt lường cho dễ. Lòng trộm cướp giữ hoài hoài, bắt chước người niệm Phật hôm mai, lại giữ tánh siểm gièm bợ đỡ. Phép âm không sợ, Phật chẳng tư vị đâu, nếu cứ việc khẩn cầu, thì khẩu nghiệp hại nhơn thân, khỏi làm sao cho đặng.
       Trong đạo Phật dạy lòng ngay thẳng, ai có tu giữ dạ làm lành, lo các việc cho thành, rồi tu theo bực thượng. Trong thế giới có chi là trượng, hễ người đạo đức là cao. Em suy nghĩ lẽ nào, bụng muốn tu hay còn hỏi?
       Vợ rằng: Nghe những lời anh phân lại, hồn em dường như tỉnh giấc chiêm bao, trong cuộc thế khác nào “tang điền sanh thương hải.” Bây giờ em nghĩ lại, trước sau gì em cũng tính việc tu hành, để em hỏi lại cho rành, rồi sẽ qui y lạy Phật.
       Lấy lời ngay hỏi thật, Phật giáng thế hồi nào? Bởi công đức làm sao mà thiên hạ ngày nay sùng bái?
       Chồng rằng: Để anh phân lại sau trước em tàng, nói vắn tắt ít hàng đặng em xét lý.
       Thiên khai ư tý, Bàn Cổ sơ khai, từ khai tịch dĩ lai, Phật tạo ra trời đất. Trong Khai tịch diễn nghĩa có nói rằng: Khi chưa có trời đất thì là một khối tự nhiên, sau mới đặt biên là ngôi Thái cực. Ông Tì-đa-băn-bà-na ra sức vưng lịnh Phật Thế Tôn, xuống Khai tịch Càn khôn, phân lưỡng nghi định vị. Nói đây không kỹ, coi Khai tịch mới tường. Sau hóa sanh vạn vật, rồi đạo Phật truyền khắp vạn phương. Ngài hóa ra hội bàn đào, về Phật để tên là Bàn Cổ thị. Đạo truyền chung thỉ, lục vạn dư niên, cả Nam, Bắc, Đông, Tây đều tôn kính.
       Còn Phật Tổ Như Lai vưng lịnh xuống thế gian nầy là Thái tử Sĩ-Đạt-Tha, làm con Đầu-Đồ-Ra, tại nước Ca-tì-la-vệ, sự nầy thiệt có lịch sử lược biên. Đạo Phật truyền khắp hoàn cầu thế giái.
       Đây anh nhắc lại vắn tắt ít hàng. Thôi để nói chuyện thế gian, em lo tu hành kẻo trễ, trong sách có câu rằng: “Sơn trung dã hữu thiên niên thọ, thế thượng nan phùng bá tuế nhơn.” Nghĩa là: Trên núi có cây sống ngàn năm. Trong đời ít thấy người trăm tuổi.
       Lo giàu nghèo lụi đụi, kế già chết tay không, tiền bạc có mấy đồng, khó chuộc phần tội lỗi, hết sáng rồi lại tối, ngày tháng tợ thoi đưa.
       Trong Mãnh Tỉnh nói rằng:
       “Nam lai, bắc vãng, tẩu tây đông, khán đắc phù sanh tổng thị không. Thiên dã không, địa dã không, nhơn sanh yếu yếu tại kỳ trung; thê dã không, tử dã không, huỳnh tuyền lộ thượng bất tương phùng; kim dã không, ngân dã không, tử hậu hà tàng tại thủ trung.” — Đại Tạng kinh: “Trung không thị sắc.” — Bát Nhã kinh: “Trung sắc thị không.” Nghĩa là: Xét cùng Nam, Bắc, Đông, Tây, nghĩ trong chốn phù sanh thì không chi hết. Trời cũng không đất cũng không, người sanh trong cõi tạm trăm năm cũng như luồng khói. Vợ cũng không, con cũng không, khi lên đường huỳnh tuyền chẳng hề gặp đặng. Vàng cũng không, bạc cũng không, khi chết rồi cũng ngửa tay không.
       Trong kinh Đại tạng nói: “Không là Sắc.” Trong kinh Bát Nhã nói: “Sắc là Không.”
       Em nghe coi có phải thiệt buồn lòng, chi cho bằng tâm hành từ thiện, rán răn lòng ăn kiệm ở cần, có dư tiền làm phước làm nhơn, cầu chứng quả về miền Cực Lạc.

BIỆT CHÚ
Vì bất tài nên không thể giảng giải những việc vận chuyển ngũ hành của thiêng liêng. Kinh sách luyện Đạo của Tiên gia giải thích rành mạch, thế mà những nhà Đạo học ấy, không có vị nào sống dai. Chính các nhà luyện Đạo ở Ấn Độ cũng đồng ý rằng, cái gì do mình luyện là không hay, rất nguy hiểm đến tánh mạng, nhiều khi không chết, lại xảy ra điên cuồng. Do lẽ đó, họ nói rằng, nếu tự nhiên mà có, là điều hay, bởi Chơn sư vô hình họ vận chuyển cho mình.
Trước kia tôi rất lấy làm lạ, là nhiều người trong Giáo hội, kẻ thì nói đau gan, người nói đau phổi. Lạ hơn nữa, các tôn giáo bạn, ai tu hành cũng mạnh khỏe, không thấy nhiều người đau như bên Tịnh Độ. Chính tôi mấy lần chở vào bệnh viện thiếu điều bứt hơi mất thở, thế mà bác sĩ khám nói không có bệnh gì hết.
Do những lẽ này, chúng tôi mạn phép không giải thích những đoạn kinh văn trên đây.


CHÁNH VĂN (tiếp theo)
        Vợ rằng: Nghe mấy lời anh giác, cuộc trăm năm nghĩ có ra gì, vậy thì em tính qui y cho thuận tình chồng nghĩa vợ. Ai nghèo khổ ta lo bề giúp đỡ, nước cam lồ rưới sạch sông mê. Quyết tu tâm thắng cảnh toan về, mê trần tục sợ sau mang đọa. Nay nghe cạn các điều chơn giả, xin anh chỉ giùm nẻo tắt đường quanh, lòng em đã chí kỉnh chí thành, làm duyên phước lo bề Đạo lý.
       Chồng rằng: Nay em đã hồi tâm suy nghĩ, hãy lóng nghe cho kỹ chớ lầm, mấy vị thuốc nầy em rán uống vào tâm, ngày sau khỏi luân hồi lục đạo. Trong sách có câu: “Dư kỳ bịnh hậu năng cầu dược, bất nhược bịnh tiền năng tự phòng.” Nghĩa là: Đã phát bịnh rồi mà cầu thuốc, chẳng bằng trước khi chưa có bịnh mình ngăn ngừa.
       Để anh nhắc lại tích xưa, thì em hiểu thông thời cuộc. Hồi đời Tam Quốc có ông Khổng Minh, làm thuốc cầu Đông phong mà trị bịnh nghịch khí của Châu Lang. Thiệt giá đáng mấy muôn ngàn, mà còn chưa hay mấy. Một điều anh còn thấy, trong Trực Chỉ Qui Nguyên, thang thuốc của ông Vô Tế để truyền và dạy cách làm, luyện. Khuyên tín nữ thiện nam rán hết lòng nhớ lại:
1. Tấm lòng ngay một cái,
2. Nhớ hai chữ Từ Bi,
3. Gia ôn nhu nửa lượng,
4. Với ba phân Tín hạnh,
5. Cần hơn hết khối óc cho minh chánh,
6. Đạo lý có ba phân,
7. Hiếu thuận phải mười phần,
8. Thành thiệt cứ ân cần,
9. Âm chất làm quân chủ,
10. Phương tiện đặng bao nhiêu cũng đủ.
       Hiệp để vào một dạ khoan nhơn, cũng chẳng khá giận hờn, và không nên táo bạo. Phải giảm bớt ba phân tiêu táo, để lòng bình đặng nghĩ lo. Lấy Ba-la-mật luyện ra hột Bồ đề [6] mới đặng. Lời ông căn dặn, ngày uống bốn thời. Phải hòa huởn thân hơi, thì tự nhiên không bịnh. Thuốc nói nghe bình tịnh mà có bảy chứng khắc mới lạ thường, để anh phân bày việc khắc cho em tường, rán dặn lòng giữ lấy:
1. Khắc người làm quấy mà miệng nói sạch trong,
2. Túi tham chứa cả lòng, hại người không thương xót,
3. Mưu độc,
4. Kế sâu,
5. Ngoài miệng cười mà trong bụng chứa những gươm đao,
6. Làm rắn độc hai đầu đều có nọc,
7. Không ai kêu chọc mà làm sóng dậy giữa đất bằng.
       Bảy điều nầy lòng rán phải răn, nếu lầm lỗi thì không thầy điều trị. Dầu có cầu kiếm mưu thần chước quỉ, bịnh trong mỡ xương thì không phép bí phương mầu. Giữ mấy lời có tốn kém chi đâu, mà cũng chẳng nhọc lòng sôi nấu.
       Có bài kệ như vầy:
                   Thử phương tuyệt diệu hiệp thiên cơ,
                   Bất dụng Lư sư Biến Thước y,
                   Phổ khuyến thiện-nam tinh tín-nữ,
                   Cấp tu đối trị mạc hồ nghi.
       Nghĩa là:
                   Phương hay tuyệt diệu thuận thiên cơ,
                   Chẳng dụng Lư-Y chẳng Biến-Y,
                   Khuyên hết thiện nam cùng tín nữ,
                   Mau mau niệm Phật chớ hồ nghi.
       Mấy lời ông Vô Tế nói phải ghi, lo tu niệm cho tròn nhơn đạo, học hành theo Tam giáo, giữ một lòng qui chánh cải tà, bỏ lòng quỉ dạ ma. Ngày sau cũng đồng đăng bỉ ngạn.
       Lời quê kịch, một thiên cạn cạn, vì muốn chấn hưng Phật giáo nước nhà, cần mấy ông học thức cao xa, ra ơn chỉ cho người đồng chưởng. Miền Cực Lạc ngày sau chung hưởng, còn hiện nay cũng có ích cho nhơn quần.
                   Trai hiền lành khỏi nhọc dạ lính quân,
                   Gái đức hạnh, khỏi nhục cùng tha quốc.
       Ít lời thành thật, đãi lượng cao minh.
GIẢNG LUẬN
* Nước Cam lồ rưới sạch sông mê:
Cam lồ chẳng phải Cam lộ, nhưng vì viết theo vận văn nên ghi Cam lồ. Camngọt, lộsương mốc. Cam lộ nguyên tiếng Phạn là A-mật-ri-đa (Amrta), dịch là nước sương ngọt, tiếng Hán Việt là Cam lộ.
Cõi Thiên dùng thứ nầy để làm rượu, gọi là Bất tử tửu (thuốc rượu uống không chết). Cam lộ có bốn màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, người ta thường gọi là thuốc Tiên, thuốc Phật. Chư Thiên luyện thuốc nầy dùng để cứu độ bệnh nhơn. Ai có Thiên nhãn thì thấy thuốc nầy là vật hữu hình, còn ai không có Thiên nhãn thì cho đó là món thuốc vô hình. Cảnh giới chư Thiên, cái gì cũng là hữu hình tất cả, nhưng vì thế gian thai phàm mắt thịt không trông thấy được, nên cho là vô hình.
Cam lộ, bên nhà Phật dùng nghĩa bóng, cho là một món linh dược (Phật pháp là linh dược để cứu bệnh mê nhiễm) để độ chúng sinh từ bến mê qua bờ giác. Vì lẽ đó bà vợ nói: Nước Cam lồ rưới sạch sông mê. Cam lộ có nhiều thứ như dưới đây:
1. Cam lộ cổ: Cam lộ cổ nghĩa là cái trống cam lộ, tức là nói đánh trống pháp, đánh trống Bát nhã, kêu gọi kẻ mê thức tỉnh cuộc giả trần để tránh vòng luân hồi sinh tử khổ hải.
2. Cam lộ pháp: Cam lộ pháp nghĩa là Giáo pháp của nhà Phật cũng chẳng khác nào như Cam lộ, người nào có hiểu Đạo lý mới biết mùi giáo pháp rất ngôn, rất ngọt, uống vào mát mẻ tinh thần, không còn bị sắc, tài, danh, lợi, tình thiêu gan đốt ruột nữa. Trống Cam lộ gióng lên, Pháp Cam lộ tưới vào, khi nghe được tiếng trống Bát nhã nầy, con người trở nên thanh thoát, đối với cuộc giả trần xem tuồng mộng mị.
3. Cam lộ môn: Cam lộ môn tức là cửa Cam lộ, đồng nghĩa với Pháp môn (cửa pháp). Người đã uống được Cam lộ pháp như trên đây tức là người đã được vào cửa Cam lộ. Khi còn ở ngoài cửa, người ấy chưa tỏ đạo, người được vào cửa tức là người đã vào Cam lộ môn. Bên Thiền gọi là vào được nhà Tổ, có nghĩa là người đã chứng lý Tam thừa: Chơn lý của Nhị thừa, Chơn lý của Sai biệt trí Bồ tát và Chơn lý của Đại thừa viên đốn.
4. Cam lộ diệt: Cam lộ diệt nghĩa là Cam lộ thanh tịnh tịch diệt. Niết bàn tịch tịnh (thanh tịnh tịch diệt) chẳng phải Niết bàn tịch diệt của Nhị thừa. Người đã chứng lý Tam thừa, rồi y lý mà thực hành đến cảnh giới thanh tịnh tịch diệt, tức là cảnh giới Niết bàn vậy.
5. Cam lộ giới: Cam lộ giới tức là cảnh giới Cam lộ. Cảnh giới Cam lộ là cảnh giới Niết bàn tịch tịnh. Ai được vào cảnh giới nầy, thân tâm tự tại vô ngại (vô quái ngại), không còn bị sự khủng bố của sắc, tài, danh, lợi, tình nữa. Cảnh giới nầy là cảnh giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Trong kinh Đại Niết Bàn, quyển 26 có nói: “Đối lập của Cam lộ là Độc dược. Cam lộ tỷ như pháp Vô lậu, Độc dược tỷ như các món lợi dưỡng (như tiền bạc, của cải, miếng ăn thức uống). Những vị Tỳ kheo nào vì các món lợi dưỡng (muốn cho người ta cúng dường cho mình), khi đối trước người cư sĩ, tự khen ngợi mình, nói rằng mình đã đắc pháp vô lậu, như thế tức là hạng người đem Cam lộ đổi lấy Độc dược.”
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có nói:
Thế Tôn huệ đăng minh,
Ngã văn thọ ký âm,
Tâm hoan hỷ sung mãn,
Như Cam lộ kiến quán.
Nghĩa là:
Thế Tôn (là) đèn huệ sáng,
Tôi nghe tiếng thọ ký,
Lòng vui mừng đầy đủ,
Như được rưới Cam lồ.
Phu Thê Ngôn Luận nói nước Cam lồ rưới sạch sông mê là như vậy.
* Đã phát bệnh rồi mà cầu thuốc, chẳng bằng trước khi chưa có bệnh mình ngăn ngừa:
Câu nầy khuyên những người tu hành hãy chú ý đến cái thuật ngừa bệnh hơn trị bệnh. Thuật trị liệu dù có hay cách mấy, hễ là bệnh trong mỡ xương thì không phép bí phương mầu. Đây là một lời dặn rất quan trọng, một khi tu bực Thượng, được vận chuyển ngũ hành rồi thì cố gắng hết sức mình để giữ đừng cho phạm vào bảy điều khắc kỵ, chỉ có chết chớ không cứu được.
Như Biển Thước ba phen bắt mạch cho Tề hầu, lần thứ nhứt nói bệnh còn ở bì phu (ngoài da), Tề hầu không tin. Lần thứ nhì nói bệnh đã vào tạng phủ, Tề hầu cũng chẳng tin. Lần thứ ba nói chỉ còn chờ chết vì bệnh đã vào cao hoang. Quả thật Tề hầu chết sau đó. (Cao hoang: Dưới trái tim là Cao, trên trái tim là Hoang).
Lời nói trên đây chẳng khác nào giới luật có tánh cách Phòng Phi, nghĩa là phòng ngừa đừng làm điều chẳng phải. Tuy nhiên, giới luật một khi phạm còn có thể sám hối được, chớ luyện đạo mà khắc rồi (do các thói xấu trong 7 điều khắc), chỉ có chờ chết mà thôi.
Bài thuốc của ông Vô Tế đại sư:
1. Tấm lòng ngay một cái.
Phàm người tu hành, ai cũng phải ăn ở cho ngay thẳng chánh đáng, không được cong quẹt bất chánh, không được xảo trá dua mị. Ăn ngay ở thẳng là đức hạnh tối cần của những người muốn tu bực Đại thừa.
2. Nhớ hai chữ Từ bi.
Từ bi là cái chủ nghĩa ban vui cứu khổ của nhà Phật. Từ là làm cho chúng sanh được vui (Từ năng dữ lạc), bất luận vui về vật chất hay vui về tinh thần đạo lý. Khi chúng sanh khổ về tinh thần hay vật chất, ta hãy tùy khả năng của ta mà làm cho chúng sanh hết khổ hoặc vợi bớt lòng sầu. Phải xem cái khổ của chúng sanh như của mình, không được ngoảnh mặt làm ngơ, chết ai nấy chịu. Mất lòng Bi không thể tu học Đại thừa được. Đó là lòng Bi (Bi năng bạt khổ), tức là làm dứt cái khổ của chúng sanh.
3. Gia ôn nhu nửa lượng.
Khi thực hành hai chữ Từ bi, hành giả phải có sự êm dịu ấm áp gia vào lời nói, cử chỉ của mình. Gia ôn nhu tức là thêm vào đó sự êm dịu và ấm áp. Nhưng, tại sao phải nửa lượng? Theo cân Ta, thì một cân có 16 lượng, một lượng có 10 chỉ, một chỉ có 10 phân, một phân có 10 ly. Như vậy nửa lượng là 5 chỉ. Trong khi thực hành lòng Từ, lòng Bi, nếu đức hạnh còn thấp, ít nữa phải đủ 5 chỉ sắp lên mới đủ tư cách thực hiện chủ nghĩa Từ bi. Nửa lượng là đứng về phương diện tối thiểu, chớ không thể ít hơn nữa được. Gia thêm ôn nhu nửa lượng là như vậy.
4. Với ba phân Tín hạnh.
Đồng thời với đức hạnh ôn nhu đã nói trên, hành giả phải thêm vào đó 3 phân Tín hạnh, tức là hạnh Thành tín. Nếu không hết lòng thành, người nhờ ta cứu độ họ sẽ hoài nghi, khó mà tin tưởng đến sự cứu độ của ta. Bởi vì, họ được phép ngờ vực hành động của ta có thực là Từ bi bác ái chăng, hay là thừa dịp giúp đỡ để dở ngón lợi dụng về sau? Nhờ tấm lòng thành thật của ta, chừng đó họ mới để vào tai những lời của ta nói. Trái lại, nếu thi ân mà không hết lòng thành với người, lại thêm cử chỉ vụng về, dù ta có đem lời vàng tiếng ngọc, tức là đem nước Cam lồ tưới cho họ cũng hoài công mà thôi.
5. Cần hơn hết một khối óc cho minh chánh.
Đầu óc, ngoài sự sáng suốt ra, ta còn phải có tác phong đường đường chánh chánh, mới mong gây tin tưởng, gây thiện cảm vào người nhờ ta cứu độ.
6. Đạo lý có ba phân.
Trong lúc tế độ người đời, ta không nên nói nhiều về Đạo lý, chỉ ba phân là vừa đủ. Tại sao thế? Bởi vì, đối với chư thiện hữu, ta có thể luận bàn nhiều về đạo lý cũng chả sao. Trái lại, đối với người lạ, hoặc quen biết sơ sài, ta càng nói nhiều, càng làm cho họ hiểu lầm, là ta muốn đem đạo lý để dụ dỗ họ.
Hơn nữa, dù cho thân thiết đi nữa, trong lúc người ta gặp khổ, lòng dạ nào mà ở đó ngồi nghe ta nói dài dòng. Nếu đầu óc ta không sáng suốt, thế nào ta cũng tuông ra tràng giang đại hải, chỉ làm khổ thêm cho người nghe mà thôi.
7. Hiếu thuận phải mười phần.
Một người muốn ra tế độ quần sanh, người ấy phải là người hiếu thuận với cha mẹ. Trái lại, kẻ thất hiếu mà muốn đi ra tế độ người đời, có phải là một việc mâu thuẫn chăng? Bởi vì, đối với cha mẹ mà mình không chăm nom tới, thử hỏi còn đi chăm nom cho ai nữa? Sách xưa có nói: Muôn nết lấy hiếu làm đầu, vì cái chỗ làm đầu đó mà người tu hành không được kém về hạnh nầy, nghĩa là phải đủ mười phần mười.
8. Thành thật cứ ân cần.
Thành thật là một đức tánh không thể không có được, khi mình muốn ra tế độ quần sanh đặng lập công bồi đức.
Phải biết rằng, trong lòng ta thế nào, nó hiện ra ngoài thế ấy (hữu ư trung hình ư ngoại), ta chỉ giấu tư tưởng của ta đối với người khờ khạo mà thôi, chớ không thể qua mặt những người sành đời được. Do lẽ đó, ta hãy cố gắng tập luyện đức tánh thành thật, mới có thể ra độ đời được.
Muốn tập luyện đức tánh thành thật, trước hết ta phải đánh tan thói điêu ngoa, xảo trá, gian dối, nhiên hậu đức tánh thành thật mới trồi đầu được. Phải biết rằng, đức tánh tốt và thói xấu tật hư vốn đối chọi nhau, cái nào mạnh thì cái đó hiện hành mãi mãi, cái nào yếu thì bị đè bẹp luôn.
9. Âm chất làm quân chủ.
Âm chất là nền tảng của Đạo pháp, là hạ tầng cơ sở để kiến thiết thượng tầng. Không có nền móng làm tầng dưới mà đòi xây dựng tầng trên là một điều trái ngược, thiếu thực tế.
Một thang thuốc (theo nghĩa đen) luôn phải có Quân, Thần, Tá, Sứ, nghĩa là phải có một vị thuốc làm cột trụ cho các vị khác. Các vị thuốc khác chỉ là trợ duyên mà thôi. Về quốc gia cũng thế, nếu không có quân vương làm chủ thì cũng phải có một vị nguyên thủ quốc gia. Đối với Đạo pháp cũng chẳng khác, ở đây nói Âm chất làm quân chủ, tức là nói phước đức làm nền tảng vậy.
10. Phương tiện đặng bao nhiêu cũng đủ.
Phương tiện giúp đời, tùy theo khả năng tài chánh và tài sức của mình. Ở đời, ít ai đứng ra độ đời mà việc làm lại vượt quá khả năng của mình. Làm nhiều hay ít, làm giỏi hay làm dở, làm cao hay thấp cũng phải do khả năng của mình. Nói cách khác, sức mạnh của mình gánh mấy giạ thì cứ đó mà làm, không thể gánh nhiều hơn được. Trong việc phước thiện cũng như thế, vì vậy Phu Thê Ngôn Luận mới nói: Phương tiện đặng bao nhiêu cũng đủ.
Phải giảm bớt ba phân tiêu táo:
Tiêu là thiêu đốt, Táo là rối loạn nóng nảy, táo gan, táo bạo, táo tợn. Ý nói người tu hành muốn thành công trên con đường giải thoát, tối thiểu phải giảm bớt ba phân tiêu táo.
Cái gì phá tâm tánh của mình, làm cho tâm tánh của mình như bị thiêu đốt mà phải sanh tâm nóng nảy táo bạo?
Cái đó thuộc về ngoại cảnh sáu trần đưa đến, tâm ta đeo níu (phan duyên) vào đó mà sanh ra lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa tài, lửa danh, lửa tình, v.v... chúng nó thiêu đốt tâm can nhu dầu sôi lửa đỏ, làm sao khỏi táo bạo làm liều như con thiêu thân.
Tại sao chỉ giảm có ba phân? — Bởi vì, đó là cái mức tối thiểu cần phải có trong buổi đầu đặng sửa đổi các thói xấu tật hư, các sự ô nhiễm. Nói cách khác, muốn diệt trừ thói xấu tật hư, ít nhứt hành giả phải có cái vốn tốt ở vào mực độ ba phân sắp lên, mới đủ sức hàng phục thất tình lục dục. Nghĩa là muốn trừ thói xấu nào, phải có ba phân đức tánh tốt đối chọi lại, rồi về sau mới mong tiến mãi đến chỗ hoàn toàn trong trắng mới thôi. Hễ tiêu táo giảm một phân, trở thành nhẫn nhục một phân,...
Thí dụ như muốn giảm sự tiêu táo, trước hết ta phải dùng pháp nhẫn nhục thắng nó, điều phục nó cho được ba phân sắp lên. Dưới ba phân, ta chưa thắng được tâm tiêu táo của ta, từ ba phân trở lên mới đủ sức thắng nó. Khi ta thắng thói xấu nào một lần, về sau ta có thể thắng nó mãi mãi cho đến hoàn toàn dứt nó. Các thói xấu khác cũng thế.
Trong sự xây dựng các đức tánh tốt, chẳng khác nào như xây tường. Trong ba viên gạch đầu tiên nếu ta xây được, thì có lúc ta xây hết tấm vách. Trái lại, trong ba viên gạch đầu tiên mà không thành, thì tấm vách mãi mãi chẳng thành.
Lấy Ba la mật luyện ra hột Bồ đề: Ba la mật nói cho đủ là Lục độ Ba la mật, tức là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Bồ đề ở đây có nghĩa là đạo Vô thượng Bồ đề.
Ở trong kinh Đại Niết Bàn có phân ra ba thứ Bồ đề: Một là Thinh văn Bồ đề, hai là Duyên giác Bồ đề, ba là Phật Bồ đề. Kinh khác như Bát Nhã Ba la mật cũng chia như thế, không thấy kinh nào nói Bồ tát Bồ đề.
Tâm Bồ đề, tất cả chúng sanh đều có, nhưng vì nó bị thói xấu tật hư và các sự ô nhiễm phủ vây, chẳng khác mây che nhựt nguyệt, nên ánh sáng của Tâm Bồ đề tuy ta có sẵn mà không thọ dụng được.
Kinh điển nhà Phật đã chia ra ba bực Bồ đề như vậy, thì thấy rằng, ở bực nào có Phật pháp để tu tâm luyện tánh cho bực đó. Như đối với bực Thinh văn thừa thì có pháp Tứ diệu đế để luyện thành Thinh văn Bồ đề. Đối với bực Duyên giác thừa thì có Mười hai nhân duyên để luyện cho thành Duyên giác Bồ đề. Đối với bực Phật thừa thì có Lục độ vạn hạnh để luyện các hàng Bồ tát thành Vô thượng Bồ đề.
Nói lấy Ba la mật luyện ra hột Bồ đề, mình xét trong ba bực vừa kể trên, chỉ có Phật thừa mới có Ba la mật mà thôi. Có người nói rằng, tại sao không có Bồ tát Bồ đề? Theo thiển kiến của tôi, điều ấy cũng không lạ, bởi vì, Bồ tát là những bực tu để thành Phật chớ chẳng phải tu để thành Bồ tát. Do lẽ đó không có Bồ tát Bồ đề, mà chỉ có Phật Bồ đề.
* * *
Nói tóm lại, Phu Thê Ngôn Luận là một quyển sách góp tất cả các kinh điển mới làm thành. Phu Thê Ngôn Luận tuy khuyên niệm Phật, mà không giảng luận cho nhiều về pháp môn nầy. Thế mà có người xem Phu Thê Ngôn Luận chỉ còn nhớ có một việc là Pháp môn niệm Phật mà thôi, kỳ dư những khuôn vàng thước ngọc, những lời kim chi ngọc diệp trong đó có ý khuyên ta phải tu và học các pháp môn khác lại không biết tới. Do chỗ không biết đó mới có cái chấp rằng: “Đức Tông Sư chỉ dạy có môn niệm Phật chớ không có dạy cái gì khác, hễ ai ngoài pháp môn niệm Phật còn tu học cái gì khác là sai với đường lối chủ trương của Thầy Tổ.”
Than ôi! Đọc sách mà như vậy, càng tán dương sách chừng nào, cầm bằng như kẻ thù địch của kinh điển nhà Phật chừng nấy. Kinh điển nhà Phật nói rằng: Khen, chê là hạnh của phàm phu, không khen chê là hạnh của thánh nhân. Tuy nhiên, chẳng phải làm phàm phu mà cho là dễ. Đành rằng phàm phu còn khen chê, nhưng khen không trúng đường, chê không nhằm lối, vào không đầu, ra không đuôi, thì sự khen chê đó còn kém phàm phu rất xa.  
  
 


KẾT LUẬN
Chồng khuyên vợ:
                      Cuộc thế nhộn nhàng nẻo thị phi,
                      Em còn chưa rõ máy “Từ Bi.”
                      Áo cơm no ấm qua cơn khổ,
                      Dưa muối chay lòng khỏi lúc nguy.
                      Sáu chữ Di Đà quen miệng niệm,
                      Muôn loài ma chướng tránh đường đi.
                      Kìa gương Diệu Thiện Quan Âm đó,
                      Soi lấy làm theo có khó chi.
Vợ hỏi chồng:
                      Khó chi niệm Phật với ăn chay,
                      Ngặt nỗi tình duyên vướng những ngày,
                      Cha mẹ phụng thờ chưa thỏa dạ,
                      Trẻ con bồng ẵm vẫn liền tay.
                      Phần lo cấy gặt, phần cơm nước,
                      Lớp liệu gạo tiền, lớp vá may.
                      Một gánh gia đình vai trĩu nặng,
                      Bao giờ thong thả quyết tu ngay.
Chồng khuyên vợ:
                      Quyết tu ngay thảo ấy tu tâm,
                      Bậu chớ bơ thờ để sái lầm.
                      Lạy Phật Lục phương không mấy chút,
                      Niệm kinh sáu tiếng có bao lăm.
                      Ăn chay là rửa lòng tham ác,
                      Lễ bái ấy chừa mối họa dâm,
                      Cây cỏ sớm trồng ăn quả sớm,
                      Đừng đừng lần lựa trễ chầy năm.
Vợ đáp rằng:
                      Trễ chầy năm tháng uổng công trình,
                      Anh giảng em nghe rất hiệp tình,
                      Lạy Phật ăn chay phương sửa tánh,
                      Thờ cha, kính mẹ giữ răn mình.
                      Năm giềng luân lý thành gia đạo,
                      Sáu chữ Di Đà độ chúng sanh.
                      Từ đây mỗi ngày lo một mối,
                      Ngõ noi đàng chánh rộng thinh thinh.

— HẾT —

DUYỆT Y NĂM 1970
SƠN KIM, (Chánh Hội trưởng T.Ư.) đã ký
THÁI VĂN MÍT, đã ký
TRẦN VĂN ĐẸT, đã ký




[1] Ai tu chí công thành chánh quả, chừng phát huệ thì đủ nghe, đủ thấy (kêu là lục thông).
[2] Xem lịch sử Phật, thấy vua Tịnh Phạn lạy Thái tử sau khi đắc đạo thành Phật.
[3] Giải theo lý viên đốn, thì ai còn dùng sắc tướng thinh âm, không thấy đặng bản tánh Như Lai. — Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai.— Như Lai dã, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai (Kim Cang).
[4] Khiếu thông minh tức là trí huệ, nếu ai hay quán chiếu (soi xét, xét vạch), thì tỏ thông mối Đạo.
[5] Là lời ví dụ cái tâm leo chuyền như vượn, cái ý chạy rong như ngựa. Tâm ý vọng động không tịnh định, phải dùng phép niệm Phật mà thúc liễm thân tâm.
[6] Bát-nhã ba-la-mật là trí huệ đáo bỉ ngạn. Dùng trí huệ luyện ra tâm toàn giác (hay là tâm bồ đề).