Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT - Cư sĩ Thiện Hạnh Nguyễn Ngọc Ánh


TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM



PHÁP MÔN NIỆM PHẬT




Cư sĩ NGUYỄN NGỌC ÁNH







Lời nói đầu

Nam Mô A Di Đà Phật
Kính Đức Tông Sư Minh Trí tác đại chứng minh

Tôi là người sơ cơ học đạo, kém về văn hóa lẫn giáo lý, nhứt là mặt tu chứng chưa được bao nhiêu, đâu dám múa rìu qua mắt thợ mà phải phạm lỗi lớn, nhưng vì lòng ham mộ Phật Pháp nên bạo dạn tập tành việc viết bài để phục vụ theo yêu cầu của địa phương nhà. Vả lại trong Điều lệ Nội qui của Ban Đạo Đức Trung Ương khi xưa cũng có khuyến khích việc biên soạn bài giáo lý để giồi trau môn huệ học.
Đức Tông Sư Minh Trí đã dạy rằng: “Để thúc liễm thân tâm, phải thường trì niệm Lục Tự Di-Đà.” Pháp môn Niệm Phật này, tôi được nghe những vị tiền bối trước đây đã từng giảng. Tôi cũng được sự trợ giúp tài liệu của Liễu Như cư sĩ và được ông tập giảng nhiều phen.
Khi tôi giảng pháp môn nầy ở nhiều nơi, được huynh đệ khuyến khích, động viên là nên viết thành bài để xem được rõ hơn. Để đáp ứng tấm lòng huệ cố của huynh đệ, nên tôi viết quyển: “Pháp Môn Niệm Phật” nầy.
Mặc dầu cố gắng, nhưng vì trình độ có hạn, tránh đâu được sự sai sót, mong quí vị thông cảm bỏ qua cho.
NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT
Long Mỹ, ngày 29-9 âl Nhâm Thân
NGUYỄN NGỌC ÁNH





I. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT —
MỘT CON ĐƯỜNG TU TẮT

Nguyên nhân nào Phật dạy Pháp môn Niệm Phật?
Theo trong kinh Di-Đà Đại Bổn có nói:
Hồi thuở xưa kia, nơi Pháp tòa, dung nhan của Đức Thế Tôn hiện ra nét vui vẻ phi thường.
Ông A-Nan thấy vậy mới đứng lên thưa rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử đã từng theo hầu Phật lâu năm, đệ tử chẳng lần nào thấy dung nhan của Đức Thế Tôn khác lạ như ngày hôm nay, xin Đức Thế Tôn từ bi khai thị cho đệ tử để hiểu rõ lý do?”
Phật nói:
“Nầy A-Nan, hay lắm, quý hóa thay lời hỏi của ngươi, dù cho có người đem hết năng lực ra cúng dường và bố thí cho hết cõi Trời, cõi người trải qua nhiều kiếp cũng không thể nào bì kịp các công đức từ câu hỏi của ngươi.
“Bởi vì do câu hỏi của ngươi mà tất cả chư Thiên và chúng sanh trong nhân gian, cho đến các loài bò, bay, máy, cựa, cũng đều nhờ câu hỏi của người mà được độ thoát khỏi vòng sanh tử khổ hải.
“Nầy A-Nan, Ta có một pháp môn tu tắt, khó mà nói ra, bởi vì pháp môn nầy đòi hỏi người nghe phải có một đức tin một cách quả quyết, mới có thể tu trì được. Trái lại, nếu thiếu đức tin, lòng còn do dự thì khó mà thành công đối với pháp môn tu tắt nầy.”
Pháp môn Đức Phật sắp thuyết là Pháp Môn Niệm Phật. Đây là pháp môn vãng sinh Tịnh Độ, là con đường tu tắt, dễ tu, dễ chứng, kẻ trí, người ngu, sang, hèn, đều tu được cả. Vì Phật thương ta, biết đời mạt pháp nầy các pháp khác khó tu, khó chứng, nên để lại cho ta một pháp tu rất dễ.
Hiện tại chúng ta ai ai cũng đều biết, thời buổi này mọi người đều phải cạnh tranh với cuộc sống, mưu kế sanh nhai, ít có giờ rảnh mà tu các pháp khác. Chúng sanh đa số thì nghiệp chướng sâu dày, mê nhiễm lạc thú hồng trần quá nặng, Đức Phật A-Di-Đà vì thương cả thảy chúng sanh, nên cho cái đặc ân là Đới Nghiệp vãng sanh, nghĩa là còn Hoặc nghiệp cũng được vãng sanh. Cho dù Hoặc nghiệp còn hơi nặng, nhưng nhờ lòng tin tưởng mà niệm danh hiệu của Phật, cũng được sự phóng quang nhiếp thọ của Đức Phật mà về nơi Cửu Phẩm Liên Hoa. Mặc dù là Hạ Phẩm, cũng dứt đặng luân hồi.
Trong kinh có nói dụ như vầy: Như hạt cát và cục đá, mặc dù hạt cát tuy nhỏ mà bỏ xuống sông thì chìm ngay. Còn cục đá tuy lớn, nặng hơn nhiều, lại có thuyền chở thì cũng qua sông một cách dễ dàng.
Một ví dụ nữa: Như con mọt đục từ mắt tre để lên ngọn thì rất chậm, còn nếu đục ngang ra ngoài bò thẳng một hơi lên tới ngọn tre mau lẹ, dễ dàng.
Vậy niệm Phật là một pháp tu tắt cho mau, vì tu lòng vòng từ bực thấp lên cao phải trải qua ba kiếp a-tăng-kỳ, quả thời nay ít ai thực hành nổi, phần đông hay bán đồ nhi phế (chỉ trừ những bực lịch kiếp tu hành công cao quả dày).
Trong Chánh Giải Tứ Liệu Giản(*) có bốn bài kệ của Tổ Vĩnh Minh (Diên Thọ đại sư). Xin viết vào đây để chứng minh pháp tu Tịnh Độ dễ hơn Thiền Tông:
Bài Liệu Giản thứ nhứt Tổ nói:
Hữu Thiền, hữu Tịnh Độ
Du như đới giác hổ
Hiện thế vi nhơn sư
Lai sanh tác Phật Tổ.
Nghĩa là:
Có Thiền, có Tịnh Độ
Như cọp mọc thêm sừng
Hiện đời làm thầy chúng
Đời sau làm Phật Tổ.
Bài Liệu Giản thứ hai Tổ bảo:
Vô Thiền hữu Tịnh Độ           
Vạn tu vạn nhơn khứ
Nhược đắc kiến Di Đà             
Hà sầu bất khai ngộ.
Nghĩa là:
Không Thiền có Tịnh Độ         
Muôn người muôn vãng sanh
Nếu thấy Phật Di Đà               
Lo chi chẳng khai ngộ.
Bài Liệu Giản thứ ba Tổ nói:
Hữu Thiền vô Tịnh Độ            
Thập nhơn cửu thác lộ
Ấm cảnh nhược hiện tiền         
Miết nhĩ tùy tha khứ.
Nghĩa là:
Có Thiền không Tịnh Độ         
Mười người lạc hết chín
Năm uẩn hiện trước mắt          
Dẫn người đi khắp xứ.
Bài Liệu Giản thứ tư Tổ nói:
Vô Thiền, vô Tịnh Độ             
Thiết sàng tinh đồng trụ
Vạn kiếp thử thiên sanh          
Nhứt cá nhơn y hộ.
Nghĩa là:
Không Thiền không Tịnh Độ   
Như giường sắt cột đồng
Muốn kiếp với ngàn đời          
Biết nương tựa vào đâu.
Đại ý bốn bài kệ trên đây Tổ Vĩnh Minh sợ sau nầy chúng ta không nhận được chỗ sâu mầu, lợi lạc của pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, mà để lại Chánh Giải Tứ Liệu Giản nhằm làm niềm tin vững chắc cho chúng ta thẳng một đường về miền Tịnh Độ.

II. SỰ HUYỀN DIỆU CỦA PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Đức Giáo Chủ Minh Trí thành lập Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam lấy Phước Huệ Song Tu làm Tông chỉ, lấy Lục Tự Di-Đà làm căn bổn, lấy Tâm làm Thể, lấy bố thí làm Dụng. Khi còn sanh tiền, Đức Giáo Chủ thường khuyên bảo thiện nam, tín nữ, bất cứ thời khắc nào, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi cũng phải niệm sáu tiếng Nam Mô A-Di-Đà Phật, do vậy mà thuở lập giáo ban sơ, người ta quen gọi đạo Tịnh Độ là đạo Di-Đà.
Theo lời tường thuật của quí Ông Bà lớn tuổi ở Long Mỹ, vào thời Pháp thuộc. Lúc ấy Đức Giáo Chủ mới đi mở đạo, Thầy có xuống vùng Long Mỹ. Tín đồ theo cũng đông mặc dù Giáo hội ban sơ chưa thành lập hệ thống. Tình hình đất nước lúc ấy hỗn loạn vì chiến tranh, cuộc sống vô cùng gian khổ. Sự chết chóc thời ấy như ăn cơm bữa, mạng sống con người như sợi chỉ mành treo chuông, một sự nghi ngờ nhỏ cũng đủ mất mạng. Tín đồ lúc ấy lạy Phật thì lạy ở trong mùng, tâm lý hoang mang lo sợ, nên cử ông Tám Đinh lên gặp Đức Giáo Chủ để trình bày những sự nguy hiểm. Đức Giáo Chủ nói: “Con ma nó còn giấu người ta được, tôi giấu các chú không được sao. Đừng lo sợ, miễn lo thuần túy tu hành một cách chơn chánh, luôn luôn niệm Phật, thì việc gì cũng qua khỏi.” Đức Giáo Chủ cho bài kệ mà quí Ông, quí Bà còn lưu lại đến ngày hôm nay. Bài kệ như vầy:
Cạn lời nhắn nhủ bạn đồng ban
Bờ cõi lúc nầy phải sửa sang
Nước Tấn dẫy đầy trùng vấy loạn
Xem trong đạo lý khó bề an
Gắng công thiện niệm gìn lòng thảo
Phước đức trau giồi khỏi gian nan
Lục tự Di-Đà thường nắm giữ
Có Ta điều độ khỏi loài gian.
Được Đức Tông Sư dạy bảo, quí Ông về nhà an tâm tu hành, niệm Phật thường xuyên, lo lập công bồi đức chớ không làm gì khác. Quả thật không một ai bị tai nạn nguy hiểm nào cả. Quí Ông, quí Bà nhờ thực hành pháp môn niệm Phật mà thoát đặng cái khó hiện tại, thật là huyền diệu vô cùng, đúng như câu:
Sáu chữ Di-Đà quen miệng niệm
Muôn loài ma chướng tránh đường đi.
Trong kinh Lễ Bái Lục Phương, Đức Giáo Chủ có dạy phần thứ V, Lạy Hậu Thổ, Bổn phận làm Thầy chỉ giáo có 5 điều chấp sự. Điều chấp sự thứ tư có ghi: “Là dạy niệm Lục Tự Di-Đà, mở rộng lòng nhơn, thương tất cả người cùng loài động vật.”
Trong Phu Thê Ngôn Luận có nói: “Thiên kinh vạn quyện bất quá Lục Tự Di-Đà.” Nghĩa là ngàn kinh muôn quyển, chẳng bằng sáu chữ Di-Đà.
Pháp môn niệm Phật thật là một pháp huyền diệu. Sáu chữ A-Di-Đà là một câu thần chú đối với Mật Tông chớ không có chi lạ. Vì tu Tịnh Độ cũng kiêm luôn Mật Tông và Thiền Tông vậy.
Chúng ta xem kinh Thập Lục Quán mới thấy sự huyền diệu của sáu chữ Di-Đà như sau:
Những người chí thành, nhất tâm niệm Phật, tội lỗi dầu nặng đến đâu cũng sẽ tiêu hết và được hưởng 10 điều công đức dưới đây:
1. Được Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và hết thảy các vị Bồ tát hộ niệm cho.
2. Ngày đêm thường được các vị Đại lực Thần tướng hộ trì.
3. Khi đêm Đức Phật A-Di-Đà thường phóng quang tiếp dẫn.
4. Hết thảy những quỉ Dạ xoa, La-sát và các loài độc dữ đều tránh xa mình.
6. Bao nhiêu tội ác ngày trước cũng tiêu tan hết và ngày nay lỡ giết oan hồn cũng được giải hết, không oán thù gì nữa.
7. Khi chiêm bao trông thấy Đức Phật A-Di-Đà mình vàng tươi tốt trang nghiêm.
8. Lòng thường vui vẻ, dung nhan xinh tươi mạnh khỏe, làm sự gì cũng được lợi ích tốt lành.
9. Được hết thảy những người trong thế gian nầy, thấy mình đức hạnh tươi tốt trang nghiêm đều đem lòng kính mến.
10. Đến khi sắp mất (chết) lòng không sợ hãi, chính niệm hiện ra, trông thấy Đức Phật A-Di-Đà cùng các vị Bồ-tát tiếp dẫn, được vãng sanh nơi Cực lạc, không phải âu sầu, khổ não, được hưởng những sự sung sướng, an vui.
Sự niệm Phật được hưởng mười điều lợi ích như thế, là do nhờ sức nguyện của Đức Phật A-Di-Đà tu hành thuở trước, Ngài có thệ rằng: “Nguyện cho chúng sanh nào, muốn sinh sang nước ta ở, cứ niệm danh hiệu của ta 10 lần với lòng không rối loạn mà không sanh sang được, thì Ta quyết không làm Phật.”
Như thế thì tu pháp môn niệm Phật được sự huyền diệu là vừa tự lực vừa tha lực, thì đường về Cực lạc thật dễ dàng, như thuyền xuôi gió, mau chóng đến bên bờ.



III. CẢNH CỰC LẠC

Người tu Pháp môn Niệm Phật phải tin tưởng tuyệt đối có cõi Cực lạc. Đó là một cõi vui vẻ không chừng, như trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật có nói cho ông Xá-Lợi-Phất nghe rằng: “Bên nước Cực lạc không có những thứ xấu xa, tranh cạnh và tham, sân, si, cùng tai nạn đói rét, khổ sở. Cõi nước toàn những đồ châu báu như: lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, v.v... Người ở cõi nước đó, ở thì có năm sắc cây kết thành nhà, muốn cao thấp khác nhau đều được. Khi tắm có ao thất bảo, tự nhiên nước hóa ra, muốn chừng nào nước có chừng ấy cho mình dùng. Muốn mặc quần áo, dài, ngắn, màu sắc sẵn có, muốn dùng màu sắc nào tùy ý mình. Khi muốn ăn sẵn có trăm món trong sạch, muốn ăn món gì hóa ra món ấy.
“Ta muốn gì có ngay, không như cõi ta-bà đầy đau khổ nầy. Các loài chim thì hót những tiêng dịu dàng thánh thót như niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.
“Thật một cõi nước sung sướng vô cùng, nên gọi là Cực lạc, nghĩa là sự vui đến cùng cực.”
Vậy nên Đức Phật Thích Ca khuyên hết thảy mọi người: “Muốn sang nước ấy, cần phải gắng công niệm Phật một ngày, hai ngày cho tới bảy ngày mà nhất tâm bất loạn, nghĩa là không vọng niệm, không điên đảo. Đến khi lâm chung Phật A Di Đà cùng chư Bồ-tát sẽ đón sang nước ấy trong giây phút chớ không lâu. Cõi Cực lạc là có thật, đừng hồ nghi, cõi ấy ai về được, đời đời kiếp kiếp khỏi phải luân hồi.”
Phật Thích-Ca thương chúng ta, nên giới thiệu cho ta một cõi nước duy nhất, không quốc độ nào bì được.
Chúng ta hãy tin tưởng nơi lời Đức Phật. Phật đã dạy rằng nói láo là một đại tội, thì Phật không bao giờ dối gạt chúng ta đâu (Phật vô hí ngôn), vả lại từ trước đến nay, biết bao nhiêu người tu pháp môn niệm Phật, được vãng sanh về Cực lạc rồi (Xin đơn cử một số vị đã vãng sanh từ xưa trong kinh có ghi sẵn và hiện nay, cũng có người trước khi chết, biết giờ, biết ngày được vãng sanh. Đoạn này có đính kèm phía sau).
Để chứng minh cõi Cực lạc, xin trích nguyên văn một đoạn kinh Lễ Bái Lục Phương nơi trang 21.
“Đức A-Di-Đà vì lòng thương chúng sanh vô hạn nên lập ra 48 điều thệ nguyện độ tận chúng sanh và thề rằng: Nếu còn một điều nguyện của Ngài không thành tựu, quyết không làm Phật. Hiện nay Ngài ở tại Tây phương Cực lạc thế giới, đệ tử của Ngài là bực Thinh văn, Duyên giác và Bồ-tát, dân của Ngài đều là người trí tuệ, an nhàn, tự tại, lại nhờ các vị Bồ-tát, La-hán chỉ phép tu hành, không hề thối chuyển.
“Vậy chúng ta hãy tin chắc chắn nơi lời vàng ngọc của Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni và nơi nguyện lực tiếp dẫn của Đức A-Di-Đà mà cầu sanh về Tịnh Độ, thọ trì qui giới, tịnh tam nghiệp và tập niệm lần sáu chữ Nam-Mô A-Di-Đà Phật, thường giờ, thường ngày, hằng tháng, hằng năm, một lòng tưởng niệm, cho đến lúc đi, đứng, nằm, ngồi, đừng quên thì được vãng sanh về Cực lạc. Được như vậy mới đúng câu:
Nhứt cú Di-Đà vô biệt niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.
Nghĩa là: Một câu Di-Đà không tưởng khác, chẳng nhọc khảy tay đến Tây phương.



IV. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
PHẢI CÓ ĐỦ TÍN, HẠNH, NGUYỆN

Pháp môn niệm Phật cốt lấy Tín, Hạnh, Nguyện làm căn bản. Tín, Hạnh, Nguyện như cái đảnh ba chân, thiếu một cái không đứng vững.
Bởi vì, sự niệm Phật phải lấy Tín Tâm làm Tông chỉ, vãng sanh Cực lạc làm mục đích. Muốn đạt được mục đích ấy, phải tuyệt đối tin tưởng, chẳng chút nghi ngờ, tin tưởng cõi Cực lạc có thật và tin tưởng chắc chắn mình được vãng sanh.
Nếu ai tu pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật một thời gian, bất chợt có người hỏi mình: “Ông có thấy chắc chắn được vãng sanh chưa?” Nếu mình trả lời: “Chừng chết tôi mới biết, chớ chưa biết trước đặng.” Như vậy là chưa được, phải thấy mình một trăm phần trăm là vãng sanh mới đặng, đừng bán tín, bán nghi, mà phải thấy Phật tiếp dẫn mình trong lúc lâm chung một cách chắc thiệt, phải tự tin mới nảy sinh được.
Phải Lập Hạnh, tức là phải đem hết chí nguyện của mình thực hành niệm Phật không xao lãng, không thối chuyển, đồng thời làm theo đúng lời dạy của của Đức Giáo Chủ Minh Trí, “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Nghĩa là lành nhỏ đừng bỏ, dữ nhỏ đừng làm, luôn luôn tác phước thiện duyên, lập công bồi đức, thực hành Phước Huệ Song Tu. Theo Huấn Từ, Thầy dạy: “Tinh tấn thực hành Phước Huệ Song Tu là đường về Cực lạc.” Cần nhứt là trai giới phải tinh nghiêm, để đủ cơ duyên hạnh lành mà về được phẩm cao trong Cửu Phẩm Liên Hoa.
Phải Thệ Nguyện. Người muốn về Cực lạc, việc thệ nguyện là tối quan trọng. Bởi vậy trong Quốc Âm liên đối có dạy: “Tu không thệ nấu cơm không gạo, Niệm chẳng nguyền làm ruộng không gieo.”
Hoặc là câu “Tu chẳng nguyện nào thành chánh quả, Niệm không thề khó ngộ chơn cơ.”
Việc thệ nguyện rất cần thiết với pháp môn niệm Phật. Không thệ nguyện, dầu niệm bao nhiêu cũng không về Cực lạc được (Hữu thệ hữu thành, vô thệ vô thành).
Lòng thệ nguyện phải bền chặt, dù ai nói pháp gì hay ho cỡ nào, cũng chẳng bỏ pháp mình đang tu, phải thấy pháp môn niệm Phật là hơn hẳn các pháp môn khác, phải trông về Tây phương như tù nhân mong ra khỏi ngục, như người đi xa nhớ quê hương.
Muốn vãng sanh phải tin sâu, phải nguyện thiết và phải thực hành pháp môn niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn, thì chắc chắn mình được vãng sanh nơi chín phẩm hoa, bông sen của mình chờ sẵn đó càng lúc càng tươi tốt rực rỡ.



V. CHƯ PHẬT, CHƯ BỒ TÁT, CÁC NHÀ CƯ SĨ
KHUYẾN TU TỊNH ĐỘ

Pháp môn niệm Phật quả có từ xưa đến giờ, được chư Phật, chư Tổ xương minh, vì thấy cái lợi điểm trong sự tu hành. Các bực ấy vì sợ sau nầy chúng ta không tin một pháp quí báu mà để lại lời khuyên bảo như sau:
ĐỨC A-DI-ĐÀ:
Chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu nghe danh hiệu Ta, bèn bền lòng tin tưởng, muốn nguyện sanh về cõi Tịnh Độ của Ta, từ một niệm nhẫn đến mười niệm, nếu chúng sanh ấy không được sanh về nước Ta, thì Ta không ở ngôi Chánh Giác. (Một trong 48 lời thệ nguyện của Đức Phật A-Di-Đà).
ĐỨC THÍCH-CA MÂU-NI:
Nếu người tu hành nào đã phát nguyện, đương phát nguyện hay sẽ phát nguyện về thế giới Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà, hoặc đương sanh, hoặc sẽ sanh, thì những người ấy chứng đặng bực bất thối đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nầy Xá-Lợi-Phất, các Thiện nam, Tín nữ, người nào tin chắc, hãy phát nguyện sanh về cõi ấy (A-Di-Đà Kinh).
Chúng sanh nào được nghe lời Ta chỉ dạy, thì nên phát nguyện cầu vãng sanh về nước ấy. Nếu được sanh về đó, thì cùng với các vị Bồ-tát đồng hội họp chung một chỗ (A-Di-Đà Kinh).
VĂN THÙ SƯ LỢI PHÁP VƯƠNG TỬ:
Nếu Thiện nam, Tín nữ nào ước nguyện tu hành cho thành Phật, thì không có pháp môn nào bằng pháp môn niệm Phật. Niệm Phật chắc chắn mau chứng quả Vô thượng Bồ đề.
Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật là chúa của các pháp môn.
MÃ MINH ĐẠI SĨ:
Chuyên tâm niệm Phật là một phương tiện siêu thắng của Đức Như Lai.
ĐỨC QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT:
Tịnh Độ pháp môn hơn tất cả các hạnh tu khác.
ẤN QUANG ĐẠI SƯ:
Cửu giới chúng sanh (từ Bồ-tát, Duyên giác, Thinh văn, Thiên, Nhơn, A-tu-la, Ngạ quỉ, Súc sanh, Địa ngục, đối với Phật gọi chúng sanh), nếu rời pháp môn niệm Phật thì khó viên thành Phật quả. Thập phương chư Phật bỏ pháp môn nầy, quyết không thể độ khắp chúng sanh.
Nhờ nương Phật, nên tất cả mọi người, bất cứ là Hoặc nghiệp nhiều hay ít, bất cứ là công phu hành đạo cạn hay sâu, miễn đức tin cho chắc chắn, lòng thệ nguyện cho tha thiết, thì quả quyết rằng: Muôn người tu theo pháp môn niệm Phật, muôn người đều được vãng sanh không sót một người.
Ngoài ra, nếu là những bực đã đoạn trừ mê hoặc, chứng đặng chơn lý mà cầu vãng sanh Tịnh Độ, thì mau vượt tới hàng Thập địa Bồ-tát. Còn như hàng Thập địa Bồ-tát mà cầu vãng sanh, thì mau viên thành Phật quả.
GIÁC MINH DIỆU HẠNH THIỀN SƯ:
Pháp môn niệm Phật là tâm Tông của Chư Phật, là con đường tu tắt nhứt hạng, để giải thoát cho tất cả các loại chúng sanh.
Ôi! Một pháp môn có bảo đảm chắc chắn thành tựu Phật quả mà không tu, nghĩ cũng đáng tiếc thật.
Vả chăng niệm Phật là đánh thức ngay cái tri giác, tức là ta đã cấu tạo ngay cái nhân Tịnh Độ nơi nơi cõi lòng rồi. Trong lúc ấy thì cái tánh thỉ giác (Lòng mới được giác ngộ y như bản giác Diệu Minh) không thể xa lìa cái tâm năng niệm, nếu không lìa thì Di-Đà tự tánh hiện tiền, sự thành Phật đã thấy trước mắt, không cần phải đợi vãng sanh. Thật một pháp môn tu học cao siêu mầu nhiệm, quả là chúa của các pháp môn, y như lời nói của Đức Văn Thù Sư Lợi.
CƯ SĨ NHƯ PHÁP:
Cõi Tịnh-độ có thật chớ không phải giả dối. Hiện nay khoa học chỉ biết những tinh cầu hữu hình thôi, còn vô số tinh cầu vô hình — nơi không thể xác định không gian lẫn thời gian — còn trong vòng bí mật, chưa thành hình đối với giới khoa học ngày nay. Tịnh-độ là một thế giới vô hình chớ không có gì lạ. (Trích Phật Học vấn đáp).
CƯ SĨ LIỄU NHƯ:
Phải phát tâm Tín, Hạnh, Nguyện bất loạn. Nghĩa là tin chắc, thực hành pháp niệm Phật và nhứt tâm nguyện vãng sanh về cõi Cực lạc. Niệm Phật mà không có tín tâm và lòng cương quyết nguyện sanh về cõi Cực lạc thì làm sao có kết quả. Một khi Tâm còn do dự, dễ bị Nội và Ngoại ma khuấy rối, Tâm bị tán loạn phải bỏ cuộc nửa chừng. Thế là hết một kiếp dở dang tu hành (Trích Giáo Lý Căn Bản cấp IV).
BÀ LƯU CẢ LUÔNG, HUẤN VIÊN ĐẠO ĐỨC TRUNG ƯƠNG:
Tôi vưng lời Thầy dạy, nên tu pháp môn niệm Phật. Tôi tin tưởng vào pháp ấy, nên từ trước đến nay tôi tu pháp ấy và có rủ huynh đệ tu theo, khi mới niệm bị xen hở, tạp niệm quấy nhiễu, có thể dùng phép quán để ngăn ngừa. Cốt yếu là lúc nào tôi cũng niệm Phật trong lòng, tôi niệm không ra tiếng, nhưng lúc nào tôi cũng nghe rõ ràng sáu tiếng không mê mệt, không hôn trầm, không tán loạn (Trích buổi nói chuyện tại nhà Bà Hai).
ÔNG HUỲNH VĂN DƠN, CHÁNH HỘI TRƯỞNG TRUNG ƯƠNG:
Trong mười hai Tông phái của đạo Phật, chỉ có pháp môn Tịnh Độ là được nhiều người tu học nhứt, chẳng những ở xứ Việt Nam chúng ta, mà ở các xứ lân cận như Trung Hoa, Nhựt Bản nữa. Suy rộng thì Giáo lý Tịnh Độ Tông bao gồm cả Tiệm giáo, Huyền giáo, Mật giáo, Hiển giáo, Đốn giáo, Viên giáo.
Song bao nhiêu điều cao siêu, bao nhiêu điều nhiệm mầu đều gồm hai chữ “Niệm Phật” mà chúng tôi cho là một bí quyết để thành công, một chìa khóa thần để mở cửa tất cả chín Cung Trời và mười phương Phật (Trích Tịnh Độ Tông trang 38).



VI. MUỐN NIỆM PHẬT CẦU VỀ CỰC LẠC
PHẢI CHÁN KHỔ ĐỂ TÌM VUI

Cõi đời này luôn biến đổi, không có gì bền lâu, nên Đức Phật nói là Vô Thường, đến đối thân ta cũng không phải thật của ta, nên Đức Phật gọi là Vô Ngã, cõi ta bà khổ não nầy thường không trong sạch, đến thân ta, môi trường, cảnh vật luôn luôn dơ dáy, hôi tanh, nên Đức Phật gọi là Bất Tịnh, trong cuộc sống luôn luôn khổ não, nên Đức Phật gọi nơi nầy là Khổ.
Nói đến khổ, nếu kể cho hết những sự thống khổ của con người thì không xiết, nào là giận hờn thương ghét cũng đều khổ, lạnh quá cũng khổ, nóng quá cũng khổ, lời nói trái tai, lời hăm dọa, lời khen tặng v.v... cái nào cũng khổ hết. Biết bao nhiêu gia đình, bề ngoài coi đầm ấm, hạnh phúc, thực chất bên trong đầy khổ não, lụy phiền, nhiều người khổ não dồn dập, ở trong cái khổ lại còn có cái khổ thêm nữa, gọi là khổ trung chi khổ.
Ghê gớm thay con người hình hài bạc nhược, yếu đuối, với vạn vật thì chịu cái luật tan rã trước hơn hết, còn lại mang trong mình tám vạn bốn ngàn trần lao, thật đáng kinh sợ. Khổ quả tuy nhiều, nhưng gồm lại thì có 4 cái khổ chánh và 4 cái khổ phụ. Bốn cái khổ chánh là Sanh, Lão, Bịnh, Tử và 4 cái khổ phụ là Ái-biệt-ly khổ, Cầu-bất-đắc khổ, Oán-tắng-hội khổ, Ngũ-ấm xi-thạnh khổ.
Trước hết là Sanh Khổ:
Trong kinh Đức Phật nói: “Nầy các đệ tử, đem nước mắt của chúng sanh chảy từ vô-thỉ đến nay, do sự ân oán gây nên, sánh với nước đại dương thì nước mắt nhiều hơn biển cả.”
Con người bị nghiệp thức dẫn đi đầu thai, vừa còn trong bụng mẹ thì đã chịu khổ. Khi đứa hài nhi vừa lọt lòng mẹ bắt đầu chào đời với khẩu hiệu: “Khổ a! Khổ a!” Khi sanh ra, tiếp xúc với cảnh ngang trái của gió sương, khí lạnh rạt rào trên tấm da non đỏ.
— Tại sao đứa trẻ lọt lòng, không cười mà lại khóc?
— Đó là tượng trưng cho cõi đời nầy đã khổ biết đến dường nào rồi.
— Tránh khổ tìm vui là hy vọng chung của người đời, nhưng có ai tự hào rằng mình thoát khổ? Khổ nó đến với tất cả mọi người, không chừa một hạng nào, nghèo có cảnh khổ của người nghèo, giàu có cảnh khổ của kẻ giàu. Sang, hèn, già, trẻ đều chịu chung một số phận là khổ cả. Nỗi khổ của người đời có thể tóm lại trong hai phương diện: Vật chấttinh thần. Về vật chất trên đường mưu sống, có người phải lặn lội, cực nhọc, không giờ phút nghỉ ngơi, như thế mà sự nhu cầu vẫn thiếu mãi, có lúc con người phải ngã gục trên đường tìm sự sống vì không chịu nổi với gió táp mưa sa ; hoặc không ngã gục thì cũng mắc phải bịnh hoạn khổ thân, đến khi tuổi già, bao nhiêu nhựa sống của tuổi trẻ đã hết, ngồi nhìn lại quãng đời oanh liệt đã qua mà than tiếc, muốn sống lại đời sống của tuổi trẻ mà không bao giờ tìm lại được nữa. Vì cõi đời xê dịch luôn, chớ không bao giờ đứng dừng cho người ta tận hưởng.
Sự sống khổ của nhân loại có rất nhiều, nhưng tựu trung chỉ có 3 điều trọng đại là ăn, mặc. Nếu chúng ta muốn có đủ ba điều nầy, phải siêng năng làm lụng, vất vả khổ sở lắm mới được.
Tóm lại, sự sanh khổ có vô số điều trần lao phiền lụy. Vậy nên trong kinh nói: Ta-bà khổ! Ta-bà khổ! Khổ của cõi Ta-bà không thể tính hết được. Muốn tránh cái sanh khổ não ở ta-bà nầy, không chi hay hơn tu pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh Tịnh Độ. Vì về đó không còn cái khổ sanh ra, miên trường vui vẻ. Nên Cực lạc vui, vui ở cõi Cực lạc không thể kể hết được.
Kế đến khổ thứ hai là Lão Khổ:
Hiện nay khoa học rất giỏi. Nhưng thử hỏi có ai đình chỉ sự già lại đặng chăng? Dĩ nhiên là không. Tại sao? Tại vì đó là luật vô thường dĩ định, nên khi ta ăn một chén cơm là cơ thể đã đổi khác rồi. Bởi vậy sự già không phải tính bằng năm, tháng, mà cái già nó đến từng giờ, từng phút, từng giây. Trong cơ thể ta, tế bào vẫn luôn thay đổi.
Già khổ ở chỗ nào?
Già thì mắt lờ, tai điếc, tay run rẩy, lưng mỏi, gối thun, ăn ngủ vô cùng khó khăn, tay luôn kề gậy, lưng còm xuống đất để chờ ngày gần đất xa trời buồn thảm.
Những người hữu phước, cơ thể cứng cáp hoặc được chăm sóc tử tế còn đỡ khổ phần nào. Chúng ta thấy có người già đi làm mướn, làm thuê đầu đường, xó chợ, sức già quá yếu đâu chịu nổi gió táp phong sương, nhiều khi ngã xỉu trên quãng đường hiu quạnh. Ước chi những người hằng tâm, hằng sản nên giúp đỡ người già cả, cô độc, lập nhà dưỡng lão, để người già được bớt khổ phần nào.
Già mà không lẫn còn đỡ, nếu lẩm cẩm, lẫn lộn thì xác thân mặc dù ở đây mà tâm hồn như ngây, như chết. Bởi vậy người ta nói cũng đúng phần nào là đa thọ, đa nhục hay là già trẻ đồng nhau.
Cũng chính vì những cảnh già rùng rợn ấy mà Thái tử Sĩ-Đạt-Ta nói: Cha làm sao cho con trẻ hoài không già, mạnh hoài không đau và sống hoài không chết.
Cái khổ già như trên đáng chán thật, ghê sợ thật, vậy mà nó sẽ tới với tất cả mọi người. Vì chúng ta còn ở cõi ta-bà nầy, chỉ có về Cực lạc mới tránh đặng cái già khổ sở, hưởng được cảnh trường xuân bất lão. Vì cõi nước của Đức A-Di-Đà là: Không ân, không oán, không sầu, không già, không chết, có đâu luân hồi.
Tiếp theo là khổ thứ ba Bịnh Khổ:
Nói đến bịnh, chắc ai trong đời sống cũng bị hoặc nhiều, hoặc ít, đơn giản như chứng nhức răng thôi cũng đủ khổ rồi, huống hồ những bịnh nặng khác.
Những nguyên nhân gậy bịnh như: Bởi bốn vật lớn là Địa, Thủy, Hỏa, Phong không điều hòa. Bởi thất tình làm ra. Bởi nghiệp báo từ trước v.v...
Con người có cái khổ nào bằng cái khổ bịnh không tiền chạy thuốc, một thân trơ trọi không bà con, không họ hàng. Nếu ở thành thị thì họ chở bỏ vào nhà thương, còn ở nơi thôn quê, rẫy bái thì đành nằm trên chiếc giường tre với lều tranh xiêu dột, nồng nực những mùi tanh hôi, bịnh nặng khát nước không người rót, mệt không người quạt, thèm cháo không người nấu, sự thảm khổ của người bịnh chồng chất như núi, tài nào chịu nổi.
Trên đây chỉ nói người cô độc khổ, vậy để xin phép bàn qua người có gia đình thì ra sao? Có khác chỗ nào đâu, trong gia đình có 5, 6 miệng ăn mà chỉ có một người có sở làm, đến khi người nầy mang bịnh, cả nhà chịu đói, cơm còn không có ăn, tiền đâu chạy thuốc. Khỏi nói quý vị cũng nghĩ cái cảnh khổ còn hơn người bịnh cô độc kia nữa. Trong nhà vợ con nuốt nước mắt mà chịu.
Hiện nay trình độ y học ngày càng cao làm người ta bớt khổ phần nào, nhưng bịnh đâu có dừng lại để đầu hàng y học. Nhiều chứng bịnh kỳ lạ nẩy sanh ra làm thế giới, con người đầy ưu tư khổ não.
Nhìn người nằm trên giường bịnh, những mảnh thịt tiêu vong, còn lộ da xương, nhìn chẳng khác gì một Bạch cốt hình ghê gớm.
Vì đời đang khổ nhiều về bịnh, nên Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam ở đâu có một ngôi chùa, là có phòng thuốc Nam Phước Thiện để giúp đồng bào ốm đau thiếu tiền chạy thuốc, hầu cứu vãn phần nào Bịnh Khổ của nhân loại.
Như trên đã nói, bịnh tuy có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân Thất tình làm ra là phần lớn. Thất tình là Mừng, Giận, Buồn, Vui, Thương, Ghét, Muốn, cái nào thái quá cũng đều sanh bịnh,  ngày nay khoa học đã chứng minh điều đó. Những lo lắng, ưu sầu thái quá, những suy tư không cần thiết làm con người đau yếu rất nhiều ; những đắn đo, băn khoăn liên tục trong đầu óc, những cái vô bổ đó, muốn loại bỏ chỉ cần tu pháp môn niệm Phật liên tục là hay hơn cả.
Tu pháp môn niệm Phật, hiện tại trong đời sống được thanh thản, an vui, tránh được nhiều bịnh khổ. Khi lâm chung về Tây phương Cực lạc thì vĩnh viễn khỏi lo, vì cõi ấy không có sự đau yếu gì cả.
Sau chót là Tử Khổ:
Người đời ai cũng muốn sự sống còn, muốn cho gia đình mình đoàn tụ mãi mãi. Người đời sợ nhứt là cái chết, nhưng có ai tránh khỏi, có tiền lo đặng chăng? Có quyền thế đặng chăng? Vua tránh được chăng? Không tất cả, khi con quỉ vô thường đến nơi thì đồng chịu chung một số phận, thiệt là sanh hữu hạn, tử vô chừng.
Nên biết già, trẻ, bé, lớn gì cũng chết cả. Bất cứ lúc nào, quỉ vô thường cũng không hẹn trước và lưỡi hái tử thần bao giờ cũng kề sát bên cổ, không dung thứ ai cả. Vì thế Cổ Đức có câu dạy:
Phụ, Mẫu thâm ân chung hữu biệt,
Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
Nhơn tình tợ điểu đồng lâm túc,
Đại hạn lai thời các tự phi.
Nghĩa là:
Cha mẹ ơn sâu rốt phải lìa
Vợ chồng nghĩa nặng cũng phân chia
Người như chim chóc đồng rừng ngủ
Cây ngã mỗi con bay rút lia.
Tại sao không tránh đặng cái chết?
Dĩ nhiên vì thân nầy không phải của ta. Thân tứ đại trở về với tứ đại. Trong kinh có câu: “Tứ đại nguyên không thiệt, sắc thân tức thị không.” Thế nhơn cũng có câu: “Ăn của thổ huờn về thổ.” Bởi vì luật vô thường ở cõi Ta-bà nầy chẳng một ai thoát được, vì thế mà chúng ta đã có biết bao nhiêu người đã và đang đau khổ. Đau khổ vì tử biệt, sanh ly. Sanh ly sao khỏi ngậm ngùi cay đắng. Cay đắng sao ai oán thế. Ai oán thế vì kiếp phù dung sớm nở, chiều tàn. Luật vô thường ấy có mấy ai chịu suy xét đến.
Bởi vậy trong Tỉnh Thế Ngộ Chơn có câu:
Diêm Vương bất phách anh hùng hớn
Quỉ phán vô luận niên thiếu nhơn.
Nghĩa là:
Diêm Vương nào sợ anh hùng
Quỉ sứ nào có tha cùng thiếu niên.
Sau đây là một tích nói về sự chết.
Tại nước Ấn Độ, thuở Đức Thế-Tôn còn tại thế, Ngài đã từng hỏi hàng đệ tử bực Sa-môn: “Mạng người sống trong thời gian bao lâu?” Có vị Sa-môn đáp: “Bạch Đức Thế-Tôn, mạng người sống trong thời gian vài ngày.”
Nghe thế Đức Phật nói: “Ông chưa biết đạo.”
Một vị Sa-môn khác đáp: “Bạch Đức Thế-Tôn, mạng người sống trong thời gian bữa ăn.” Thế rồi cũng bị Đức Phật bác rằng ông chưa biết đạo.
Đức Phật lại hỏi nữa: “Mạng người sống trong thời gian bao lâu?”
Có một vị Sa-Môn đáp rằng: “Bạch Đức Thế-Tôn, mạng người sống trong thời gian hơi thở.” Đức Phật khen vị Sa-môn nầy biết đạo.
Chỉ một hơi thở ra là kết liễu một cuộc đời. Vậy chúng ta phải ráng niệm Phật làm sao mà vãng sanh về Cực lạc để giải quyết vấn đề tử khổ. Vì cõi ấy là Vô Lượng Thọ, tuổi thọ không lường nổi. Chỉ có Tây phương Tịnh Độ của Đức Phật A-Di-Đà là sự sống bất diệt, là sự sống trường cửu đời đời.
Trong kinh Phật có dạy: “Sát-na tạo tội, ưng đọa vô gián. Nhứt thất nhơn thân, vạn kiếp bất phục. Tráng sắc bất đình du như bôn mã. Nhơn mạng vô thường, quá ư lưu thủy. Kim nhựt tuy tồn, minh diệt nan bảo.” Nghĩa là: “Tạo tội trong giây phút mà phải cả ngàn năm chịu khổ nơi địa ngục. Một phen bị đọa lạc mất thân người rồi, thời muôn đời khó được lại, sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường mau hơn nước dốc, ngày nay dẫu còn sống, khó bảo đảm được ngày mai.”
Không làm gì ngăn cản đặng sự chết. Như xưa kia Tam Hoàng, Ngũ Đế, mà có lo phương chi đặng sống cho thọ trường chăng? Diệu dược như Thần Nông thì cũng không dễ gì cứu hết số người mạng vong.
Cũng bởi hữu hình ắt hữu hoại. Nói đến cái chết thì vua chúa, quan quyền, giàu, nghèo, sang, hèn đều chung một số phận. Như vua Tần Thủy Hoàng thâu đoạt được giang san rồi muốn tận hưởng cuộc sống trường thọ ; nên nhiều phen tìm kiếm thuốc trường sanh, rốt cuộc cũng không còn. Còn giỏi như Hạng Vương tiếng anh hùng cái thế, mà tại sông Ô Giang cũng phải bỏ mình tan xác. Còn ở Hớn trào, Hàn Tín lập công lao không kể xiết, rốt cuộc cũng phải chết thảm.
Tóm lại, cái chết khổ như thế mà chúng ta ai ai cũng chịu khổ cả. Một khoảnh đất vắng vẻ, cùng nhau chôn xác ; bặt tăm để đất cát lấp vùi, những nấm mồ ngàn thu còn đó. Nghiệm cổ, suy kim, xem coi cái chết khổ không biết dường nào. Thiệt là:
             Thông minh tài trí anh hùng
     Si mê, dại dột cũng chung một gò.
Hoặc là:
             Chết đâu kết thúc cuộc đời
     Luân hồi chết mãi con người chán chưa?
             Quan-âm, ngày tháng thoi đưa
     Trăm năm nháy mắt say sưa làm gì
             Chi bằng niệm tưởng A-Di
     Nhứt tâm bất loạn khỏi đi xuống trần.
Phần trên là 4 cái khổ Sanh, Lão, Bịnh, Tử. Còn 4 cái khổ phụ nữa như:
1. Ái biệt ly khổ: Sanh ly, tử biệt khổ, thương yêu mà phải chia cách, không được gần nhau, đó là cái cõi đời này thường gặp.
2. Cầu bất đắc khổ: Cầu không đặng toại nguyện khổ, sự ước muốn, hy vọng thường không toại nguyện, gây khổ não, ưu sầu.
3. Oán tán hội khổ: Oán thù gặp nhau khổ. Cõi Ta-bà nầy Tham, Sân, Si đầy dẫy nên thường sanh thù oán, khổ nỗi thù oán thường gặp nhau mới thật là không chịu nổi.
4. Ngũ ấm xí thạnh khổ: Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm, trong 5 ấm nầy có một ấm hưng thạnh hơn các ấm kia, nó chi phối làm cho con người phải khổ.
Về đặng Tây phương rồi dĩ nhiên không còn những thứ khổ não trên. Vì đó là Quốc Độ toàn vui.



VII. TU PHÁP NIỆM PHẬT
PHẢI CHUẨN BỊ VÃNG SANH

Trên đời nầy, làm việc gì muốn cho kết quả đều phải chuẩn bị kỹ càng, chu đáo ; cho đến việc làm ăn bình thường, nhỏ bé mà không chuẩn bị còn phải hư hại. Ví dụ như: Ta muốn đi thành phố mà không chuẩn bị trước quần áo, giấy tờ, tiền bạc, khi lên xe quên món nầy, món kia, món nọ, rốt cuộc phải trở về, làm sao đi được.
Còn việc tu hành là hệ trọng, mà thiếu chuẩn bị là không thành công.
Có chuẩn bị thì tư tưởng ta lúc nào cũng nhớ tưởng, đinh ninh về cõi ấy. Tư tưởng con người rất hệ trọng, nó nghiêng chiều nào mạnh thì sẽ ngả về chiều ấy. Ví dụ như cái cây, nghiêng về hướng Tây thì khi ngả sẽ ngả về hướng Tây.
Người tu pháp môn niệm Phật thì phải chuẩn bị vãng sanh. Trước nhứt là nghĩ tưởng khi ta chết được về đất Phật, lúc đủ căn duyên Phật sẽ đến tiếp rước chúng ta bất cứ lúc nào. Cho nên, việc làm ăn sinh sống ở gia đình, ta phải sắp xếp, dù có ta cũng vậy, không có ta cũng không sao (đành rằng sống thì phải làm ăn, nhưng người tu hành phải sắp xếp cho gọn nhẹ). Phải thấy cõi nầy là cõi giả tạm, đừng ham luyến. Về Cực lạc mới là cõi thiệt của ta.
Phải sinh hoạt trước với những người thân chung sống với ta. Trước giờ lâm chung khi ta hấp hối, người thân dừng khóc lóc, kêu la, đừng níu kéo động đậy thân thể, mà phải chấp tay đứng xung quanh nghiêm chỉnh, thành tâm niệm sáu tiếng Nam Mô A-Di-Đà Phật thành tiếng rõ ràng, để người hấp hối niệm theo, niệm khi dứt hơi thở, có người canh chừng niệm tiếp tục thêm lại càng tốt.
Phải trối trước việc ma chay, đừng sát sanh hại vật thái quá. Vì sát sanh sẽ ảnh hưởng đến vong linh người chết. Làm chay được là tốt, bằng không cũng nên hạn chế việc sát sinh.
Lúc nào đau yếu thì cũng chữa trị bình thường. Khi đau nhiều, ta cũng đừng sợ sệt gì cả, luôn luôn thanh thản niệm Phật cầu về đất Phật. Chết là được về đất Phật, nên không sợ chết.
Có nhiều người giữ Tín, Hạnh, Nguyện kiên cố, tịnh nghiệp đầy đủ, biết trước ngày, giờ chết một cách chính xác, cũng nhờ công phu niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn. Vả lại, nếu không nhứt tâm niệm Phật thì không thể vãng sanh được.
Khi đau yếu, gần đến giờ lâm chung mà còn lo lắng, sợ sệt, thương con nhớ cháu, quyến luyến gia tài, tâm trí tán loạn thì làm sao mà vãng sanh.
Tóm lại, người tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ thì phải chuẩn bị cái chết, chuẩn bị lúc lâm chung. Ta phải thực hành cả việc ăn chay, lo làm lành lánh dữ, tác phước thiện duyên. Dốc một lòng thành kính, tin tưởng tuyệt đối vào pháp mình tu, đừng do dự, tùy theo căn cơ của mình mà giữ giới hạnh tu hành, nhứt là trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng niệm Phật. Nếu ít thời giờ, mỗi ngày ta niệm ba thời sáng, trưa, tối cũng được. Tốt nhứt là phải giữ tâm không phiền não, không oán giận, không ghi nhớ chuyện thị phi. Chỉ nhất tâm tưởng Phật, nếu chuẩn bị chu đáo như vậy thì khi lâm chung, Phật cùng chư Bồ-tát sẽ đón ta về nước ấy trong giây phút chớ không lâu.


VIII. CÁCH NIỆM PHẬT,
PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH

Pháp môn niệm Phật có nhiều cách như: Thật Tướng niệm Phật, Quán Tưởng niệm Phật, Quán Tượng niệm Phật, Xưng Danh niệm Phật, Trì Danh niệm Phật.
Các pháp niệm Phật kia không được phổ thông cho lắm, vì phải nhọc công tập trung tư tưởng. Chỉ có Trì Danh niệm Phật được thường dùng, vì để thực hành chỉ cần Tâm và tiếng niệm phối hiệp thành một. Niệm như vậy ít lâu nhờ sự tự lực và tha lực mà thấy được hiệu quả ngay sau đó, là do tha lực của Đức Phật A-Di-Đà phóng quang dẫn cho ta thấy đặng điểm linh quang.
Khi thực hành pháp Trì Danh lúc đầu hãy xem chừng, đang niệm nó lại quên đi, lúc đó tư tưởng ta hoặc trống rỗng hoặc suy nghĩ việc khác mà ta không làm chủ đặng, hãy cố gắng từ từ sẽ quen, ban đầu phóng tâm nhiều, sau phóng tâm ít, từ từ được nhứt tâm.
Có người dùng xâu chuỗi hạt để kềm giữ Tâm mình, mỗi hạt chuỗi một tiếng Phật, điều đó cũng tốt ; sau khi quen, dù bỏ chuỗi, tâm cũng niệm bình thường. Cách niệm Phật thì niệm lớn tiếng hay nhỏ cũng được. Ban đầu niệm trong tâm, không nghe tiếng nhưng tai nghe rõ có tiếng Nam-Mô A-Di-Đà Phật rõ ràng, không hôn trầm, không lẫn lộn điên đảo là được kết quả. Những người tu hành kinh nghiệm cho biết, lúc đầu niệm ngoài miệng rất có lợi, vì tiếng Phật ta niệm ta nghe được, âm thanh đó sẽ áp đảo phóng tâm, chế ngự tâm tán loạn.
Tu pháp môn niệm Phật, thực hành lúc đi, đứng, nằm, ngồi, niệm hoài sẽ thành thói quen, có khi ngủ mà tiềm thức vẫn còn niệm như chiêm bao thấy niệm Phật, hoặc đang nói chuyện tiếp khách, lao động mà nghe tiếng niệm Phật dường như có sẵn hoài trong đầu óc không dứt. Điều nầy mới nghe qua khó tin, nhưng ai có tu pháp môn niệm Phật thì đều biết.
Ta đang đi cấy ngoài đồng, mỗi cây lúa nhét xuống là niệm một tiếng Phật, ta đang đi đường, mỗi bước đi là một tiếng niệm Phật, nằm trên võng đưa nghỉ, mỗi cái lắc võng một tiếng niệm, lựa thóc, mỗi hạt thóc là một tiếng niệm, v.v... Cần nhứt là trước khi đi ngủ, nằm niệm Phật đến lúc ngủ luôn, thức giấc cũng niệm. Ngồi niệm cũng được, nằm cũng được. Chú ý khi tu pháp trì danh nầy, đừng cho xảy ra cảnh hôn trầm, có khi miệng niệm Phật mà ngủ gật. Nếu có như vậy phải chấm dứt ngay, đừng để cảnh hôn trầm đó lâu ngày mà phải hại. Chúng ta phải cương quyết tỉnh táo diệt trừ, đừng để thành thói quen, mỗi lần niệm Phật thì ngủ gà, ngủ gật, đầu thì gục lên, gục xuống.
Tóm lại là niệm tự nhiên, đơn giản bình thường, không cần dẫn tiếng niệm Phật theo hơi thở xuống lưng, bụng gì cả (Theo lời dạy của cư sĩ Liễu Như) mà phải niệm liên tục bất cứ trong trường hợp nào, như trong Tu Mau Kẻo Trễ có nói:
Đi đứng niệm Di-Đà, nằm ngồi trì Lục Tự
Thức cũng tưởng Di-Đà, ngủ cũng ghi sáu chữ
Nói cũng tưởng nam Mô, nín cũng ôm Phật sự
Cực lạc muốn vãng sanh, cứ y hành như thử
Ở chỗ vắng người, cũng như nơi đô hội
Bình tĩnh niệm A-Di, chăm nom Bồ-Đề cội
Nếu tà ý còn sanh, bởi nội tâm còn rối
Khéo điều khiển lòng mình, đường Tây phương một lối.

Có người lập chí không vững, lúc đầu niệm Phật sốt sắng, sau mỗi ngày dăm ba thời, từ từ còn vài tiếng. Khi niệm, khi không, lúc tinh tấn lúc giãi đãi, có lúc tinh tấn trở lại. Bởi tu lôi thôi như vậy thấy cũng không hiệu quả gì, nên giãi đãi nữa. Niệm thì niệm cầm chừng, Tây phương thì cũng muốn về, danh lợi cũng muốn giữ, từ từ nội ngoại ma lôi kéo nghỉ niệm luôn.
Bởi:
Tu lôi thôi nói Thầy không dạy
Niệm mập mờ rằng Phật chẳng linh.
Û Hoặc có người khi đến ngày Sóc, Vọng, đến chùa cầu phước, niệm Phật cho tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, mua may bán đắt. Niệm Phật như vậy cũng tốt, nhưng không đúng Tông chỉ của pháp môn niệm Phật.
Û Hoặc có người thông đạt kinh sách, hiểu rõ lý niệm bảo rằng: Niệm Phật là niệm Tâm, không cầu vãng sanh, nói rằng Duy Tâm Tịnh Độ, Tự Tánh Di Đà. Đây là hạng tu cao, nhưng niệm Phật như vậy cũng không đúng Tông chỉ của Pháp môn Tịnh Độ.
Û Hoặc có người nghe nói Đới nghiệp vãng sanh, rồi tự do tạo tội phạm lỗi mà cầu về Tây phương quyết không được. Nên biết rằng những người vô tình không hiểu mà phạm tội, hoặc hoàn cảnh bất khả kháng mà phạm lỗi, nhưng lòng họ quyết chí niệm Phật cầu vãng sanh tha thiết, thì Phật cũng từ bi cứu độ, được Đới nghiệp vãng sanh. Còn ta hiểu biết nẻo chánh, đường tà mà cố ý phạm lỗi thì không được Phật cứu độ. Vả lại mình tu hành diệt trừ đặng thói xấu, tật hư, tiêu trừ Hoặc nghiệp càng nhiều, mà nguyện sanh về Cực lạc thì được Phẩm càng cao, khi lâm chung được đức A-Di-Đà và chư Bồ-tát đến rước.
Từ đầu đến giờ rất nhiều đoạn nói về niềm tin, đức tin, v.v... như vậy cái phương hướng đúng của pháp môn niệm Phật là lấy Tín Tâm làm Tông chỉ, vãng sanh Cực lạc làm Mục đích. Nếu không cầu vãng sanh thì làm sao đúng với bản ý của Chư Phật, Chư Tổ đề xướng pháp môn nầy.
Ta nên biết đức Văn Thù là đại Bồ-tát, bậc Đại Trí-Huệ, mà còn nguyện vãng sanh về cõi Cực lạc của đức A-Di-Đà.
Trích bài nguyện của đức Văn Thù như sau:
Nguyện ngã mạng chung thời
Diệt trừ chư chướng ngại
Diện kiến A-Di-Đà
Vãng sanh Cực lạc Quốc...
Chúng ta là tại gia cư sĩ, chuyên tâm niệm Phật không gián đoạn trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi thì kết quả sẽ rất mầu nhiệm. Nếu hành đúng phương pháp người dữ sẽ hóa hiền, kẻ xấu thành tốt, kẻ nóng thành nguội. Tiếng niệm Phật gợi nơi ta mở lòng từ bi, hỷ xả mà năng giúp đỡ người.
Thực hành pháp môn niệm Phật được cái kết quả phi thường, vì mỗi lần tâm ta chuẩn bị làm gì ác, thì có tiếng niệm Phật ngăn chận ngay. Không lẽ tâm niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật mà lại giết hại sanh mạng, ăn cắp hoặc đánh đập người, tà dâm, nói dối, uống rượu say sưa, hoặc làm những điều sái với lương tâm, đạo đức, hại nước, hại dân? Không lẽ tâm niệm Phật mà còn tranh đua cao thấp, hơn thua, phải quấy thị phi, chấp nhơn, chấp ngã, ích kỷ không hòa đồng, lợi mình, hại người?
Nếu ai thực hành pháp môn niệm Phật liên tục thì không bao giờ có những tật trên, trừ phi bị đứt khoảng. Vì đứt khoảng sẽ có chỗ trống xen hở, nên bị giặc thất tình, lục dục xâm chiếm ngay. Pháp môn niệm Phật phải thực hành liên tục.
Tóm lại ban đầu niệm thấy khó khăn lắm, khi nhớ, khi quên, ráng trì chí niệm riết thành quen, sau rồi làm gì tâm cũng niệm Phật là được kết quả.
Người Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam niệm Phật như sau:
— Nhứt tâm niệm Phật, dứt bỏ muôn việc trần tức là Bố Thí Ba-la-mật.
— Nhứt tâm niệm Phật, dứt bỏ các việc ác tức là Trì Giới Ba-la-mật.
— Nhứt tâm niệm Phật, lòng được nhu hòa mát dịu là Nhẫn Nhục Ba-la-mật.
— Nhứt tâm niệm Phật, vĩnh viễn không bị thối lui đọa lạc (không bán đồ nhi phế) tức là Tinh Tấn Ba-la-mật.
— Nhứt tâm niệm Phật không còn sanh các vọng tưởng, tức là Thiền Định Ba-la-mật.
— Nhứt tâm niệm Phật, chánh niệm rõ ràng tức là Bát-Nhã Ba-la-mật.
Niệm Phật mà không tín tâm đầy đủ, không thực hành cương quyết, không nguyện thệ tha thiết thì không bao giờ được vãng sanh về Cực lạc.



IX. ĐỨC LỤC TỔ HUỆ NĂNG
VÀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Có nhiều người xem quyển Pháp Bửu Đàn Kinh, không rõ ý Tổ, rồi bài bác pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, hoặc bắt chước lời Tổ, lặp những tiếng của Tổ nói, làm tác hại đến đức tin của người tu pháp môn niệm Phật. Có người còn mạnh dạn nói đức Lục Tổ Huệ Năng bác cõi Tây phương Cực lạc, những điều đó đều do hiểu lầm cả.
Bởi đức Lục Tổ là bực Phật, nên lời nói nào cũng tùy duyên cả, chúng ta người phàm sao rõ ý Thánh. Mà bực Thánh khi muốn nói Pháp đều tùy theo căn cơ và trình độ của chúng sanh mà nói. Vả lại đức Lục Tổ có nói: “Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia (cõi Tây Phương). Còn kẻ ngộ thì tự trong sạch lấy lòng mình.” Rõ ràng câu nầy đâu có bác pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, mà Ngài nhận có cõi kia, chớ đâu có nhấn mạnh là không có cõi Cực lạc. Tổ biết lúc đó còn có nhiều người tu đắc quả, do minh tâm, kiến tánh, nên có lúc phải nói vậy. Còn bây giờ so với lúc đó thì chúng ta không áp dụng được ; vì chúng ta ngày nay, nghiệp chướng sâu dầy, cầu duy tâm Tịnh Độ chớ không cầu vãng sanh là không hợp lý.
Đức Lục Tổ thuyết pháp nói ròng Tánh-Lý. Bởi Đốn giáo nói cái gì cũng luận ngay Tâm, Tánh mà thôi. Cái Tông chỉ bên Thiền là lấy Kiến Tánh làm mục tiêu, dùng sức mình tự lực mà tu hành. Còn pháp môn niệm Phật, Tông chỉ cũng khác, mục đích cũng khác nhau. Cho nên người tu đường lối nào thì theo đường lối đó mà tu hành.
Người thực hành pháp môn Tịnh Độ mà nghe pháp Lý, Tánh mãi rồi sanh nghi ngờ, Tín, Hạnh, Nguyện yếu dần đi, rốt cuộc Thiền không xong, Tịnh cũng không đạt, miệng nhái theo bực Tổ, lòng chẳng được Minh Tâm. Vẽ rồng không ra rồng, cọp không ra cọp. Tốt hơn hết là nên theo thẳng một đường cầu sang Cực lạc, nghiên cứu khoa niệm Phật, nghe nói pháp Tây phương, xem kinh sách Tịnh Độ.
Còn người có lực lớn, liễu ngộ pháp Đại thừa Đốn giáo, lại tin sâu pháp Tịnh Độ vãng sanh, thì quí hóa vô cùng, là bực thầy, bực Tổ vậy.
Bực Tổ sư thường có lời ẩn dụ, như đức Lục Tổ nói: “Đông phương tạo tội, niệm Phật cầu vãng sanh về Tây phương. Còn người Tây phương tạo tội, niệm Phật cầu vãng sanh về xứ nào?” Mới nghe qua câu nầy dường như mâu thuẫn với Tông Tịnh Độ, khiến lòng phân vân, tín tâm lui sụt. Vì đức Lục Tổ là bậc tiếng tăm lừng lẫy, phát ngôn là tiếng Phật thì ai chẳng so đo, xét nét, phân vân.
Như trên đã nói, đó là câu ví dụ của Tổ, để chỉ người Tăng, kẻ Tục mà thôi, chớ Tổ không bác cõi Cực lạc bao giờ. Tổ dụ người người xuất gia mà không tu, thì như người ở Tây phương mà tạo tội.
Nếu đã vãng sanh ở Tây phương của đức A-Di-Đà rồi mà còn cầu về đâu nữa, mà về đó thì đâu còn tạo tội gì. Xét đó nên thấy kinh Đại thừa ý tứ siêu việt, mình người phàm đừng cố chấp văn tự, trong khi chủ trương của chư Tổ Thiền tông là bất lập văn tự. Khi nói pháp là tùy duyên, có khi xem văn tự dường như mắc kẹt cái nầy với cái kia, ý nầy với ý khác. Nhưng khi xét nét rõ ràng thì không gì vướng mắc cả.
Vậy chúng ta không nên dùng ý phàm chấp nê câu văn của Tổ, mà hiểu sai đi, vô tình nói theo không trúng mà mang tội. Bởi vì, ngay cả đức Văn Thù và chư đại Bồ-tát mà còn nguyện sanh về Cực lạc quốc độ nữa kia.




X. KẾT LUẬN

Niệm là ghi nhớ, tưởng đến, Phật là đức Phật A-Di-Đà, Giáo chủ cõi Tây phương Tịnh Độ. Tu pháp môn niệm Phật tức là thực hành liên tục danh hiệu của Đức Phật A-Di-Đà, cho đến nhứt tâm bất loạn thì được vãng sanh, mặc dù Hoặc nghiệp còn, nhưng nhờ lòng từ bi của Đức Phật cũng được cứu độ, cho Đới Nghiệp Vãng Sanh. Niệm Phật mà còn giận hờn, hơn thua, ganh ghét là niệm chúng sanh. Niệm Phật mà dứt đặng các thói xấu, tật hư và các sự ô nhiễm, mới gọi là niệm Phật. Ba nghiệp thanh tịnh, trai giới tinh nghiêm, luôn làm các điều lành, tránh các điều ác thì vãng sanh mới được phẩm cao, chắc chắn lúc lâm chung được Phật và chư Bồ-tát đến rước không sai.
Pháp môn niệm Phật rất cần thiết cho người xuất gia hoặc tại gia. Dù người đoạn hoặc chứng chơn hay kẻ nghiệp chướng sâu dày đều thành tựu cả. Tùy theo công hạnh mà về Cửu Phẩm Liên Hoa. Cái cốt yếu là phải tưởng nhớ Phật chẳng xen hở, đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng niệm tưởng và trong chỗ nhựt dụng thường hành phải trau giồi đức hạnh, giữ thân tâm mỗi ngày mỗi thêm trong sạch, dứt bớt lòng ham muốn.
Thực hành được như vậy, tuy còn tại thế mà cũng như đã vãng sanh rồi, hiện tại danh thơm đứng hàng bực Thánh, lúc lâm chung lại được vãng sanh, quí hóa vô cùng, hạnh phúc biết bao. Chỉ giữ có sáu chữ Nam-Mô A-Di-Đà Phật mà được về đất Phật.
Vậy ai chưa niệm hãy gấp rút niệm Phật, ai đã niệm rồi càng kiên cố hơn lên, ai bỏ cuộc nửa chừng tiếp tục niệm lại. Chúng ta hãy tức tốc đem thân mạng nầy quay đầu về với Đức Phật, cung kính lễ Phật, cung kính theo Phật, Phật sẽ cứu chúng ta, Phật sẽ độ chúng ta, miễn chúng ta giữ cho được một lòng thủy chung như nhứt, kính tin bền chặt thì đường về Tây phương Cực lạc dễ dàng như trở bàn tay.
Chúng ta nên biết, thuở Phật còn tại thế, vì lòng đại bi thương xót chúng sanh trong số kiếp ngũ trược ác thế nầy mà Ngài mới nói pháp Trì Danh Niệm Phật, là pháp mà chúng sanh lấy làm khó tin.
Đến khi Phật diệt độ về sau và đến nay, chúng ta phần đông đều Phước Huệ mỏng manh, nghiệp chướng sâu dày, làm gì thực hành tự lực cho được. Rất may là Phật nói kinh nầy để lại cho chúng ta hôm nay. Sắc thân Phật tuy đã diệt, pháp Trì Danh vẫn còn. Phật dạy chỉ cần tin là thoát đường sanh tử, dứt nẻo luân hồi, vãng sanh Tịnh Độ.
Kinh Đại Bổn có nói: “Sau Phật diệt độ khoảng lâu xa, đến cuối đời mạt pháp, các bổn kinh to dài dòng, các đạo pháp khó tu, lần hồi bị tiêu diệt hết, vì chúng sanh không đủ sức tu học kinh pháp ấy. Chỉ riêng còn một bổn kinh nầy ở đời độ sanh sau rốt mới diệt.” Thế mới biết lòng từ của Phật vô lượng, vô biên, thương xót chúng sanh vô cùng, vô tận. Đang cơn sóng dữ lại có thuyền từ cứu vớt, lúc nắng hạn được nhỏ giọt mưa rào, buổi nguy nan có người cứu giúp, Đức Phật từ bi vô hạn đã để lại pháp môn niệm Phật cứu độ chúng ta trong lúc mạt hạ nầy.
Thật đáng kính thay, đáng tôn thờ thay.
                                                     Long Mỹ, ngày 9 tháng 11 năm 1992
                                                                         Biên soạn:
                                                              NGUYỄN NGỌC ÁNH






(*) Tứ liệu giản là bốn pháp quán thân-tâm và cảnh, Thiền tông và Tịnh tông xưa kia đều dùng pháp này.